Thứ bảy, 20/04/2024 23:41 (GMT+7)

Hà Nội mịt mù vì ô nhiễm

MTĐT -  Thứ ba, 19/11/2019 15:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo kết quả quan trắc ngày 12/10 của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường), mức độ ô nhiễm không khí AQI tăng cao đột biến, vượt ngưỡng 300 (giới hạn nguy hại cho con người).

Chất lượng không khí ở Hà Nội những ngày qua lại suy giảm tới mức nguy hại. Theo kết quả quan trắc ngày 12/10 của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường), mức độ ô nhiễm không khí AQI tăng cao đột biến, vượt ngưỡng 300 (giới hạn nguy hại cho con người).

Như vậy, liên tiếp trong ba tháng 9, 10 và 11, Hà Nội cũng như nhiều khu vực khác trên cả nước đều xảy ra tình trạng chất lượng không khí ở mức kém, xấu, thậm chí ở mức nguy hại. Ô nhiễm không khí tăng cao đã trở thành vấn đề báo động khi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, đòi hỏi phải có những biện pháp ứng phó cụ thể và đồng bộ.

Nhiều thời điểm trong ngày, Hà Nội chìm trong khói bụi mờ mịt.

Ô nhiễm không khí do nhiều nguyên nhân

Những ngày này, người dân tham gia giao thông trên đường phố Hà Nội cảm nhận rất rõ không khí đang ô nhiễm. Ở nhiều thời điểm trong ngày, thành phố bị bao phủ bởi một bầu không khí ngột ngạt, mù mịt. Tình trạng người dân cảm thấy mệt mỏi, khó thở, quần áo, đầu tóc phủ bụi, có mùi xăng dầu khi đi trên đường đã trở nên phổ biến.

Đồng loạt các trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Tổng cục Môi trường cũng như của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội trong khoảng một tuần trở lại đây đều đưa ra chỉ số phản ánh rõ tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Nồng độ trung bình 24 giờ của thông số bụi mịn PM2.5 từ ngày 5 đến ngày 12 tháng 11 vượt hơn 2 lần so với quy chuẩn, giá trị AQI luôn ở mức trên 200 - mức xấu. Đặc biệt, lúc 5 giờ ngày 12-11, chỉ số chất lượng không khí AQI tại trạm quan trắc 556 đường Nguyễn Văn Cừ là 364 - chỉ số cao nhất ghi nhận trên địa bàn Hà Nội.

Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện tượng ô nhiễm không khí ở Hà Nội tăng vọt trong mấy ngày gần đây là do trong khoảng thời gian từ ngày 4 đến ngày 12 tháng 11, thời tiết tại khu vực miền Bắc không có mưa, độ ẩm không khí thấp, ban ngày trời nắng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao.

Khoảng thời gian ghi nhận nồng độ PM2.5 tăng cao là vào lúc nửa đêm và đầu giờ sáng - là các khoảng thời gian lặng gió và dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Vì vậy, các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có PM2.5 tích tụ trong không khí ở tầng sát mặt đất, không thể phát tán lên cao và đi xa.

Tuy nhiên, không khí ô nhiễm ở mức báo động không chỉ nằm ở nguyên nhân khách quan do thời tiết mà phần lớn thuộc về những hoạt động của con người. Trao đổi với phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Giám đốc Trung tâm Môi trường đô thị và Công nghiệp, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí là do hoạt động giao thông.

Theo thống kê, Hà Nội hiện đang có đến 6,6 triệu phương tiện, trong đó có 5,7 triệu xe máy hằng ngày thải khói ra môi trường. Nhiều chủ phương tiện chưa thực hiện đúng chế độ bảo hành, bảo dưỡng xe định kỳ làm tăng lượng khí độc thải ra môi trường.

Diễn biến giá trị AQI giờ các ngày từ 8 đến 12 tháng 11. Nguồn: Tổng cục Môi trường.

Cũng theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, quá trình đô thị hóa với nhiều công trình xây dựng cầu đường, nhà cửa, đường sắt trên cao trong thời gian dài cũng khiến không khí càng ô nhiễm. Từ nhiều tháng nay, người dân đi trên đường Sa Đôi, đường Trường Chinh, đường Tam Trinh ở Hà Nội phải di chuyển trong tình trạng “đi không nhìn rõ đường” do bụi mờ mịt. Nhiều công trình xây dựng không tuân thủ quy định che chắn, nhiều tuyến đường liên tục bị đào lên nhưng khi lấp xuống hết sức sơ sài cũng khiến bụi phát sinh. Một số nhà máy, xí nghiệp thải nhiều chất độc hại vẫn còn nằm ở trung tâm Hà Nội cũng thêm khiến cho không khí Hà Nội diễn biến xấu.

Không chỉ thế, hoạt động đốt rơm rạ vào vụ mùa, thói quen đốt than tổ ong đều thải ra bụi mịn. Hà Nội hiện vẫn có khoảng 55.000 bếp than tổ ong, mỗi ngày đốt tới 528 tấn than, phát thải ra môi trường 1.870 tấn khí CO2 cùng một lượng lớn bụi mịn. Những hạt bụi này lại bay rất xa, do đó phạm vi ảnh hưởng là không nhỏ.

Ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân

Hai con nhỏ của chị Nguyễn Vân Anh (quận Cầu Giấy) đều phải vào điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 13-11 khi bị ho nhiều, khó thở, phổi có ran rít. Chị rất hoang mang và lo lắng khi các con liên tục mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp trong vài tháng trở lại đây.

Cho con vào viện, chị Vân Anh mới thấy tình trạng trẻ viêm đường hô hấp là phổ biến, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân. Chị được giải thích là vào những thời điểm chất lượng không khí xấu, chỉ số ô nhiễm cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên tim mạch, hô hấp cũng tăng cao.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng đã chỉ ra những tác hại của bụi mịn đối với sức khỏe con người: “Bụi PM2.5 rất độc hại, có thể len lỏi vào sâu trong phế quản của con người, càng vào sâu mức độ ảnh hưởng càng lớn, gây tắc nghẽn đường hô hấp, dẫn đến các bệnh dị ứng, hô hấp, tim mạch, thần kinh. Bụi PM2.5 thậm chí có thể đi vào trong máu, là nguyên nhân gây ra các bệnh lý về da, mắt và là tác nhân gây ung thư”.

Hiện tại đang là mùa đông, thời tiết hanh khô, độ ẩm trong không khí thấp nên dự báo chất lượng không khí Thủ đô ở mức kém. Người dân cần cập nhật về tình hình ô nhiễm không khí để có những ứng phó phù hợp bảo vệ sức khỏe. Những người thuộc nhóm nhạy cảm như trẻ nhỏ, người già, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ở ngoài trời, nhất là vào chiều tối và sáng sớm, khi trời nhiều mây, có sương mù giăng phủ. Nếu có nhu cầu ra ngoài thì cần trang bị khẩu trang và kính che mắt.

Tích hợp các giải pháp

Ứng phó với tình trạng ô nhiễm không khí, nếu chỉ là những giải pháp cấp bách mang tính tạm thời như đeo khẩu trang, tránh ra đường, mua máy lọc không khí đặt trong nhà thì việc ô nhiễm không hề giảm. Cần có những giải pháp đồng bộ mang tính trước mắt và lâu dài để chủ động giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Việc quản lý bụi xây dựng từ các công trình xây dựng, trong quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng trên đường phải thực hiện nghiêm. Thắt chặt quy định về công trình đang thi công, các xe khi vận chuyển phế thải phải che chắn đúng quy định để không xả thải ra môi trường, đồng thời thực hiện các biện pháp phun nước giảm bụi.

Cải tạo đường sá, gia công, gia cố vệ sinh mặt đường sạch sẽ, thực hiện đúng quy định về xả khí thải của các xe cộ lưu thông trên địa bàn thành phố, số lượng bụi thải ra phải nằm dưới giới hạn cho phép. Thay đổi hình thức thu gom rác thải từ thủ công sang sử dụng phương tiện cơ giới hóa để hạn chế ô nhiễm. Đầu tư phát triển giao thông công cộng để giảm bớt các loại xe cá nhân là một giải pháp mang tính lâu dài. Từ ngày 1-9-2019, Hà Nội thực hiện chính sách cấp thẻ xe bus miễn phí cho người trên 60 tuổi, nhằm khuyến khích người dân tham gia giao thông công cộng.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí là do hoạt động giao thông.

Một trong những giải pháp quan trọng là cần tuyên truyền cho người dân thấy rõ về tác hại của việc xả thải ra môi trường, hình thành ý thức cho người dân không xả rác bừa bãi, không đốt vật liệu phế thải, bảo hành bảo dưỡng xe định kỳ để hạn chế thải khí độc ra môi trường.

Theo ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, sắp tới Hà Nội sẽ ban hành chỉ thị yêu cầu các địa phương nghiêm cấm người dân đốt rơm rạ, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ tận dụng rơm rạ để làm sản phẩm mới. Thành phố cũng đã có kế hoạch đến ngày 31-12-2020 sẽ vận động người dân không đốt than tổ ong trên địa bàn.

Để có đủ cơ sở đưa ra những đánh giá, nhận định chính xác, từ đó cảnh báo sớm và có phát ngôn chính thức về ô nhiễm không khí môi trường cho người dân, việc đầu tư để hoàn thiện hệ thống quan trắc cũng cần được quan tâm. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Phạm Văn Sơn - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho rằng, cơ quan chức năng phải điều chỉnh lại các tiêu chí đánh giá chất lượng khí thải của các cơ sở sản xuất thải ra môi trường và giám sát chặt chẽ hơn. Bởi hiện nay chưa có tiêu chí đánh giá tổng lượng khí mà tất cả nhà máy, các khu công nghiệp thải ra môi trường có vượt ngưỡng hay không.

Việc xây dựng các công trình giao thông kéo dài cũng khiến mức độ ô nhiễm không khí gia tăng.

Do đó nếu chỉ dựa vào chỉ số quan trắc cục bộ tại một số khu vực, phản ánh các nhà máy đơn lẻ thải ra bao nhiêu mét khối khí để đánh giá vượt ngưỡng hay không thì chưa chính xác. Cũng theo ông Sơn, cần phải có chiến lược rõ ràng trong công tác ứng phó, phòng chống ô nhiễm không khí, bởi thực tế việc quản lý giữa các bộ ngành còn chồng chéo, bất cập, dẫn đến việc ứng phó còn lúng túng.

Thiết nghĩ, giải quyết ô nhiễm không khí là công việc có tính lâu dài, không thể thực hiện ngay và cho kết quả trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, trước thực trạng ô nhiễm báo động, thì việc thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi một cách từ từ như hiện nay chưa đủ để giải quyết được vấn đề ô nhiễm mà cần sự vào cuộc quyết liệt hơn. Phải tích hợp nhiều giải pháp khác nhau, mỗi giải pháp sẽ giảm thiểu ô nhiễm ở một nguồn ô nhiễm nào đó. Nếu chưa bắt tay vào thực hiện nghiêm túc thì người dân sẽ vẫn tiếp tục phải sống chung với không khí ô nhiễm lâu dài.

Bụi mịn PM2.5 là các hạt bụi li ti có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet (nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người), được hình thành từ các chất như carbon, nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí, rất độc hại đối với sức khỏe con người.

Chỉ số PM2.5 là mật độ hạt PM2.5 có trong một mét khối không khí. Chỉ số này càng cao thì mức độ ô nhiễm không khí càng nghiêm trọng. Chỉ số PM2.5 hằng giờ được chuyển đổi thành chỉ số chất lượng không khí (AQI).

“Để tránh tâm lý hoang mang trước nhiều thông tin đưa ra chỉ số ô nhiễm của Hà Nội cao nhất nhì thế giới, người dân cần hiểu rằng chỉ số ô nhiễm không khí nói chung phải được đánh giá trong một khoảng thời gian liên tục tại nhiều vị trí quan trắc khác nhau và là chỉ số trung bình. Vì vậy, chỉ số đơn lẻ tại một trạm quan trắc nào đó, ở một thời điểm cụ thể không mang tính đánh giá tổng thể” - GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Giám đốc Trung tâm Môi trường đô thị và công nghiệp, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam.

Theo CAND

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội mịt mù vì ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất