Thứ ba, 23/04/2024 13:08 (GMT+7)

Giải pháp nào cho tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội?

MTĐT -  Thứ hai, 01/04/2019 16:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm tại Hà Nội đang vượt chuẩn. Không khí ô nhiễm, cộng khói bụi khiến TP chìm trong “biển sương” mịt mù gây ảnh hưởng đến sức khỏe đến con người.

9h sáng 30/3, AQI - chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày đối với 5 chất ô nhiễm cơ bản gồm bụi PM10, SO2, NO2, CO và O3 - ở Hà Nội tiếp tục ghi nhận ở mức kém. Trước đó, 10h sáng 27/3, chỉ số AQI được cảnh báo là 310 (mức nguy hại); ngày 28/3 là 27/7 (mức rất xấu).

Theo dữ liệu từ Air Visual, trang cung cấp thông tin về chỉ số chất lượng không khí (AQI) của các thành phố trên thế giới, trong sáng sớm ngày 30/3, Hà Nội có điểm AQI lên đến 162, tương đương với thành phố ô nhiễm thứ 8 trên thế giới ngày hôm nay là Vũ Hán (Trung Quốc), con số này ở TP.HCM là 138.

Lý giải về nguyên nhân khiến chất lượng không khí Hà Nội bị ô nhiễm trong thời gian qua, Sở Tài Nguyên - Môi trường Hà Nội cho biết, có 5 nguồn gây ô nhiễm không khí tại thủ đô, gồm: Ô nhiễm từ hoạt động giao thông, hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động xây dựng, sản xuất nông nghiệp và làng nghề; chôn lấp và xử lý chất thải rắn. Trong đó, phương tiện giao thông là nguồn gây ô nhiễm hàng đầu.

Chất lượng không khí Hà Nội xuống thấp trong những ngày qua. Ảnh: Internet.

Trao đổi với báo Dân Việt, chuyên gia môi trường TS Ngô Thọ Hùng, nhận định: “Tại các đô thị lớn của Việt Nam, ô nhiễm giao thông chiếm khoảng 70% tổng lượng phát thải của cả thành phố, nồng độ khí thải ở các đường giao thông, khu vực đông dân cư rất lớn, vượt ngưỡng cho phép khá nhiều lần”.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Giám đốc Trung tâm Thông tin, tư vấn và đào tạo (Viện Chiến lược, chính sách và tài nguyên môi trường - Bộ Tài nguyên - Môi trường), lý giải: “Do các phương tiện vận tải  sử dụng nhiên liệu xăng, dầu diesel, hoặc các nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch. Khi lưu thông trên đường, trong quá trình đốt, các nhiên liệu này sản sinh ra khí CO2. Số lượng phương tiện tham gia giao thông càng nhiều, tỷ lệ khí thải phương tiện thải ra môi trường càng cao, và nhiều phương tiện đã cũ nát, không đảm bảo về tiêu chuẩn khí thải”.

Tất nhiên khí thải từ phương tiện giao thông đã gây tổn hại đến sức khỏe (bệnh đường hô hấp, hệ thần kinh trung ương, bệnh tim mạch...) của  dân cư sống gần các trục đường giao thông lớn hay các nút giao thông trọng điểm...

Để cải thiện chất lượng không khí của thành phố, Hà Nội đã và đang thực hiện hàng loạt giải pháp.

Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch trồng hơn 1 triệu cây xanh; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông; tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc; tổ chức lại vỉa hè, lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ; triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95; tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông; thay thế than tổ ong; cấm và hạn chế đốt rơm rạ.

Đối với các hoạt động xây dựng, các công trình cũng bắt buộc phải được che chắn, giảm thiểu các ảnh hưởng tới môi trường không khí xung quanh, xe tải trọng cao, xe chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng phải được đóng kín thùng, rửa trước khi vào thành phố và trước khi ra khỏi công trường.

Xử lý ô nhiễm và duy trì chất lượng nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C. Cải tạo nước hồ Hoàn Kiếm và hồ Tây, làm sạch sông Tô Lịch. Đẩy mạnh công tác đầu tư các bãi phế thải xây dựng, áp dụng công nghệ nghiền, tái chế hiện đại hạn chế ô nhiễm bụi. Đẩy mạnh tiến độ các nhà máy đốt rác công nghệ hiện đại, tiên tiến để thay thế phương pháp chôn lấp.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã triển khai đồng bộ các Đề án nhằm cải thiện chất lượng không khí như: Đề án chống ồn, chống bụi; đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030; đề án xử lý chất thải y tế nguy hại; đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại.

Ngoài ra, theo VOV, hiện nay, việc đánh giá chất lượng không khí của Hà Nội bị cho là  còn hạn chế do số lượng trạm quan trắc tự động liên tục về môi trường không khí tại thủ đô còn quá ít.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc đảm bảo duy trì vận hành các trạm quan trắc tự động, thành phố Hà Nội cần gấp rút hạn chế tốc độ gia tăng dân số cơ học; đồng thời ban hành các cơ chế về bảo vệ môi trường thật nghiêm, không để tình trạng các công trình xây dựng, giao thông bụi mờ mịt như hiện nay.

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào cho tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới