Thứ sáu, 29/03/2024 19:59 (GMT+7)

Hà Nội: Dân sống khốn khổ vì gần mười trại lợn “bức tử” môi trường?

Minh Quang -  Thứ ba, 11/08/2020 11:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng nghìn con lợn của nhiều trang trại trên địa bàn hai xã Thạch Hoà và Bình Yên (H.Thạch Thất, Hà Nội) đang ngày đêm “bức tử” môi trường, tra tấn cuộc sống của các hộ dân quanh khu vực.

Người dân thuộc hai xã Thạch Hoà và Bình Yên (huyện Thạch Thất, Hà Nội) phản ánh tới toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử về việc đã từ nhiều năm nay, người dân sống gần khu vực quản lý của Tiểu đoàn 26 - Tổng cục Hậu cần và Trung đoàn 916 - Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, phải sống trong khổ sở vì mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ một số trang trại lợn.

Qua ghi nhận thực tế tại những vị trí mà người dân phản ánh có thể thấy, xung quanh những khu vực này có khoảng 10 trại lợn cắm chốt, chỉ cần đi qua những trại lợn này là có thể cảm nhận được mùi hôi thối nhức óc, dọc những con mương, hồ chứa giáp các trại lợn nước đen kịt, phân lợn được thải trực tiếp ra môi trường, không có hệ thống thu gom xử lý nước thải, mùi xú uế từ những hố phân bốc lên nồng nặc.

Hiện tại có khoảng gần 10 trang trại nuôi lợn đang hoạt động thuê đất của Trung đoàn 916 - Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân.

Bức xúc vì những trại lợn đang ngày đêm gây ô nhiễm môi trường, thế nhưng lại chưa có đơn vị nào vào cuộc xử lý triệt để.

Ông Hồng thôn 10 cho biết: Hàng chục năm nay, không chỉ có riêng gia đình ông mà có hàng trăm hộ dân sống tại đây vô cùng khổ cực vì mùi hôi thối, mùi xú uế từ những trang trại lợn gây ra, những lúc thay đổi thời tiết, về đêm, là những lúc thấy tởm nhất vì mùi hôi thối bốc lên không thể tả nổi…

"Mặc dù tình trạng này chúng tôi đã nhiều lần làm đơn gửi lên các cấp chính quyền địa phương cũng như phía quân đội, nhưng cho đến thời điểm hiện tại thì vẫn chưa được xử lý", ông Hồng thông tin thêm với PV.

Cũng bức xúc trước vấn đề này, bà Nhung (một người dân địa phương) đứng chỉ tay về con đường dẫn vào trại lợn ở cuối sân bay cho biết: “Khi chưa có trại lợn, toàn bộ người dân ở đây đều sử dụng nước giếng khoan để sử dụng. Thế nhưng từ khi những trại lợn này xuất hiện thì nguồn nước sạch của bà con cũng bị ảnh hưởng vì nguồn nước ô nhiễm do nước thải của các trang trại này thẩm thấu xuống nguồn nước sinh hoạt. Chính vì vậy bà con phải bỏ giếng khoan, đầu tư làm giếng trời để hứng nước sạch”.

Tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ các trại lợn gây ra, người dân cũng như chính quyền địa phương đã nhiều lần có ý kiến lên các cấp có thẩm quyền với mong muốn sớm được xử lý dứt điểm.

“Tình trạng này diễn ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được xử lý, chúng tôi vô cùng bức xúc, phải chịu ảnh hưởng từ sự ô nhiễm thế này không chỉ có chúng tôi mà còn con cháu chúng tôi nữa biết phải sống sao hả các chú?”, bà Nhung kêu than.

Trao đổi với lãnh đạo địa phương về việc này, ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết: “Chính bản thân chúng tôi cũng không thể chấp nhận được vấn đề này, nếu như chúng tôi có thẩm quyền thì chúng tôi đã xử lý từ khi các trại lợn này đi vào hoạt động".

Nước thải tập kết bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân từ nhiều năm.

"Mặc dù người dân có kiến nghị gửi tới UB xã và xã cũng đã có báo cáo lên huyện để có hướng xử lý nhưng hiện tại huyện cũng không có thẩm quyền, mà huyện phải gửi lên thành phố sau đó tiếp tục gửi qua Bộ Quốc phòng để những đơn vị liên quan, có thẩm quyền về kiểm tra những cơ sở trên, chúng tôi cũng mong muốn tình trạng này sẽ được xử lý sớm giúp bà con nhân dân có cuộc sống ổn định hơn”. Ông Nguyễn Văn Hưng thông tin thêm với PV.

“Hầu như những trại lợn này đều xả thải trực tiếp và không có hệ thống xử lý nước thải, phân lợn đổ ra ngoài môi trường không được che chắn cẩn thận cứ nắng nóng là mùi hôi thối toả đi khắp các nơi. Chính vì thế người dân sống quanh khu vực này bị ảnh hưởng, dù có nhiều gia đình sống cách những trại lợn vài cây số cũng bị ảnh hưởng không kém. Đối với quan điểm của xã hiện tại là mong những trại lợn này sẽ sớm rời đi nơi khác, phải khắc phục lại môi trường nhằm giảm thiểu mùi hôi thối, trả lại không khí trong lành cho người dân”, ông Hưng nói.

Nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng.

Qua những vấn đề trên người dân tại hai xã Thạch Hoà và xã Bình Yên vô cùng lo lắng bởi không biết đến khi nào thì cuộc sống của họ mới được yên ổn? Họ cho rằng bản thân các chủ trang trại đang tính cái lợi trước mắt mà không để ý đến sự ảnh hưởng của người dân hiện tại và sau này ra sao.

Không chỉ có vậy, người dân tại đây còn cho rằng, tại sao các trại lợn này lại không bị nhắc nhở, xử lý mà vẫn ngang nhiên hoạt động? Trong khi đó đây lại là đất của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân…!

Các giấy tờ, thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động của các trang trại, kế hoạch bảo vệ môi trường, kết quả quan trắc nguồn nước, nguồn không khí...có được các chủ trang trại này thực hiện và Kết quả của hoạt động giám sát của UBND huyện Thạch Thất và các phòng ban chuyên môn của huyện này cũng như TP. Hà Nội có được thực hiện đúng theo các quy định pháp luật hiện hành?

Về nội dung này Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong bài sau!

Khoảng cách an toàn tối thiểu trong chăn nuôi trang trại

Ngày 30/11/2019, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT về việc hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi.

Theo đó, khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại được quy định như sau:

- Đối với trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ:

+ Khoảng cách tối thiểu từ trang trại đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư là 100 mét;

+ Khoảng cách tối thiểu từ trang trại đến trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho khu dân cư là 150 mét.

- Đối với trang trại chăn nuôi quy mô vừa:

+ Khoảng cách tối thiểu từ trang trại đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư là 200 mét;

+ Khoảng cách tối thiểu từ trang trại đến trường học, bệnh viện, chợ là 300 mét.

- Đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn:

+ Khoảng cách tối thiểu từ trang trại đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư là 400 mét;

+ Khoảng cách tối thiểu từ trang trại đến trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho khu dân cư là 500 mét.

- Đối với 02 trang trại chăn nuôi của 02 chủ thể khác nhau khoảng cách tối thiểu là 50 mét.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Dân sống khốn khổ vì gần mười trại lợn “bức tử” môi trường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới