Thứ sáu, 29/03/2024 03:48 (GMT+7)

Hà Nội: Ô nhiễm không khí nguy hại, người dân nên hạn chế ra ngoài

MTĐT -  Thứ tư, 11/12/2019 14:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong sáng hôm qua và hôm nay, Hà Nội đứng thứ 3 trong danh sách các thành phố có chất lượng không khí tệ nhất. Chuyên gia khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài.

Theo Sở TN&MT Hà Nội, từ 23h00 ngày hôm qua (10/12) đến 8h00 sáng hôm nay (11/12), gần như tại tất cả các điểm quan trắc trên toàn Thành phố đều ghi nhận chất lượng không khí (CLKK) ở mức cảnh báo thứ 5 (trong 6 mức) ngưỡng rất xấu.

Cụ thể, tại Tây Hồ, chỉ số AQI giờ lúc 5h00 sáng nay lên ngưỡng 380, Láng Hạ (đại sứ quán Mỹ) ngưỡng 269…, ngưỡng tím. Ở ngưỡng này, tất cả mọi người trong TP. Hà Nội đều bị nguy hại đến sức khỏe.

Sáng nay, hơn 60 điểm quan trắc của PAMAir đều ghi nhận hầu hết ở ngưỡng tím và số ít ở ngưỡng đỏ, một điểm đo ở Đức Thắng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), lên ngưỡng nguy hại với chỉ số AQI tức thời lúc 7h lên tới 302.

Không chỉ tại Hà Nội, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên… đều ngưỡng tím, ngưỡng không khí nguy hại, cảnh báo nhóm người nhạy cảm: người già, trẻ em, người có tiền sử mắc các bệnh hô hấp mãn tính không nên ra ngoài.

Còn theo số liệu lúc 10h ngày 11/12 trên trang AirVisual, Hà Nội đứng thứ 3 trong danh sách các thành phố có chất lượng không khí tệ nhất. Màu tím cũng là màu đại diện cho chất lượng không khí chung của thành phố với chỉ số 229.

Chỉ số chất lượng không khí AQI thời điểm 8h30 ngày 11/12 tại Hà Nội.

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho chất lượng không khí của Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc bị ô nhiễm. Trong đó 2 lý do chính đó là nguồn thải và thời tiết.

Về nguồn thải gây ô nhiễm, chính khói bụi, khí thải từ các công trường xây dựng, phương tiện ô tô, xe máy và thói quen sinh hoạt, buôn bán, đốt than, rơm rạ của người dân là nguyên nhân tác động tới tình trạng ô nhiễm không khí.

Về nguyên nhân do thời tiết, các chuyên gia nhận định, miền Bắc những ngày qua bước vào những ngày hanh, khô, ít gió nên lượng khí thải từ các nguồn thải thường xuyên bay lên bị “mắc kẹt” không thể phát tán hay bay hơi được, tạo ra hiện tượng nghịch nhiệt.

Cùng với đó là thói quen đốt rơm rạ theo mùa của người dân gây hiện tượng sương mù quang hóa. Đây là dạng ô nhiễm đặc biệt do sự tương tác giữa các bức xạ cực tím của mặt trời và khí thải ô tô, xe máy, khói bụi… Điều này trực tiếp làm tăng nguy cơ hiệu ứng nhà kính, khiến Trái đất nóng lên, gây biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí.

Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố, chất lượng không khí thủ đô vẫn sẽ xấu trong thời gian tới, nhất là trong giai đoạn cuối năm và sẽ khá dần khi sang xuân, độ ẩm tăng và có mưa nhiều hơn.

Theo dự báo của trang quan trắc chất lượng không khí Đại sứ quán Mỹ, chất lượng không khí tại Hà Nội trong những ngày tới vẫn duy trì ở mức kém, xấu và có thể tiếp tục trầm trọng. Trong đó, ngày 13/12, chất lượng không khí trung bình có thể lên mức rất xấu (dao động 158-248 đơn vị).

Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, trong trường bắt buộc, phải đeo khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn. Đặc biệt, học sinh không tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời. Trong thời gian này, mọi người cần hạn chế, dừng các hoạt động đun nấu bếp than tổ ong, đốt rơm rạ, đốt rác...

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Ô nhiễm không khí nguy hại, người dân nên hạn chế ra ngoài. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.