Thứ năm, 28/03/2024 17:55 (GMT+7)

Dự án nuôi tôm 'bức tử' bờ biển Tuy An

MTĐT -  Thứ bảy, 18/04/2020 15:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại khu vực thôn Phước Đồng, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, hàng ngày luôn có một khối lượng lớn nước thải từ một số DN trên địa bàn xả thải gây ô nhiễm môi trường biển.

Xả thải trực tiếp ra biển

Nhiều năm qua, người dân thuộc thôn Phước Đồng đã liên tục có đơn khiếu nại về việc môi trường biển tại khu vực đang rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước biển bị ô nhiễm ở tình trạng đáng báo động là do các DN trên địa bàn xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra biển. Cụ thể, nguồn ô nhiễm phát ra từ dự án vùng nuôi tôm xã An Hòa Hải được quy hoạch trên diện tích 20ha, do 3 doanh nghiệp cùng đầu tư, gồm: Công ty TNHH Thủy sản Trường Hải, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Sao Xanh, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Vận tải Trí Huệ.

Hàng chục ống xả thải của nối trực tiếp ra bãi cát

Một người dân sống gần khu vực biển bị ô nhiễm chia sẻ, trước đây vùng biển này nước rất sạch, trong xanh; nhưng từ năm 2016, các doanh nghiệp này về đây nuôi tôm thì nước biển đã dần dần chuyển sang màu đen, thậm chí còn bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên là do nguồn nước thải trong quá trình nuôi tôm thương phẩm được các DN trên xả trực tiếp ra biển mà không qua các khâu xử lý nước thải theo quy định.

“Người dân chúng tôi lãnh đủ, mùi hôi thối nồng nặc. Bên cạnh đó các loại hải sản tại vùng biển bị xả thải cũng chết và dạt vào bờ biển rất nhiều”, một người chia sẻ.

Trước đây, khu vực này vốn là bãi tắm tự nhiên được rất nhiều người dân trong vùng và du khách các nơi đến tắm, tham quan. Từ khi bị ô nhiễm, nơi đây trở thành bờ biển “chết”. Một số ngư dân trong vùng vì mưu sinh mà ngâm mình trong nước biển tại khu vực này thì khi về đều bị mẩn ngứa hoặc nhiễm một số bệnh về da liễu.

Theo ghi nhận sáng 16/4 thì đúng như phản ánh của người dân, dọc bờ biển kéo dài khoảng gần 3km có hàng chục đầu ống nước thải xả thải. Tiếp cận khu vực các đầu ống xả thải, thấy nồng nặc mùi hôi hám khiến đầu óc choáng váng, buồn nôn. Nước từ các ống xả, ngoài bốc mùi thì đều có màu đen, sủi bọt trắng, lẫn nhiều tạp chất… đổ ra bãi cát rồi chảy ra biển.

Theo người trong nghề, tạp chất đó là phân tôm và những thức ăn thừa trong quá trình nuôi tôm. Dọc bờ có thể nhìn thấy khá nhiều các loại cá bị chết được sóng đánh dạt vào bờ, nguyên nhân được cho rằng do ngộ độc vì nước thải này.

Dòng nước hôi hám đen kịt chảy ra biển

Đã nhắc nhở, xử phạt nhiều lần

Thôn Phước Đồng có khoảng 270 hộ dân, trong đó hầu hết sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản, nuôi tôm hùm thương phẩm và làm du lịch.

Từ khi các DN nói trên hoạt động, nhiều loại hải sản trong vùng bị chết, hoặc không sống được nên di cư nơi khác đã khiến sản lượng hải sản ngư dân đánh bắt được giảm đáng kể, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, đời sống người dân nơi đây.

Bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thiệt hại lớn nhất về kinh tế là những hộ gia đình đang nuôi tôm hùm trên vùng biển này. “Nước ô nhiễm nên những hộ nuôi tôm hùm như chúng tôi đều phải thu tôm non, không dám để đúng tuổi, đúng trọng lượng mới thu vì sợ bị nhiễm bệnh sẽ mất trắng. Từ khi mấy DN này về đây, chúng tôi khổ quá”, một người nuôi tôm hùm trên biển chia sẻ.

Theo một cán bộ thôn Phước Đồng, khu vực này tuy còn khá hoang sơ, du lịch chưa phát triển mạnh nhưng trước đây hàng năm cũng đón hàng ngàn lượt khách du lịch đến tham quan và tắm biển. Từ khi có hiện tượng nước biển chuyển màu đen, bốc mùi hôi thôi thì khách du lịch không tới nữa, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu nhập của người địa phương.

Tại vùng biển này còn có một số bãi san hô lớn từng được các tổ chức quốc tế thăm dò xem xét bảo vệ nhằm phục vụ du lịch. Nhưng từ khi có hiện tượng nước biển bị ô nhiễm, các bãi san hô cũng bị ảnh hưởng, có ngư dân phát hiện san hô đã chết rất nhiều.

Ông Trần Sáu – Chủ tịch xã An Hòa Hải cho biết, Công ty TNHH Thủy sản Trường Hải, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Sao Xanh, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Vận tải Trí Huệ bắt đầu về đây thi công từ năm 2013 và hoạt động từ năm 2016. Từ đó xã nhận rất nhiều phản ảnh của người dân về vấn đề ô nhiễm môi trường. Về trách nhiệm địa phương, xã cũng phối hợp với phòng TNMT huyện, tỉnh để kiểm tra và xử lý. Theo kết quả xét nghiệm thì có một số chỉ số chưa đạt.

Tháng 5/2019, kiểm tra thực tế tại khu vực nuôi tôm của Công ty Trường Hải, lấy 1 mẫu nước thải tại vị trí đầu ra của hệ thống xử lý nước thải, kết quả cho thấy có 2/9 thông số vượt Quy chuẩn môi trường. Cụ thể, chỉ tiêu BOD5 vượt 3,94 lần; COD vượt 2,83 lần; lưu lượng xả thải 35 m3/ngày đêm nên đã xử phạt 133 triệu đồng và buộc DN phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm.

Cùng với đó, Công ty Sao Xanh bị xử phạt 50 triệu và Trí Huệ bị xử phạt 90 triệu về hành vi xả thải gây ô nhiễm. “Chúng tôi đã nhắc nhở nhiều lần với các công ty này. Thời gian tới nếu không khắc phục, xã sẽ kiến nghị lên UBND tỉnh và huyện để có hướng xử lý tiếp theo”, ông Sáu nói.

Tháng 9/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch dự án vùng nuôi tôm xã An Hòa Hải (Tuy An). Dự án vùng nuôi tôm xã An Hòa Hải được quy hoạch trên diện tích 20ha, do 3 doanh nghiệp cùng đầu tư, gồm: Công ty TNHH Thủy sản Trường Hải, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Sao Xanh, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Vận tải Trí Huệ.

Mục tiêu của dự án này là tạo khu sản xuất tôm trên cát hoàn chỉnh với hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi đồng bộ, áp dụng quy trình nuôi tiên tiến, sử dụng có hiệu quả nguồn đất cát ven biển, hạn chế tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường, giúp truy xuất được nguồn gốc của con giống để tạo ra sản phẩm tôm thương phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh nói chung và huyện Tuy An nói riêng. Thế nhưng, theo người dân, những công ty nuôi tôm đến khu vực này chỉ gây ô nhiễm chứ không giúp ích được gì.

Theo báo Pháp Luật

Bạn đang đọc bài viết Dự án nuôi tôm 'bức tử' bờ biển Tuy An. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.