Thứ năm, 18/04/2024 15:58 (GMT+7)

Gia Lâm: Nghi vấn dùng phế thải xây dựng để san lấp ao, trồng rau

Nhóm PV -  Thứ tư, 22/08/2018 13:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Chỗ ấy thật ra chỉ là đất đào móng nhà thôi, không phải rác thải xây dựng. Sau này họ sẽ đổ lớp đất thịt lên trên”, bà Thúy cho biết.

Thời gian gần đây, người dân xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm liên tục phản ánh tới Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử về việc san lấp ao bằng rác thải xây dựng tại khu vực thôn Phù Dực 1. Ngày 31/7, PV đã có mặt tại địa phương để ghi nhận thực tế.

Sử dụng phế thải để san lấp ao, trồng rau sạch

Theo quan sát của PV, tại khu vực thôn Phù Dực 1, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, đúng như lời người dân phản ánh, hàng nghìn mét vuông ao đang được san lấp bằng hỗn hợp đủ thứ từ đất bẩn, vụn gạch, bê tông, vỏ bao bì, xốp, gỗ,...

Hàng nghìn mét vuông ao đang được san lấp bằng phế thải xây dựng.

Một người dân sống gần đó chia sẻ: “Tôi không rõ là họ san ao này để làm gì, chỉ thấy hàng ngày lại có những xe chở phế thải đổ xuống ao xong họ dùng máy để san ủi”.

Máy móc được huy động phục vụ cho việc san lấp ao.

Sau khi tiếp nhận thông tin, PV đem những bức xúc, băn khoăn của người dân tới chính quyền xã Phù Đổng để tìm ra câu trả lời.

Ngày 21/8, PV đã có buổi làm việc với UBND xã Phù Đổng, gồm bà Nguyễn Thị Thúy – Phó chủ tịch xã Phù Đổng và ông Đinh Văn Quang – Cán bộ môi trường.

Trao đổi với PV, bà Thúy cho biết: “Vị trí đất này của một hộ gia đình trúng thầu, được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt cho thuê 5 năm. Chủ hộ có đơn xin cải tạo để trồng rau nhà màng, nhà lưới. UBND xã cũng đã làm việc, xin ý kiến của Đảng ủy và thống nhất chủ trương tạo điều kiện cho đơn vị thầu san lấp mặt ao một phần để trồng rau sạch”.

"Chỗ ấy thật ra chỉ là đất đào móng nhà thôi", bà Thúy cho biết.

Về nội dung phản ánh việc sử dụng rác thải xây dựng để san lấp ao, bà Nguyễn Thị Thúy nói: "Chỗ ấy thật ra chỉ là đất đào móng nhà thôi, không phải rác thải xây dựng. Sau này họ sẽ đổ lớp đất thịt lên trên, chứ làm sao dùng 100% đất thịt để san lấp được thế thì tốn kém lắm”.

“Còn việc có xốp, bao bì, gỗ,... lẫn trong đó chúng tôi đã có kiểm tra, lập biên bản yêu cầu chủ thầu phải dọn vệ sinh, làm sạch sẽ phần họ đổ đất. Chúng tôi chỉ lập biên bản chứ không xử phạt hành chính đối với đơn vị thầu đất”, bà Thúy cho hay.

Trước thắc mắc của PV về việc sử dụng đất bẩn, xốp, bao bì,... để san lấp liệu có ảnh hưởng tới môi trường đất hay không, bà Phó chủ tịch xã thông tin: “Phần xốp, ván gỗ diêm UBND xã đã yêu cầu đơn vị thu gom lại. Gỗ thì gom rồi phơi lên bờ để đốt và còn xốp thì đem đi nơi khác xử lý. Hiện tại chúng tôi đang đôn đốc họ thực hiện.”.

UBND xã Phù Đổng có bao che cho sai phạm?

Trong buổi làm việc, bà Thúy cung cấp văn bản số 169/TB-UBND ngày 6/8/2018 thông báo về việc đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực thùng Quai Bị, thông Phù Dực 1.

Theo đó, sau khi có phản ánh của Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, để đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực, ngày 1/8/2018 UBND xã Phù Đổng đã có buổi làm việc với ông Đỗ Văn Đạt đại diện chủ hợp đồng thuê thầy khu vực thùng Quai Bị, thông Phù Dực 1, qua buổi làm việc ông Đại cam kết dọn vệ sinh trước ngày 5/8.

Thông báo đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực thùng Quai Bị, thôn Phù Dực 1, UBND xã Phù Đổng cung cấp cho PV.

Tuy nhiên, đến ngày 6/8 tại khu vực này các loại phế thải vẫn chưa được thu gom và xử lý, gây ô nhiễm môi trường. UBND xã Phù Đổng đã yêu cầu chủ hợp đồng thuê thầu nghiêm túc việc thực hiện thu dọn, xử lý theo đúng quy định các phế thải tại khu vực đảm bảo vệ sinh môi trường, xong trước ngày 10/8.

Đồng thời cho biết, nếu chủ hợp đồng thuê thầu không thực hiện việc thu dọn, xử lý theo đúng quy định, UBND xã sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng thuê thầu.

Tiếp đó, 2 vị này đã dẫn PV xuống hiện trường để ghi nhận tình hình. Tại đây, tình trạng phế thải trôi nổi trên mặt ao vẫn chưa được thu gom và xử lý. Trả lời về vấn đề này, bà Thúy cho biết: "Chúng tôi vẫn đang đốc thúc đơn vị nhanh chóng dọn vệ sinh và san lấp".

Ghi nhận hiện trạng ngày 21/8.

Một số phế thải vẫn đang trôi nổi trên mặt ao.

Như vậy, đã quá hạn hơn 10 ngày nhưng chủ thầu vẫn chưa thu gom, xử lý phế thải tại khu vực ao đang san lấp.

Đặc biệc, dù chưa chấp hành đúng quy định, 2 lần vượt quá thời hạn, nhưng UBND xã vẫn chưa thực hiện theo đúng thông báo về việc tiến hành thanh lý hợp đồng thuê thầu của chủ hợp đồng, cũng không có biện pháp xử lý mạnh tay hơn mà chỉ dừng lại ở việc "đốc thúc đơn vị".

Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu rằng phế thải xây rắn xây dựng chưa qua xử lý có được "hô biến" thành vật liệu san lấp ao? UBND xã Phù Đổng có đang bao che cho chủ thầu san lấp ao bằng phế thải gây ô nhiễm môi trường hay không?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin!

Bạn đang đọc bài viết Gia Lâm: Nghi vấn dùng phế thải xây dựng để san lấp ao, trồng rau. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.