Thứ năm, 25/04/2024 20:04 (GMT+7)

Hà Nội: Bao giờ sông Nhuệ được “cứu”?

MTĐT -  Thứ tư, 26/04/2017 08:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sông Nhuệ - con sông quan trọng góp phần thoát lũ cho các quận huyện ở Hà Nội. Nhiều năm qua, con sông này không chỉ ô nhiễm còn bị lấn chiếm, nhiều giải pháp đưa ra nhưng dòng chảy này vẫn bị bức tử.

Vô tư lấn sông làm nhà

Mới đây, sông Nhuệ đoạn chảy qua xã Hữu Hòa, Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì, Hà Nội) được cơ quan chức năng ra quân khơi thông dòng chảy. Lòng sông đã được nạo vét thông thoáng hơn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, nước sông vẫn một màu đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Khó có thể hình dung trước kia, dòng sông Nhuệ rộng thênh thang nay lại bị bức tử.

Sông Nhuệ hiện nay, dòng nước lờ đờ trôi, dọc hai bên bờ, nhiều ngôi nhà đổ cọc bê - tông kiên cố lấn ra tận mép sông. Anh Nguyễn Tiến S. ở xã Hữu Hòa cho biết: “Chúng tôi định cư ở đây từ những năm 90 thế kỷ trước. Ở đây, thậm chí còn có nhiều hộ sống ven sông qua nhiều đời. Các hộ dân ở đây lấn ra mép sông là chuyện bình thường, không thấy có chỉ giới gì cả”. Thậm chí, trong quá trình thâm nhập thực tế, chúng tôi còn được nhiều hộ dân trả lời rằng: “Nghĩ là đất hoang, nên mở quán nước”. Lâu dần những quán nước dọc bờ sông từ chỗ chỉ là túp lều, tấm bạt căng trở thành những ngôi nhà bê tông kiên cố.

Thông tin từ UBND xã Hữu Hòa cho hay, tất cả các công trình xây dựng tạm bợ dọc bờ sông Nhuệ trên địa bàn đều vi phạm hành lang bảo vệ sông, còn chiểu theo Luật Đất đai thì đều thuộc diện lấn chiếm. Từ hàng chục năm trước, hộ dân xây dựng nhà bên sông thuộc địa phận xã Hữu Hòa, đến gặp chính quyền mượn đất rìa sông làm nhà ở tạm, nhưng sau khi được tạo điều kiện, các hộ dân lại cố tình định cư chây ỳ không thực thi khi chính quyền yêu cầu trả lại hiện trạng đất.

Năm 2017, thành phố Hà Nội chủ trương thực hiện Năm kỷ cương hành chính và kế hoạch giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, công cộng, là cơ hội để địa phương “đòi” lại hành lang sông Nhuệ đã bị lấn chiếm nhiều năm. Tuy nhiên, việc bức tử sông Nhuệ đều trong tình cảnh sự đã rồi. Tính đến đầu năm 2017, theo con số thông kê của UBND xã Hữu Hòa, ban ngành đoàn thể của xã đã phối hợp, tuyên truyền tháo dỡ được 20 công trình. Tuy nhiên đây là con số quá nhỏ so với con số hơn 200 công trình lấn sông.

Tình trạng lấn chiếm hành lang dòng sông ở xã Tả Thanh Oai thậm chí còn phổ biến hơn. Dọc địa bàn xã này, nhiều năm nay vẫn còn gần 400 trường hợp lấn lòng sông, chưa kể những hộ mới phát sinh. Thậm chí, không ít hộ thừa nhận do đời cha ông lấn đất làm nhà tạm, rồi đến đời mình có điều kiện làm nhà kiên cố. Theo quan sát của PV, ven sông là những đống rác thải chất cao thành đống. Những ống thải từ nhà dân với màu nước đen ngòm vẫn chảy thẳng ra sông, nhìn mà thấy ngao ngán.

Bị bức tử đến bao giờ?

Nhiều đoạn lòng sông Nhuệ bị thu hẹp vì đất đá, rác thải.

Dòng sông Nhuệ chảy qua địa phận Hà Nội hơn 20km (điểm đầu là cống Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm và điểm cuối là huyện Phú Xuyên), nhưng đoạn sông Nhuệ này chẳng khác nào một dòng sông "chết". Biểu hiệu rõ nhất về sự ô nhiễm của sông Nhuệ còn phải kể đến đoạn chảy qua phường Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm) và phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm). Ở những đoạn này, dưới lòng sông là những ụ rác, ụ sình lầy nổi váng đen ngòm. Mới vào đầu hè nhưng lòng sông đã cạn kiệt, dòng chảy gần như ngưng hoàn toàn. Nhiều đoạn, người dân vẫn coi bờ sông là nơi tập kết rác thải.

Dòng sông Nhuệ ô nhiễm và bị bức tử không phải đến bây giờ mới được đề cập. Nhiều người dân sống hai bên bờ sông Nhuệ bức xúc khi nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hàng chục nghìn hộ dân. Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Thanh Trì cho biết họ gặp khó trong việc giải phóng hành lang và hiện đang dừng ở mức độ vận động người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm, chứ không cưỡng chế do quá nhiều vướng mắc từ trước đó và “phải chờ hướng dẫn cụ thể hơn của thành phố”. Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, lưu vực sông Nhuệ đoạn chảy qua địa bàn huyện Thanh Trì vẫn có hàng nghìn nguồn thải. Trong đó, có phần lớn nguồn thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh; cơ sở y tế, làng nghề và từ các hộ dân sống ven sông.

Dự án kè bờ sông Nhuệ đã được triển khai từ năm 2015 nhưng tiến độ còn khá chậm chạp. Sông Nhuệ sẽ còn “tắc” đến bao giờ, nếu các địa phương không quyết liệt xử lý sai phạm. Các đơn vị chức năng không phối hợp cải thiện mặt nước, tổ chức di dời các hộ dân lấn chiếm. Tình trạng lấn chiếm trên sông Nhuệ rất nghiêm trọng, đòi hỏi chính quyền các địa phương có sông Nhuệ chảy qua phải nâng cao tính trách nhiệm trong quản lý.

Điều mà dư luận đang đặt câu hỏi là địa phương kêu vướng trong việc giải cứu sông Nhuệ, vậy thì cơ quan chức năng nào sẽ vào cuộc giải cứu sông Nhuệ đang bị bức tử? Năm kỷ cương của Thủ đô nhưng việc giải cứu những con sông đang bị bức tử như sông Nhuệ vẫn “phải chờ” thì người dân không khỏi thấy mỏi mòn, lo ngại!

Tổng chiều dài gần 64km, điểm đầu của sông Nhuệ là cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) đến Ứng Hòa, có tới hơn 4.000 trường hợp “xà xẻo” hành lang bảo vệ sông, số lượng bị xử lý rất ít. Trong đó, tồn tại những điểm “nóng” là phường Trung Văn, Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm), Phú Diễn (Bắc Từ Liêm) và xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì). Từ các năm 1995, 2008, 2011, thành phố Hà Nội đều có những chiến dịch giải tỏa các công trình vi phạm hành lang bảo vệ sông Nhuệ. Tuy nhiên, việc thực thi không triệt để, chỉ một số ít trường hợp bị xử lý, nên khi chiến dịch lắng xuống, người dân lại tái lấn chiếm. Sông Nhuệ chẳng những không được cứu, mà hiện tượng xả rác thải, phế thải công trình xây dựng còn nghiêm trọng hơn khiến dòng chảy thêm nghẹn ứ và đặc quánh.

Theo Báo Gia đình

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Bao giờ sông Nhuệ được “cứu”?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng