Thứ bảy, 20/04/2024 16:59 (GMT+7)

Đừng để rác đuổi khách ra khỏi các điểm du lịch

MTĐT -  Thứ tư, 17/07/2019 17:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Rác thải luôn là tác nhân hàng đầu khiến các điểm du lịch mất khách. Thực tế thời gian qua, những điểm du lịch nổi tiếng trải dài từ Bắc đến Nam đang rơi vào tình trạng này.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF (đánh giá 2 năm 1 lần), vị trí của Du lịch Việt Nam đã có cải thiện, từ 75/141 quốc gia được đánh giá trong năm 2015 lên thứ 67/136 quốc gia được đánh giá trong năm 2017.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra rằng, để nâng cao sức cạnh tranh của ngành du lịch, trong thời gian tới Việt Nam cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa các chỉ số đang được đánh giá ở gần cuối bảng xếp hạng, như: Mức độ bền vững về môi trường (hạng 129); Các quy định lỏng lẻo về môi trường (hạng 115); Mức độ chất thải (hạng 128); Nạn phá rừng (hạng 103) và hạn chế về xử lý nước (hạng 107).

Nhận thấy việc rác thải nhựa là nguy cơ làm giảm sức hấp dẫn của điểm tham quan du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ban hành chương trình hành động Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xả rác, làm ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch trên toàn quốc, góp phần vào việc bảo vệ môi trường ở các điểm du lịch tại Việt Nam.

Theo chương trình này, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương phối hợp với chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn xây dựng quy chế bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa trong các cơ quan, doanh nghiệp du lịch, các khu, điểm du lịch.

Rác thải luôn là tác nhân hàng đầu khiến các điểm du lịch mất khách. Thực tế thời gian qua, những điểm du lịch nổi tiếng trải dài từ Bắc đến Nam đang gặp phải tình trạng này.

Đây là vấn đề thực sự đáng báo động và đã tốn không ít giấy mực của báo chí trong những năm qua. Mới đây nhất là tình trạng ô nhiễm do rác thải tại bãi biển Hải Tiến (Thanh Hóa). Không quá đông đúc như Sầm Sơn, thời gian gần đây, khu du lịch biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá) được nhiều người dân miền Bắc và Bắc Trung bộ lựa chọn cho kỳ nghỉ cuối tuần.

Cách trung tâm thủ đô Hà Nội 155km, Khu du lịch Hải Tiến nằm trên địa phận 5 xã của huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa gồm: Xã Hoằng Tiến, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ, Hoẳng Hải và Hoằng Trường. Bãi biển Hải Tiến ẩn chứa nét hoang sơ, thoải dài nên khá an toàn cho trẻ nhỏ và có thể bơi lội khá xa bờ. Đến Hải Tiến, du khách không chỉ được tắm biển mà với nhiều người, còn được khám phá cuộc sống của người dân nơi đây.

Thế nhưng, dù mới đưa vào khai thác du lịch nhưng nhiều du khách đến với Hải Tiến không khỏi ngán ngẩm về tình trạng ô nhiễm. Tình trạng rác thải, nước thải từ các nhà hàng, khách sạn ven biển Hải Tiến không được xử lý đúng quy trình, xả bừa bãi gây ô nhiễm nghiêm trọng và làm xấu đi hình ảnh của một bãi biển đang được kỳ vọng sẽ trở thành khu du lịch trọng điểm của xứ Thanh.

Thời gian qua, Cù Lao Chàm cũng được nhắc đến là một trong điểm du lịch đang gặp nhiều nhức nhối về môi trường. Năm 2009, khi Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, chỉ có hơn 27.000 du khách tham quan đảo, đến năm 2017 con số này đã tăng gấp gần 15 lần, đạt hơn 400.000 lượt khách.

Với vị trí đặc thù là đảo nhỏ giữa biển, nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn nhưng mỗi năm Cù Lao Chàm phải đón hàng trăm ngàn du khách, dẫn đến công tác quản lý và ứng phó dường như không theo kịp.

“Hiện nay khách đã tăng cao quá sức chịu đựng của đảo nên áp lực về vệ sinh, môi trường, nước ngọt rất cấp bách. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đảo trong tương lai”, ông Nguyễn Đình Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường TP Hội An từng chia sẻ.

Hay như tại đảo Bình Ba thuộc xã Cam Bình, TP Cam Ranh, Khánh Hòa được biết đến là nơi thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước nhờ vẻ hoang sơ, xinh đẹp vốn có. Dù vậy, bức hình chụp hồi tháng 6 vừa qua đã phản ánh sự "nhiễm độc" nặng bởi rác thải ở nơi đây. Hòn đảo này vừa là vựa nuôi tôm hùm lớn, vừa là điểm du lịch. Mỗi ngày, hàng chục tấn rác do người nuôi tôm hùm lồng bè, cơ sở kinh doanh du lịch, nhà hàng và khu dân cư xả thẳng ra biển gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Đảo Nam Du (Kiên Giang) dù vẫn còn rất hoang sơ nhưng cũng đang ngày càng trở nên đáng báo động về tình trạng rác thải.

Với vẻ đẹp hoang sơ vốn có, khách du lịch đến đảo ngày càng đông, rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều. Rất nhiều du khách mang đồ ăn thức uống, dùng xong cứ mặc tình bỏ rác lại các bãi biển. Đáng buồn là rất nhiều nhà dân và cả nhiều hộ kinh doanh nhà nghỉ, quán ăn thản nhiên đổ rác ra đường hay giấu rác bằng cách đổ xuống bờ kè hoặc góc bãi biển nào đó, miễn không phải trước nhà mình.

Kinh tế du lịch đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn góp phần không nhỏ vào GDP phát triển của nên kinh tế nước ta. Thế nhưng, việc phát triển nóng đang khiến môi trường phải trả giá quá đắt.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đừng để rác đuổi khách ra khỏi các điểm du lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ