Thứ sáu, 29/03/2024 12:13 (GMT+7)

Hai cơ sở chế biến lâm sản đầu độc nguồn nước sông Đằng

MTĐT -  Thứ tư, 03/06/2015 16:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù chưa hoàn chỉnh hệ thống XLNT theo quy định, nhưng hai cơ sở chế biến lâm sản xã Tân Thành (Thường Xuân, Thanh Hóa) vẫn ngang nhiên hoạt động và xả nước thải khiến nguồn nước bị ô nhiễm.

Chị Cầm Thị Lý, thôn Thành Lãm, nhà gần với xưởng chế biến của Tổ hợp Sơn Lâm bức xúc nói: “Chúng tôi sống gần cơ sở chế biến lâm sản này khổ lắm, họ hoạt động suốt ngày đêm gây ra tiếng ồn cộng với mùi hôi thối từ nước tẩy của sút ngâm luồng, bay nồng nặc vào nhà khiến chúng tôi không tài nào ngủ được dẫn đến sức khỏe của mọi người sa sút nghiêm trọng. Hơn nữa nguồn nước sinh hoạt cũng bị ô nhiễm, người dân chúng tôi chủ yếu là dùng nước giếng khoan và giếng khơi, nhưng từ khi cơ sở chế biến lâm sản về đây hoạt động thì nguồn nước múc lên có mùi hôi tanh khó chịu không thể dùng được”.

Nhiều hộ dân sống ở khu vực gần hai cơ sở chế biến lâm sản cho biết: “Hàng ngày chúng tôi phải hít một lượng chất thải độc hại từ khâu ngâm ủ qua lưu huỳnh của họ gây ra. Hơn nữa cơ sở sản xuất còn ngang nhiên xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra sông Than rồi chảy hòa lẫn vào sông Đằng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nguồn nước ở dưới sông hiện nay rất ô nhiễm bà con không dám sử dụng, bởi vậy mà mùa khô nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt rất khan hiếm. Cũng nhiều lần chúng tôi gửi đơn thư kiến nghị lên cấp trên và thực tế đã có nhiều đoàn về kiểm tra xử lý. Nhưng chẳng hiểu sao chỉ vài ba hôm sau hai cơ sở này vẫn hoạt động và tiếp tục xả thải trực tiếp ra sông Than?!”.

Theo quan sát của PV, trên địa bàn xã Tân Thành hiện có hai cơ chế biến lâm sản là: Tổ hợp Sơn Lâm đi vào hoạt động từ năm 2008. Có 5 bể ngâm bột giấy, trong khi đó cơ sở chỉ ngâm ủ 1 bể và một ao không có đáy được đào đắp bằng đất lở loét nước thải chảy xuống sông Than, đây là hồ chứa nước thải cuối cùng để xả ra môi trường, nguồn nước đặc quánh có màu đen kịt, sủi bọt và bốc mùi hôi thối. Tại Hợp tác xã Thành Phát, có 7 bể ngâm ủ và 1 bể lắng đọng, nguyên liệu sản xuất 500 tấn/tháng. Tại bể xử lý nước thải có màu vàng, sủi bọt bốc mùi hôi thối. Đặc biệt, tại hai cơ sở sản xuất này, công nhân không hề có thiết bị bảo hộ lao động, lại cầm vòi trực tiếp và dẫm vào bể ngâm bột giấy tưới nước sút đặc quánh, sủi bọt. Không những thế, tại xưởng sản xuất thì nguyên vật liệu, mùn cưa, rác luồng, rác thải sinh hoạt, vỏ bao chứa lưu huỳnh vứt bừa bãi tại xưởng và xuống sông Than. Quả thật, khúc sông này đang phải chứa đựng đủ thứ từ nước thải, rác thải và trở nên như là một khúc sông chết.

Ao chứa nước thải của Tổ hợp Sơn Lâm không có đáy được đào đắp bằng đất lở loét có màu đen kịt chảy xuống sông Than và ra sông Đằng

Ông Lê Viết Chương, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thành Phát cho biết: “HTX được xây dựng xưởng chế biến từ năm 2009, để sản xuất tăm, đũa, thanh sơn và bột giấy. Việc ô nhiễm như bà con phản ánh là có nhưng cũng ở mức độ bình thường, bởi sản xuất chế biến lâm sản thì làm sao tránh khỏi được mùi hôi, còn nước thải xả trực tiếp xuống sông là không có?. Có rò rỉ một ít nước màu vàng là do bể bị nứt, chúng tôi đang gia cố lại bể. HTX có diện tích gần 4.000m2 là đất ở và đất vườn, chúng tôi đang tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất kinh doanh nhưng chưa làm xong?”.

Theo tìm hiểu được biết, diện tích đất của 2 cơ sở chế biến lâm sản trên là đất ở và đất trồng cây hàng năm nhưng vẫn xây dựng nhà xưởng và sản xuất kinh doanh trong suốt thời gian dài...

HTX Thành Phát nguyên vật liệu, mùn cưa, rác luồng, rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi.

Theo Quyết định số 09, ngày 28/3/2014 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa  về việc đình chỉ hoạt động đối với 2 cơ sở Tổ hợp Sơn Lâm và Hợp tác xã Thành Phát với lý do “chưa xây dựng các công trình xử lý nước thải, xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra sông Đằng, gây ô nhiễm nguồn nước”. Yêu cầu 2 cơ sở trên hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải mới được hoạt động trở lại. Nhưng đến nay cả 2 cơ sở không những không khắc phục được mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn.

Điều đáng nói là nguồn nước sông Đằng chảy ra đập Bái Thượng, hòa vào dòng nước sông Chu, chảy về phía hạ lưu, cung cấp nước sản xuất, nước thô cho các nhà máy nước ở TP. Thanh Hóa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: “Ô nhiễm từ hai cơ sở chế biến lâm sản như bà con phản ánh là có thật, cách đây 2 ngày họ lợi dụng vào ban đêm và trời mưa xả nước thải trực tiếp xuống sông làm cho cá, tôm chết nhiều, bà con đã kiến nghị lên xã, họ dùng ống phi 120 xả rất nhanh, chỉ 30 phút sau là đã xả hết. Năm ngoái Sở TN&MT về kiểm tra và đình chỉ nhưng chỉ sau 3 tháng họ lại hoạt động trở lại và ô nhiễm vẫn là ô nhiễm. Về nguồn gốc đất của 2 cơ sở là đất ở và đất nông nghiệp, chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu cơ sở chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng họ vẫn không làm?. Mong muốn của bà con ở đây là di dời 2 cơ sở chế biến lâm sản này đi nơi khác, trả lại môi trường trong sạch để nhân dân khỏi hoang mang lo sợ, ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất".

Theo Thu Thủy – Anh Tú

Báo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Hai cơ sở chế biến lâm sản đầu độc nguồn nước sông Đằng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới