Thứ sáu, 29/03/2024 16:23 (GMT+7)

Đừng để mang tiếng sống bẩn và ăn bẩn

MTĐT -  Thứ ba, 07/01/2020 10:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong vài thập niên qua, Việt Nam đã có rất nhiều tiến bộ, đặc biệt là về kinh tế, cơ sở hạ tầng và vật chất. Cơ bản, người Việt Nam ngày nay đang được coi là “sướng” và có cuộc sống tiện nghi hơn.

Tuy vậy, có một số thứ lại đang đi thụt lùi. Cụ thể là, so với trước kia, chúng ta của ngày hôm nay đang sống bẩn hơn và ăn cũng bẩn hơn.

Chúng ta đang sống rất bẩn khi khắp mọi nơi từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến trung du, từ hải đảo đến núi cao, hay từ các con suối âm u đến những bãi biển đầy nắng, đều ngập ngụa rác mà đặc biệt là túi nilon và vỏ chai, vỏ lọ, v.v... - toàn những thứ có thể “thi gan cùng tuế nguyệt”.

Có lẽ chỉ trừ mấy khu resort hay một số nơi mà giới nhà giàu đang cư trú ra thì dù bạn sống ở bất kỳ đâu, hay đi bất cứ tỉnh thành nào trên lãnh thổ Việt Nam, chúng ta đều bị rác bủa vây.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, mỗi ngày, bình quân một người Việt Nam tạo ra 1,2 kg chất thải và 16% trong số đó là chất thải nhựa và túi nilon. Với dân số khoảng 96 triệu người, hằng ngày Việt Nam tạo ra hơn 18.000 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Việt Nam đang là nước xếp thứ 4 trong số các nước gây ô nhiễm môi trường nhất cho đại dương với lượng rác thải nhựa từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn hằng năm được thải ra Biển Đông, tương đương 8% tổng lượng chất thải nhựa của thế giới ra đại dương.

Đồng ý rằng từ xưa đến nay rác vẫn luôn là “một phần tất yếu của cuộc sống” và cứ ở đâu có người thì chỗ đó không ít thì nhiều sẽ có rác. Đa phần trong chúng ta không có ai thích bị rác quấy rầy nên ai ai cũng đều tìm cách “tống khứ” chúng đi. Tuy nhiên, cái làm nên sự khác biệt lớn nhất của người Việt Nam so với dân chúng ở nhiều nước trên thế giới chính là chúng ta chỉ cố làm sao đó để rác không ảnh hưởng đến bản thân mình còn lại không cần biết chúng có gây hại hay ảnh hưởng người khác hay đang làm “ô nhiễm” xã hội mình đang sống trong đó hay không. Kết quả để lại tất yếu là tạo ra một xã hội nơi ai cũng nghĩ rằng bản thân mình “sạch sẽ” trong bối cảnh xung quanh “đầy rác”.

Về mặt xã hội, suy thoái đạo đức có nguyên do từ thiếu niềm tin vào các giá trị nền tảng của xã hội vốn luôn bị ngập trong rác khiến cho nhiều người trở nên vô cảm và thờ ơ với đồng loại xung quanh. Họ chỉ cố tìm cách làm gì đó có lợi cho bản thân và gia đình họ, khiến bản thân được an toàn còn lại đẩy hết các rủi ro, thách thức cho người khác. Đặc trưng văn hóa với tâm lý “chắc nó chừa mình ra” hay “không phải lỗi tại tôi” đang rất phổ biến trong một bộ phận không nhỏ cư dân người Việt.

Cách giải thích thường thấy cho hiện tượng xả rác tùy tiện đó là “tôi xả rác không đúng nơi quy định là vì lúc đó tôi đang vội và không tìm thấy thùng rác nên có thể cảm thông được chứ không như những người kia - họ thật thiếu ý thức và vô trách nhiệm khi cứ xả rác bừa bãi như vậy”. Trong nghĩa hẹp, đây là vấn đề văn hóa hay lối sống ích kỷ của mỗi cá nhân nhưng xét rộng ra, những hành vi và thói quen đầy vị kỷ này đã góp phần định hình nên một dân tộc chưa thực sự trưởng thành.

Trên phương diện kinh tế, rác thải không thể tự nhiên biến mất nếu chúng ta nhắm mắt làm ngơ. Thay vào đó cần có nguồn lực xã hội để thu gom, quản lý, phân loại, tận dụng, tái chế, xử lý và chôn lấp rác. Xả rác bừa bãi ra môi trường đang gây tổn hại về kinh tế khi xã hội phải huy động một nguồn nhân lực lớn hơn để thu gom rác thải cũng như phải tiêu tốn một nguồn năng lượng tốn kém hơn cho việc phân loại, vận chuyển, tái chế và xử lý các nguồn rác thải tản mát khắp nơi.

Ô nhiễm rác thải cũng gây tổn thất kinh tế không nhỏ cho ngành du lịch khi các bãi biển, khu vui chơi giải trí và các tụ điểm du lịch bị giảm đi sức hấp dẫn và phát sinh các bất cập khác do rác thải không được quản lý và xử lý kịp thời.

Quen “sống chung với rác”, từ nhiều năm nay, người Việt Nam dù giàu hay nghèo cũng phải chấp nhận ăn đồ bẩn với phương châm “khuất mắt trông coi” khi thực phẩm bẩn và độc hại có mặt ở khắp nơi và hầu như không thể kiểm soát. Nguyên nhân chính của tình trạng này có liên quan mật thiết tới câu chuyện quen “sống bẩn” của dân ta, trên cả hai phương diện tự nhiên và xã hội.

Ô nhiễm môi trường gây ra do thói quen “đùn đấy” (rác sang người khác hoặc ra xã hội), cộng với các yếu kém trong quản lý và xử lý rác thải đang làm ô nhiễm đất đai, khí quyển và nguồn nước. Hệ quả của vấn nạn này, đó là nhiều người đang phải hằng ngày đối diện với thực phẩm bẩn khi mà cây trồng hay vật nuôi được sản xuất ra từ một môi trường đang bị ô nhiễm ở cả 3 thể rắn, lỏng và khí, để lại ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe giống nòi.

Bên cạnh rác thải, thực phẩm bẩn đang được coi là mối họa không chỉ của riêng ai. Đây cũng là nỗi ám ánh thường nhật của hơn 90 triệu người dân Việt trên khắp đất nước. Dĩ nhiên là chẳng có ai muốn ăn mấy thứ bẩn và độc hại để rước bệnh vào thân cả nhưng tại sao chúng ta vẫn phải ăn bẩn hằng ngày? Nguyên nhân nằm ở chỗ đa phần thực phẩm trên thị trường hiện không thể kiểm soát được chất lượng và dân chúng hầu như không có sự lựa chọn thay thế nào khác vì “mua ở đâu cũng không an toàn cả”.

Trong lưu thông hàng hóa, những sản phẩm sạch thường xuyên bị đánh lận bởi các sản phẩm bẩn cùng loại. Người tiêu dùng do nhiều lần bị lợi dụng nên dần hết tin tưởng vào các hệ thống cung cấp sản phẩm sạch. Với tâm lý đắt rẻ gì cũng là đồ không sạch nên không dại gì phải trả thêm tiền cho những thứ không xứng đáng. Người tiêu dùng từ lâu đã ý thức rõ và biết là không thể tin được bất kỳ ai nhưng họ lại không thể sống mà không ăn - kể cả là ăn bẩn trong bối cảnh thật giả lẫn lộn, khiến câu chuyện sống bẩn, làm bẩn và kinh doanh bẩn vẫn cứ tiếp tục diễn ra và mặc nhiên trở thành một phần tất yếu của cuộc sống.

Mối họa từ chính người Việt đã và đang gây ra cho nhau bắt nguồn từ lòng tham, sự vô cảm với đồng loại và sự thiếu ý thức công dân nghiêm trọng. Trong mối quan hệ giao thương hằng ngày, người bán (kể cả người sản xuất) luôn muốn tối ưu hóa lợi nhuận bằng các sản phẩm bẩn, độc hại và để kệ người mua (tiêu dùng) “sống chết mặc bay”, miễn là mình không sử dụng sản phẩm đó là được.

Kêu gọi ý thức, sự thức tỉnh, lương tâm của người dân trong việc xả rác và của những người đang sản xuất và buôn bán thực phẩm bẩn vì an toàn, hạnh phúc của cộng đồng là cần thiết nhưng có lẽ là chưa đủ để chúng ta có được một xã hội an toàn và vắng bóng các chất độc hại. Bên cạnh vai trò của nhà nước trong việc ban hành, thực thi các chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường và an toàn thực phẩm, cần hơn nữa các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao dân trí và trách nhiệm cộng đồng để hạn chế và đầy lùi thực trạng sống bẩn trong xã hội Việt Nam.

Bên cạnh đó cần nhìn nhận và gắn kết việc thu thập, quản lý rác thải và an toàn thực phẩm như một dạng “trách nhiệm xã hội doanh nghiệp” và trước hết mỗi người Việt Nam cần khắt khe với trách nhiệm, bổn phận và nhu cầu của chính bản thân mình.

Theo ANTĐT

Bạn đang đọc bài viết Đừng để mang tiếng sống bẩn và ăn bẩn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.