Thứ năm, 28/03/2024 23:22 (GMT+7)

Hôm nay (1/10), Hà Nội ghi nhận ô nhiễm không khí kỷ lục

MTĐT -  Thứ ba, 01/10/2019 12:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo số liệu quan trắc của Air Visual, trong sáng nay (1/10), chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã lên đến mức kỷ lục, với khu vực Hồ Tây lên tới mức 333 AQI.

So với hai đợt ô nhiễm không khí gần đây nhất (25-26/8 và 14/9-18/9), lần ô nhiễm không khí hiện tại kéo dài hơn, nghiêm trọng hơn, đặc biệt trong 3 ngày qua.

Ngay trong sáng 1/10, chất lượng ô nhiễm không khí ở Hà Nội xuống thấp nhất trong một tháng qua. Chỉ số AQI trung bình của Hà Nội theo ứng dụng Air Visual là 212, có hại cho sức khoẻ. Số liệu của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cũng xấp xỉ 200.

Hồ Tây là một trong những địa điểm ô nhiễm nhất của Hà Nội. Điểm đo đường Tây Hồ và đường Tô Ngọc Vân (Quận Tây Hồ) sáng ngày 1/10 lần lượt là 333 và 303 AQI.

Chỉ số ô nhiễm ở khu vực Hồ Tây lên cao kỷ lục. Ảnh: Zing.

Ngoài ra, các khu vực được xem là ô nhiễm vượt ngưỡng báo động tại Hà Nội bao gồm khu vực Hàng Mã - Cửa Đông (202), Tràng Tiền (215), ngã tư Xã Đàn - Giải Phóng (215), Tân Xuân (210). Đáng chú ý, một số khu vực có chất lượng không khí rất thấp, bao gồm gần Học viện tài chính (224), khu vực gần đường Võ Chí Công (221), hay khu vực Minh Khai, gần Times City (269).

Ứng dụng AirVisual cũng thông báo chỉ số AQI tại Hà Nội lên tới 254 chỉ số bụi mịn PM2.5 là 215,4 µg/m3, cao gấp 8 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 20 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chỉ số của ngày hôm nay cũng cao hơn so với cùng thời điểm hôm qua.

Được biết, dữ liệu về chỉ số AQI được ứng dụng tính toán từ 2 nguồn: từ các thiết bị cảm biến chất lượng không khí do công ty D&L (công ty phát triển ứng dụng PAM Air) sản xuất, lắp đặt và vận hành và từ các nguồn dữ liệu khác mà PAM Air được phép thu thập và chia sẻ.

Trong các thành phần của không khí ô nhiễm thì các hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Thông thường các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn.

Còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet thì chúng ta sẽ không cảm nhận được rõ ràng, khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau.

Theo Tổng cục Môi trường, xu hướng biến động bụi PM2.5 tại các thành phố phía bắc Việt Nam, trong đó có Hà Nội phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu. Nhận định sơ bộ nguyên nhân PM2.5 tăng cao do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh khuếch tán xuống nước ta, tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.

Đặc biệt vào thời gian sáng sớm là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi PM 2,5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn.

Bên cạnh đó, hoạt động đốt rơm rạ khu vực ngoại thành góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.

Ngoài ra, theo dõi về lượng mưa trong tháng 9 các năm từ 2013-2019 cho thấy năm 2019 có lượng mưa thấp nhất, liên tiếp trong nhiều ngày từ 21-30/9, toàn bộ khu vực Hà Nội không mưa. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân làm bụi tăng đột biến trong không khí.

Tổng cục Môi trường kiến nghị trong khoảng thời gian này và những ngày tiếp theo, với đặc điểm thời tiết giao mùa, ban ngày nắng khá mạnh, hanh khô, ban đêm nhiệt độ không khí mặt đất khá thấp, nghịch nhiệt vẫn có thể tiếp diễn, nồng độ bụi PM2.5 có thể tiếp tục duy trì ở mức cao tại một số thời điểm trong ngày, đặc biệt là đêm và sáng sớm

Do đó người dân đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp hạn chế ra ngoài, hạn chế tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời. Nếu có nhu cầu ra ngoài thì nên đeo khẩu trang và kính mắt.

Bảo My(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hôm nay (1/10), Hà Nội ghi nhận ô nhiễm không khí kỷ lục. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.