Thứ sáu, 29/03/2024 17:50 (GMT+7)

Công ty Nhật có từ bỏ làm sạch sông Tô Lịch?

MTĐT -  Thứ tư, 17/06/2020 10:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 17/6 Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE, đơn vị thử nghiệm công nghệ Nano - Bioreactor) đã có phản hồi về thông tin từ bỏ xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.

Liên quan đến việc ông Hoàng Cao Thắng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho rằng, tổ chức của Nhật Bản sử công nghệ Nano-Bioreactor thử nghiệm làm sạch trên sông Tô Lịch đã từ bỏ ý định tiếp tục thực hiện, sáng 17/6 Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE, đơn vị thử nghiệm công nghệ Nano - Bioreactor) đã có phản hồi.

Cụ thể, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 16/5, trả lời báo chí về hoạt động xử lý ô nhiễm tại sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản, ông Thắng cho biết, từ tháng 11/2019, TP Hà Nội đã họp và yêu cầu Công ty cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) - đơn vị thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch bị ô nhiễm, báo cáo rõ kết quả thí nghiệm, cũng như các văn bản pháp lý liên quan đến công ty xử lý nước thải trên sông Tô Lịch.

Tuy nhiên, đến nay TP Hà Nội vẫn chưa nhận được tài liệu nào, công ty này cũng không liên hệ lại.

Làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản. Ảnh: Internet.

“Như vậy, chúng tôi tự hiểu rằng công ty này đã từ bỏ việc xử lý nước ô nhiễm trên sông Tô Lịch đã thí điểm”, ông Thắng nói.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty JVE đã tháo dỡ, dừng việc thí điểm từ cuối 2019. Kết quả chính thức của quá trình này vẫn chưa được đưa ra, trừ các lần kiểm tra, lấy mẫu nhỏ lẻ mà đơn vị này tự thực hiện.

Tuy nhiên, trao đổi với Zing, đại diện Công ty JVE phủ nhận từ bỏ thí điểm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản và cho biết ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc cung cấp các tài liệu cho Hà Nội gặp khó khăn.

"Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chuyên gia Nhật Bản chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam và tiến hành các nội dung như đã đề cập. JVE không có thẩm quyền thay thế phía đơn vị Nhật Bản để hoàn thành các yêu cầu mà các cơ quan của Hà Nội đưa ra", JVE cho hay.

JVE bày tỏ muốn tiếp tục được thực hiện dự án làm sạch sông Tô Lịch tại Hà Nội, nhưng có sự kết hợp của hệ thống cống ngầm thu gom nước thải mà thành phố đang triển khai. Đơn vị này cho hay việc sục khí nano sẽ giúp xử lý phần ô nhiễm trong lòng sông bao gồm bùn, chất thải và mùi hôi thối. Kế hoạch xử lý sẽ được đơn vị trình lên lãnh đạo thành phố.

Dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor bắt đầu từ giữa tháng 5/2019 trên đoạn sông 300 m. Công nghệ Nano-Bioreactor gồm hai yếu tố là máy sục khí nano tạo ra oxy trực tiếp kích hoạt vi sinh vật; các tấm vật liệu bioreactor là chất xúc tác, cung cấp giá thể, tạo môi trường sống cho vi sinh vật. Hai yếu tố kết hợp thúc đẩy quá trình tự làm sạch nước, phân hủy bùn.

Sau gần 6 tháng, các thiết bị phục vụ thí điểm đã được tháo dỡ. Đơn vị tổ chức thí điểm công bố đạt được sáu mục tiêu: xử lý mùi hôi thối; phân hủy một phần bùn hữu cơ tồn đọng lâu năm dưới lòng sông; bảo tồn hệ sinh thái.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung cho hay đã có buổi làm việc và đề nghị đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch cung cấp hồ sơ như tài liệu tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công nghệ nano. Thành phố giao Sở Xây dựng giới thiệu hồ nước đọng trên địa bàn để đơn vị thí điểm làm sạch nước, xử lý mùi, bùn bằng công nghệ Nano-Bioreactor đồng thời mời các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước, các sở ngành của thành phố tham gia để đánh giá kết quả thử nghiệm.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Công ty Nhật có từ bỏ làm sạch sông Tô Lịch?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới