Thứ năm, 28/03/2024 21:28 (GMT+7)

Hà Nội: Yếu tố thời tiết ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng không khí

MTĐT -  Thứ sáu, 05/02/2021 09:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khi tốc độ gió, hướng gió tăng đến một mức nào đó, nồng độ ô nhiễm sẽ giảm. Có thể khẳng định yếu tố thời tiết ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng không khí.

Ngày 4/2, chất lượng không khí Hà Nội  đã có  những chuyển biến tích cực khi phần lớn khu vực nằm ở ngưỡng màu vàng với chỉ số AQI từ 54-100, một số điểm còn chuyển màu xanh.

Phải chăng, chất lượng không khí cải thiện là do phương tiện lưu thông giảm, dẫn đến nguồn thải từ xe máy, ôtô giảm? Trả lời  câu hỏi này, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch ở Việt Nam cho rằng, đó chỉ là một phần nhỏ.

Theo Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP Hà Nội, chất lượng không khí ngày 4/2 đã cải thiện hơn khi phần lớn các điểm trên địa bàn Thủ đô đều nằm ở ngưỡng màu vàng (trung bình) với chỉ số AQI là xấp xỉ 100. Trong số 35 điểm đặt máy đo AQI, 6 điểm cho kết quả nằm ở biên độ cam (kém), 25 điểm màu vàng và đặc biệt, 4 điểm nằm ở ngưỡng màu xanh (tốt).

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội luôn mức xấu và rất xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe (Ảnh: Quang Vinh).

Thực tế thời gian gần đây chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội luôn mức xấu và rất xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhất là với người già và trẻ nhỏ. Gần nhất, ngày 1/2, chỉ số AQI dao động từ 133-165, nơi cao nhất là khu vực Phạm Văn Đồng, Minh Khai (165), Hàng Đậu (162), Thành Công (160…).  Đặc biệt, sương mù xuất hiện dày đặc làm cho sự lưu thông khí quyển bị hạn chế, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải càng làm không khí ngột ngạt.

Theo các chuyên gia môi trường, thời tiết Bắc Bộ vẫn có lớp sương mù bao phủ khiến bụi lơ lửng bị nén xuống tầng sát mặt đất, không phát tán được lên cao khiến không khí ô nhiễm.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân tăng cường sức khỏe, hạn chế các hoạt động ngoài trời, gần đường giao thông, đóng cửa sổ và sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường, hạn chế đốt vàng mã. Trong điều kiện thời tiết xấu, người dân cần vệ sinh đường hô hấp bằng nước muối sinh lý, thực hiện theo khuyến cáo 5K (khẩu trang-khử khuẩn-khoảng cách-không tập trung-khai báo y tế) của Bộ Y tế.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi trong giai đoạn giao mùa.

Trao đổi với PV Đại Đoàn kết về sự chuyển biến tích cực trong ngày 4/2, ông Hoàng Dương Tùng cho biết, chủ yếu là do ảnh hưởng của thời tiết. Khi tốc độ gió, hướng gió tăng đến một mức nào đó, nồng độ ô nhiễm sẽ giảm. Có thể khẳng định yếu tố thời tiết ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng không khí. Khi gió lặng, nghịch nhiệt, bụi và sương mùi không khuếch tán, không bay lên cao, lưu cữu luẩn quẩn ở tầng thấp sẽ gây ô nhiễm. Nếu tốc độ gió tăng, nồng độ  ô nhiễm sẽ giảm.

Nói về giải pháp để cải thiện chất lượng không khí cho Thủ đô, ông Tùng cho rằng chỉ có thể giảm dần nhưng các giải pháp thì phải thực hiện ngay. Đặc biệt, phải kiểm soát chặt chẽ khí thải xe máy như đã làm với ôtô, ở ngưỡng đạt thì mới cho phép lưu hành, không đạt thì thải bỏ. Các thành phố trên thế giới đã làm rất lâu rồi, nếu chúng ta càng để lâu, càng lúng túng vì phương tiện càng tăng. Cùng với đó phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ chất thải các làng nghề, nhất là làng nghề tái chế. Khói bụi từ các công trình xây dựng cũng phải được kiểm soát. “Theo tôi, cần buộc các cơ sở này lắp camera, truyền số liệu về cơ quan quản lý như đang làm với giao thông”- ông Tùng nhấn mạnh và cho rằng, người dân Hà Nội sẽ ủng hộ các giải pháp này.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Yếu tố thời tiết ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.