Thứ năm, 18/04/2024 19:13 (GMT+7)

“Giải cứu” rạch ô nhiễm nhất TP.HCM để hàng ngàn người bớt khổ

MTĐT -  Thứ ba, 25/12/2018 16:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án cái tạo rạch Xuyên Tâm được TP.HCM phê duyệt từ năm 2002, nhưng do ranh quy hoạch của dự án khá lớn, phát sinh chi phí bồi thường cao nên dự án bị treo.

Thường trực UBND TP.HCM vừa có ý kiến kết luận và chỉ đạo về dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp.

Theo đó, TP.HCM thống nhất chủ trương thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Thành phố sẽ thanh toán hợp đồng BT dự án bằng khai thác quỹ đất hiện hữu tại chỗ, dọc hai bên tuyến kênh ven rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật. Đối với phần chênh lệch thiếu có thể thanh toán bằng tiền từ đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Để thực hiện dự án này, UBND TP.HCM giao UBND quận Bình Thạnh nghiên cứu kỹ việc tách phương án thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng từ nguồn ngân sách thành phố khỏi dự án xây lắp và bán đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất dọc hai bên tuyến kênh rạch Xuyên Tâm để thanh toán cho hợp đồng BT dự án theo đúng quy định. Đồng thời, đề xuất Thường trực UBND TP.HCM xem xét phương án triển khai nhanh hơn đúng theo chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy.

Rạch Xuyên Tâm bị ô nhiễm nặng nề từ nhiều năm nay - Ảnh: Phan Diệu.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM được giao hướng dẫn đơn vị lập đề xuất dự án lập, trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch ½.000 theo đúng quy định pháp luật hiện hành, thời gian thực hiện dứt điểm trong tháng 12/2018.

Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ hướng dẫn đơn vị lập đề xuất dự án thêm 1 phương án (ngoài phương án cũ đang chuẩn bị - tách phương án bồi thường giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án xây lắp); đồng thời, hoàn chỉnh 2 phương án báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo đúng quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển giao thông thủy và du lịch của Thành phố.

Dự án cái tạo rạch Xuyên Tâm được TP.HCM phê duyệt từ năm 2002 và thực hiện bằng ngân sách nhà nước với kinh phí dự kiến khoảng 123 tỉ đồng. Tuy nhiên, do ranh quy hoạch của dự án khá lớn, phát sinh chi phí bồi thường cao, TP.HCM không đủ ngân sách để thực hiện nên dự án bị treo. Trong khi thành phố chờ cơ chế thì người dân chờ bồi thường và sống trong cảnh ô nhiễm nặng nề.

Hàng ngàn người dân sống ở cạnh rạch Xuyên Tâm bị ô nhiễm nặng nề - Ảnh: Phan Diệu.

Năm 2010, TP.HCM tái khởi động dự án bằng hình thức kêu gọi xã hội hóa. Thời điểm này, Công ty CP Hà Nội Ngàn Năm xin được nghiên cứu dự án.

Đến tháng 8/2016, trong cuộc làm việc với UBND quận Bình Thạnh, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM đánh giá rạch Xuyên Tâm là dự án cấp bách, cần triển khai thực hiện sớm. Tại thời điểm đó, lãnh đạo thành ủy đã chấp thuận thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (thanh toán bằng hợp đồng BT). Quận Bình Thạnh được giao thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Dự án Rạch Xuyên Tâm có chiều dài khoảng 8 km đi qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp, trong đó số hộ bị ảnh hưởng trên địa bàn Bình Thạnh khoảng 2.000 hộ, số hộ phải giải tỏa 100% hơn 1.100 hộ; số hộ bị ảnh hưởng trên địa bàn Gò Vấp chỉ hơn 10 hộ.

Tổng mức đầu tư theo tính toán sơ bộ khoảng 8.658 tỉ đồng, trong đó kinh phí cho đền bù, giải phóng mặt bằng khoảng 3.000 tỉ đồng. UBND quận Bình Thạnh cho biết hiện nay quận có hơn 700 căn hộ tái định cư đang "bỏ trống" sẵn sàng phục vụ cho dự án này.

Theo Motthegioi

Bạn đang đọc bài viết “Giải cứu” rạch ô nhiễm nhất TP.HCM để hàng ngàn người bớt khổ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.