Thứ sáu, 29/03/2024 04:49 (GMT+7)

Góp ý dự thảo quản lý bùn nạo vét công trình thủy lợi

MTĐT -  Thứ hai, 18/01/2021 15:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư quy định việc quản lý bùn nạo vét từ công trình thủy lợi với định hướng ưu tiên tái sử dụng, tái chế, quản lý và xử lý theo quy định.

Theo dự thảo, việc thu gom, vận chuyển bùn nạo vét phải hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, giao thông; không được làm rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi hôi và nước rò rỉ ra môi trường. Thu gom, vận chuyển đối với bùn nạo vét có tạp chất ô nhiễm thực hiện theo đúng quy định hiện hành về quản lý chất thải. Khuyến khích sử dụng kỹ thuật tiên tiến trong thu gom, vận chuyển bùn nạo vét; khuyến kích sử dụng kỹ thuật, công nghệ tách nước, phơi khô bùn nạo vét trước khi vận chuyển.

 Một số ưu tiên trong quản lý bùn vạo nét

Dự thảo nêu rõ, mức độ ưu tiên trong quản lý bùn nạo vét theo thứ tự sau: (1) Tránh và giảm thiểu tạo ra chất thải; (2) Khuyến khích tái sử dụng và tái chế theo mục đích sử dụng có lợi; (3) Đảm bảo xử lý, đổ thải an toàn. Tránh và giảm thiểu tạo ra chất thải trong quản lý bùn nạo vét là chỉ thực hiện nạo vét khi thật sự cần thiết. Khuyến khích sử dụng bùn nạo vét làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng, áp trúc bờ kênh, mái đê, cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, sản xuất biogar, sản xuất phân bón với điều kiện bùn phải đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất và quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với bùn nạo vét có thành phần chủ yếu là hạt thô có thể được tận dụng để khai thác vật liệu hoặc đắp, san nền. Đối với bùn nạo vét có thành phần chủ yếu là hạt mịn sẽ phù hợp để sử dụng vào mục đích nông nghiệp.

Bùn nạo vét sau khi được phân loại, sẽ được xử lý tùy theo mục đích sử dụng, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và đúng quy định của pháp luật có liên quan.

Thu gom, vận chuyển đối với bùn nạo vét có tạp chất ô nhiễm thực hiện theo đúng quy định hiện hành về quản lý chất thải. (Ảnh:Internet).

Phương pháp xử lý bùn nạo sau vét

Tùy theo mục đích sử dụng, bùn nạo vét từ công trình thủy lợi có thể được xử lý theo các phương pháp sau:

1. Xử lý sơ bộ: Tách/Khử nước: Tách/khử nước trong bùn nạo vét bằng phương pháp lọc ép cơ giới hoặc sử dụng sân phơi bùn. Phân tách (loại bỏ rác/phân tách cấp hạt): Loại bỏ rác, phân tách cấp hạt theo mục đích sử dụng bằng phương pháp sàng, lọc.

2. Xử lý hóa – lý: Theo dự thảo, xử lý hóa lý bằng các biện pháp ổn định bùn, cứng hóa bùn, xử lý bùn nhiễm mặn, chua phèn, chôn lấp. 

Cụ thể, ổn định bùn: Ổn định bùn nạo vét bằng phương pháp phân hủy hiếu khí, kỵ khí hoặc dùng vôi, xử lý nhiệt. Ổn định bùn nhằm phân hủy thành phần hữu cơ, làm giảm khối lượng và tạo ra sản phẩm ít có mùi hôi.

Cứng hóa bùn: Cứng hóa bùn bằng phương pháp phối trộn các phụ gia. Bùn sau khi được xử lý có thể dùng làm vật liệu san lấp.

Xử lý bùn nhiễm mặn: Bùn nhiễm mặn (EC > 4dS/m) có thể được xử lý bằng vôi hoặc rửa mặn bằng hệ thống thủy lợi theo TCVN 9167:2012.

Xử lý bùn nhiễm chua (phèn): Bùn nhiễm chua (pH < 5,5) có thể được xử lý bằng vôi, phân lân nung chảy hoặc sử dụng nước ngọt để rửa chua.

Chôn lấp: áp dụng đối với bùn nạo vét có các thông số ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép không đạt yêu cầu tái sử dụng.

3. Giải pháp, biện pháp xử lý khác

Kết quả đầu ra xử lý bùn nạo vét lựa chọn theo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ướng với mục đích sử dụng bùn nạo vét. Khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật mới trong quá trình xử lý bùn nạo vét.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến góp ý dự thảo trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Góp ý dự thảo quản lý bùn nạo vét công trình thủy lợi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.