Thứ năm, 25/04/2024 08:00 (GMT+7)

Đề án “hồi sinh” sông Kim Ngưu: Vì sao nhiều chuyên gia phản đối?

MTĐT -  Thứ sáu, 17/08/2018 16:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước đề xuất cải tạo sông Kim Ngưu, nhiều chuyên gia cho rằng, nên cân nhắc kỹ và không đồng tình việc đặt thêm vào không gian đó các công trình 3, 4 tầng.

Ngày 15/8, Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN đã tổ chức buổi tọa đàm đề xuất ý tưởng chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường sông Kim Ngưu đoạn từ đường Trần Khát Chân tới cầu Mai Động.

Tại buổi tọa đàm, đại diện Công ty CP R&D Quy hoạch (R&D Planners) - đơn vị tư vấn đề xuất ý tưởng cho biết, hiện tại, sông Kim Ngưu đang phải hứng chịu một lượng nước thải lớn từ các hộ dân sống xung quanh. Theo nghiên cứu, cứ 1km sông Kim Ngưu lại có 7 ống cống xả thải trực tiếp ra lòng sông.

“Sông Kim Ngưu cũng đang gánh đồng thời lượng nước thải lớn xả thẳng, không qua xử lý từ các tuyến đường: Lò Đúc, Trần Khát Chân. Các cửa thoát nước thải hai bên bờ đổ xuống lòng sông ở độ cao 2-3m so với đáy sông gây ô nhiễm không khí nặng”, ông Tuấn Anh nói và cho biết trước tình trạng này, R&D Planners đã xây dựng phương án cải tạo lại môi trường sông Kim Ngưu trên diện tích 42.000 m2, chiều dài hơn 1,2km.

Theo phương án mà R&D Planners đưa ra thì việc cải tạo môi trường sông Kim Ngưu sẽ được thực hiện theo hướng tách toàn bộ hệ thống thu nước thải sinh hoạt từ các hộ dân vào đường ống thoát nước thải riêng biệt. Mặt nước chính của dòng sông phục vụ thoát nước mưa, tạo cảnh quan môi trường đô thị kết hợp chức năng thương mại dịch vụ (TMDV) phát huy yếu tố công cộng.

Ngoài ra, đề án còn có các công trình dự kiến được xây dựng gồm quảng trường, đài phun nước, biểu tượng dự án; hai bãi đỗ xe thông minh 5 tầng; khu vực thương mại dịch vụ; tuyến phố đi bộ... Đơn vị tư vấn khẳng định các công trình nêu trên không làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông.

Phối cảnh dự án cải tạo đoạn sông Kim Ngưu của đơn vị tư vấn. Ảnh: Vnexpress.

Đề án sẽ giúp cải tạo môi trường không khí

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng cần sớm cải tạo môi trường các dòng sông của Hà Nội, trong đó có sông Kim Ngưu.

Nêu ý kiến về vấn đề này, theo Dân Việt, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, ý tưởng này nếu được đưa vào thực hiện thì trước hết sẽ cải tạo được môi trường không khí cho người dân xung quanh và tổ chức lại các hoạt động công cộng để làm sống động lại khu vực sống tạo thành một nơi vui chơi, thương mại, dịch vụ.

Các giải pháp được đưa ra sẽ đảm bảo thu gom 100% nước thải của các hộ dân dọc theo xung quanh khu vực, không ảnh hưởng đến mặt nước tự nhiên của dòng sông; Hình thành hệ thống sông hai lớp, đảm bảo thoát nước cho toàn bộ lực vực đường Trần Khát Chân, phố Lò Đúc cũng như thoát nước mưa dọc hai bên đường Kim Ngưu; Hình thành tuyến phố thương mại, dịch vụ hấp dẫn, độc đáo, thân thiện cho người dân Hà Nội và du khách. Tuyến phố đi bọ dọc sông đảm bảo an toàn cao nhất cho trẻ em và người già.

Bên cạnh đó, sẽ giải quyết vấn đề đậu xe công cộng thông qua bố trí các nhà đậu xe tự động, cao tầng và bố trí các dãy nhà thương mại, dịch vụ phù hợp với tổng thể, không ảnh hưởng đến cảnh quan, dòng chảy của dòng sông.

Đề án cải tạo sông thành ao

Tuy nhiên, theo Vnexpress, tại buổi tọa đàm, nguyên Thứ trưởng Xây dựng Phạm Sỹ Liêm lại cho rằng đề án đưa quá nhiều công trình thương mại, dịch vụ che khuất tầm nhìn trên mặt sông.

“Ý tưởng xây bãi đỗ xe thông minh 5 tầng lấn ra sông, nếu đứng từ đầu sông sẽ khó quan sát mặt sông. Dự án này đã biến sông Kim Ngưu thành một chuỗi ao. Nếu gọi đúng tên, đây là dự án cải tạo sông thành ao”, ông Liêm thẳng thắn nêu.

Cũng theo ông Liêm, với mực nước dòng chính của sông sau cải tạo từ một đến 1,2 m thì không có sinh vật nào có thể sống được mà chỉ có rong rêu tồn tại.

Cùng quan điểm trên, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Quốc Thông cũng cho rằng, không đồng tình việc đặt thêm vào không gian đó các công trình 3, 4 tầng.

Cũng như các dòng sông ở Hà Nội, sông Kim Ngưu đang bị ô nhiễm nặng nề. Ảnh: Báo Lao động. 

Hãy để sông có dòng chảy

Còn theo PGS.TS Phạm Đức Nguyên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi trường xây dựng VN, dự án cần được nghiên cứu triển khai trên toàn bộ chiều dài 3km của sông Kim Ngưu.

“Nếu chỉ thực hiện cải tạo trên 1,2km, nước thải đổ ra sông sau 1,2km sẽ hòa vào nước của dòng sông đoạn sau gây ô nhiễm nặng nề hơn cho dân cư đoạn sông 2km còn lại. Có thể nghiên cứu dự án theo 3 giai đoạn: Thoát nước thải sinh hoạt cho các công trình dân sinh hai bên sông suốt chiều dài 3km; Xử lý dòng chảy (nước mưa hoặc nước cấp) của sông và cuối cùng là đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, dịch vụ kinh doanh ven sông”, ông Nguyên nói.

Còn trao đổi với báo Lao động, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính (Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia) cho rằng đối với các con sông và hồ của Hà Nội, nên tuân thủ theo phương châm tự nhiên hóa và hồi sinh hóa; đồng thời có thể làm cho không gian của các sông, hồ thêm khang trang hơn.

“Đối với sông Kim Ngưu, tôi cho rằng không nên chất tải kiến trúc lên dòng sông. Thứ hai là không nên công trình hóa đáy dòng sông. Dòng sông hiện nay đã bị chèn ép, dồn nén lắm rồi. Do vậy không nên biến nó thành những công trình mà hãy để sông có dòng chảy của nó” – GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nói.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đề án “hồi sinh” sông Kim Ngưu: Vì sao nhiều chuyên gia phản đối?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành