Thứ tư, 24/04/2024 19:56 (GMT+7)

Hà Nội và cuộc khủng hoảng rác thải nhựa

MTĐT -  Thứ năm, 14/11/2019 14:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000- 5.000 tấn rác, trong đó trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông. Lượng rác thải nhựa tăng lên nhanh chóng trong những năm

Tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức diễn ra mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, mỗi ngày hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh trên toàn địa bàn TP Hà Nội thải ra từ 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông. Phần lớn rác thải nhựa sau khi thải ra sẽ đến những bãi chôn lấp và thậm chí còn thải ra sông, biển.

Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, công tác thống kê số lượng cơ sở sản xuất chất thải nhựa một lần đang được tiến hành. Đơn vị cũng đã phối hợp với một số nhà hàng tìm sản phẩm phục vụ kinh doanh thay thế nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, chế tài hiện vẫn chưa có.

Giải pháp trước mắt mà thành phố đưa ra là tập trung tuyên truyền để giảm thiểu chất thải nhựa trong các ngành dịch vụ, kinh doanh thương mại và các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Mục tiêu của thành phố là đến năm 2020, 100% đơn vị không sử dụng túi nylon có phân hủy và nhựa một lần.

Trong thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện một số giải pháp hạn chế sử dụng rác thải nhựa như tuyên truyền phổ biến cho người tiêu dùng; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, sử dụng túi tự hủy sinh học, các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường. Đồng thời, khuyến khích các siêu thị, cửa hàng chuyển sang sử dụng các sản phẩm bọc hàng hóa tự hủy…

Lượng rác thải Hà Nội tăng nhanh qua các năm. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, cho đến nay hiệu quả đạt được chưa cao do sự chênh lệch giá thành giữa các sản phẩm này còn lớn.

Bên cạnh đó còn do thói quen sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa một lần của người dân còn phổ biến; nhận thức về tác hại của rác thải nhựa của người dân còn hạn chế…

Ngoài ra, ở Việt Nam, vì quy trình phân loại và tái chế rác chưa được hoàn thiện và thực hiện chuẩn chỉnh nên xảy ra tình trạng người dân tái chế thủ công. Ví dụ như tại bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) mỗi ngày có khoảng 600 người đi nhặt rác thải nhựa và bán lại cho các làng nghề tái chế.

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, đây là nguyên nhân gây ra ô nhiễm thứ cấp khi các công nghệ tái chế ở các làng nghề chủ yếu là thủ công. Để khắc phục tình trạng này thì vấn đề nâng cấp công nghệ xử lý rác thải nhựa là vô cùng cấp thiết.

Tại hội thảo “Giảm rác thiểu rác thải nhựa – Hành động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân” diễn ra mới đây, bà Elsbeth Akkerman - Đại sứ Vương quốc Hà Lan chia sẻ, tuy là một vấn đề đáng lo ngại khi hiện tại trong số lượng rác thải nhựa chỉ có 14% được tái chế, 40% được xử lý thu gom, 40% còn lại được chôn lấp và đổ ra môi trường nhưng nhìn theo khía cạnh tích cực, đây cũng là một tiềm năng lớn cho ngành công nghiệp tái chế rác thải phát triển.

Nhưng làm thế nào để ngành công nghiệp tái chế rác thải phát triển thì đó là một câu hỏi lớn. Được biết, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đặc biệt ô nhiễm do rác thải nhựa, Hà Nội đã nỗ lực hành động bằng việc tích cực tham gia đối thoại, chia sẻ thông tin, xây dựng mạng lưới hợp tác, cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn hiểm họa của ô nhiễm rác thải nhựa. Nhiều hội thảo huy động sáng kiến quốc tế và địa phương nhằm kêu gọi các bên liên quan đồng hành cùng thành phố trong cuộc chiến chống rác thải nhựa.

Không những vậy, các doanh nghiệp, với cam kết trách nhiệm xã hội đã bắt đầu thực hành quản lý và hạn chế rác thải nhựa.

Đơn cử như Khách sạn Fortuna mỗi năm đã giảm được 238.860 chai nhựa, 73.000 ống hút nhựa, 36.648kg túi nhựa…; Tập đoàn Unilever đang nỗ lực cắt giảm lượng bao bì nhựa sử dụng xuống hơn 100.000 tấn và tăng cường sử dụng nhựa tái chế, thu hồi và xử lý bao bì nhựa nhiều hơn số lượng công ty bán ra…

Nhiều doanh nghiệp cũng cung cấp sản phẩm thay thế để hạn chế rác thải trong tiêu dùng và thực phẩm sạch không chất độc hại như Xanh Shop, Sạp hàng chàng Sen, Trạm Refill Station... Các phong trào hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần cũng đang được người dân hưởng ứng rộng rãi.

Đặc biệt là trong giới trẻ, không chỉ dừng lại ở việc hạn chế dùng đồ nhựa sử dụng một lần, các dự án xử lý rác thải nhựa cũng được tổ chức, phát động và lan tỏa mạnh mẽ như dự án làm gạch sinh thái ecobrick từ túi nilon, dự án nhặt rác, thu gom vỏ hộp sữa...

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội và cuộc khủng hoảng rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.