Thứ tư, 24/04/2024 08:32 (GMT+7)

Đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác thải

MTĐT -  Thứ ba, 26/03/2019 09:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, bình quân mỗi ngày, các hộ dân, cơ sở sản xuất trên địa bàn Thủ đô phát sinh từ 6.500 đến 7.000 tấn rác thải sinh hoạt.

Rác thải chủ yếu được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tại hai khu xử lý chính là Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì).

Không thể phủ nhận những nỗ lực của thành phố trong thời gian qua với việc thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này, nhưng công tác xử lý rác thải vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Nhất là ở khu vực nông thôn mới chỉ có khoảng 88% lượng rác thải hằng ngày được thu gom, xử lý. Nguyên nhân là do thành phố còn thiếu vị trí để xây dựng các trạm trung chuyển, điểm chuyển tải thu gom rác; thiếu khu xử lý rác theo quy hoạch tại các địa phương để giảm tải cho các khu xử lý chất thải rắn tập trung của thành phố. Phương thức xử lý bằng chôn lấp đòi hỏi phải có mặt bằng rộng khiến các khu xử lý luôn quá tải, gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận.

Trong khi đó, công tác đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý rác còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ do khó kêu gọi xã hội hóa, thiếu sự đồng thuận của người dân trong việc xây dựng các khu xử lý chất thải rắn. Như dự án xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II dự kiến thực hiện trong thời gian 2012-2017. Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng của dự án không đáp ứng đã làm chậm tiến độ thi công, bên cạnh đó bổ sung hạng mục kè suối Lai Sơn, dẫn đến phải gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến năm 2020.

Ảnh minh họa: Zing. 

Trước thực trạng này, UBND thành phố Hà Nội vừa có chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải. Thành phố yêu cầu các cấp, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Các nhà đầu tư cam kết sử dụng công nghệ xử lý rác có thu hồi năng lượng và phải là công nghệ tiên tiến trên thế giới (phát thải khí đi-ô-xin ít nhất, tỷ lệ chôn lấp chất trơ từ 5% trở xuống, công nghệ có tỷ lệ phát điện cao nhất theo 12 tiêu chí thành phố đã chỉ đạo).

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp, hỗ trợ các chủ đầu tư đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xem xét phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm cơ sở tiếp tục triển khai dự án, hoàn thiện hồ sơ sử dụng đất, trình UBND thành phố quyết định cho thuê đất trong tháng 3-2019. Đồng thời, đôn đốc thực hiện dự án nhà máy xử lý rác thu hồi năng lượng để phát điện.

UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, cùng các đơn vị tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án chậm tiến độ gồm: Dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong tại huyện Chương Mỹ; Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa; Dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất; Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức... Các cơ quan cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của chủ đầu tư; đề xuất biện pháp chỉ đạo cụ thể đối với từng dự án, báo cáo UBND thành phố trong tháng 4/2019.

Theo báo Nhân Dân

Bạn đang đọc bài viết Đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới