Thứ sáu, 29/03/2024 21:20 (GMT+7)

ĐBQH đề nghị bổ sung cháy rừng vào loại hình thiên tai đặc thù

MTĐT -  Thứ sáu, 29/05/2020 14:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 28/5, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật đê điều.

Theo đó, trong văn bản dưới luật, ở nội dung về cấp độ rủi ro thiên tai, Chính phủ sẽ quy định rõ cháy rừng ở cấp độ nào sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống thiên tai.

Theo báo TN-MT, đại diện cho cơ quan thẩm tra của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, đối với cháy rừng có cả nguyên nhân do thiên tai và nhân tai. Việc phòng, chống cháy rừng đã được quy định trong pháp luật chuyên ngành về lâm nghiệp, về phòng cháy và chữa cháy.

“Tuy nhiên, do tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài nên nguy cơ cháy rừng ở nhiều tỉnh/thành phố của nước ta luôn ở mức độ cao (cấp IV - nguy hiểm, cấp V - đặc biệt nguy hiểm), xảy ra trên diện rộng”, ông Phan Xuân Dũng nhận định.

Theo ông Dũng, thực tế, các vụ cháy rừng lớn đều có nguyên nhân từ nắng nóng kéo dài và có tính chất nghiêm trọng. Việc khống chế các vụ cháy này đã vượt quá khả năng của lực lượng chức năng kiểm lâm, cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn; phải sử dụng bộ máy của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để ứng phó.

Trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, nắng nóng kéo dài, hạn hán có chiều hướng gia tăng thì nguy cơ cháy rừng càng cao; đe dọa đến tính mạng, tài sản hơn 9 -10 triệu người dân sinh sống ở trong rừng, ven rừng và gây ra nhiều hệ lụy khác. Do vậy, cháy rừng ở cấp độ nghiêm trọng cần được xác định là một dạng thiên tai đặc thù để chủ động phòng chống, kiểm soát, huy động nguồn lực, tăng cường công tác chỉ đạo.

Quy định như vậy cũng sẽ khắc phục được hạn chế của Luật Lâm nghiệp, Luật Phòng cháy và chữa cháy khi cháy rừng ở quy mô lớn, do tác động bất lợi của tự nhiên, vượt quá khả năng khống chế của lực lượng chuyên ngành, phải huy động hỗ trợ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Tại phiên họp, một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung loại hình thiên tai “cháy rừng” vào trong dự thảo luật vì tính chất khốc liệt của loại cháy này và thiệt hại gây ra.

Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật đê điều. (Ảnh: TTXVN)

Theo KTĐT, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng – Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng, đối với cháy rừng thì có cả nguyên nhân do thiên tai và nhân tai; cháy rừng có thể do tác động của thiên nhiên, cũng có thể do tác động của con người. Tuy nhiên, cháy rừng không phải lúc nào cũng do con người. Theo đại biểu, trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, nắng nóng, khô hạn kéo dài có chiều hướng gia tăng thì nguy cơ cháy rừng tự nhiên luôn ở mức cao. Hơn nữa, theo thống kê những năm gần đây, Việt Nam cũng xuất hiện nhiều vụ cháy rừng tự nhiên. Do vậy, đại biểu cho rằng, cháy rừng do nắng nóng, hạn hán kéo dài ở cấp độ nghiêm trọng cần được xác định là một dạng thiên tai đặc thù để chủ động phòng, chống, kiểm soát.

Đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, tại Việt Nam có một số loại thiên tai chưa được quy định trong luật đã gây khó khăn cho hoạt động phòng, chống thiên tai. Do đó, đại biểu cho rằng nội dung này nên giao Chính phủ hướng dẫn xác định mức cháy rừng như thế nào được coi là thiên tai.

Về việc đưa sương mù vào như một loại hình thiên tai, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, cho biết cử tri miền núi băn khoăn về việc đưa sương mù là hiện tượng thiên tai. Ở vùng núi, người dân sống quen với hiện tượng sương mù, không phải là hiện tượng bất thường. Sương mù dù có gây một số khó khăn trong cuộc sống, giao thông, nhưng thiệt hại không nhiều. Do vậy, nếu chúng ta quy định sương mù là một hiện tượng thiên tai thì không hiểu nước Anh sẽ như thế nào? Nước Anh tự hào vì là một "xứ sở sương mù" thì chúng ta đưa thành một hiện tượng thiên tai. Các giải pháp ứng phó với hiện tượng thiên tai này quy định tại dự thảo Luật cũng chỉ là có biển báo, thông báo. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thiên tai luôn là thách thức rất lớn với phát triển kinh tế và sinh kế của người dân. Theo ông, thiên tai ngày càng khắc nghiệt hơn, trong đó Việt Nam lại ở vị trí địa lý thường xuyên gặp thiên tai và là 1 trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất trước biến đổi khí hậu.

"Do đó, Việt Nam luôn có chủ trương, chính sách theo từng giai đoạn rất kịp thời. Việc Quốc hội cho phép sửa đổi một số điều trong Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ hơn, phù hợp hơn để thích ứng trong tình hình mới", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành Nông nghiệp cho biết thêm, trong khi họp thứ 8 vừa qua, sau khi các đại biểu thảo luận, ban soạn thảo đã phối hợp rất chặt chẽ với cơ quan thẩm định, các ủy ban của Quốc hội để tiếp thu, chỉnh sửa và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội với 13 nhóm nội dung.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết ĐBQH đề nghị bổ sung cháy rừng vào loại hình thiên tai đặc thù. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới