Thứ ba, 16/04/2024 12:33 (GMT+7)

Hơn 100ha cây trồng ở Kon Tum 'khát nước', thủy điện đổ lỗi cho nhau

MTĐT -  Thứ tư, 25/03/2020 16:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mùa khô đến sớm, nắng nóng trong nhiều ngày, cộng với mưa ít, lượng nước thiếu hụt khiến cho hàng nghìn heta cây trồng ở các tỉnh Tây Nguyên bị “khát”.

Trong lúc người dân Kon Tum đang gồng mình chống hạn, những ngày qua, tại H. Kon Rẫy, hai công trình thủy điện Thượng Kon Tum (công suất 220MW) và Đăk Ne (8,1MW) lại cùng nhau tích nước.

Bất chấp sự lên tiếng của chính quyền các cấp, hai công trình trên không trả nước về tự nhiên như quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, khiến hàng trăm héc-ta hoa màu có nguy cơ chết khô.

Đoàn công tác tỉnh Kon Tum đi khảo sát. Ảnh: Người lao động.

Theo báo Người lao động, ngày 23/3, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cùng đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp làm thủy điện khảo sát tình hình thiếu nước của người dân huyện Kon Rẫy do thủy điện chặn dòng chảy của sông.

Từ cuối tháng 2, lượng nước đổ về dòng sông Đắk Snghé giảm hẳn khi thủy điện Thượng Kon Tum (Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh là chủ đầu tư) tích nước tạm để nghiệm thu hạng mục cụm đầu mối (đập dâng, đập tràn, cửa nhận nước) và thử nghiệm thiết bị.

Chưa hết, từ thủy điện Thượng Kon Tum về phía hạ lưu khoảng 31 km, thủy điện Đắk Ne (Công ty CP Đầu tư năng lượng Trường Thịnh làm chủ đầu tư) tiếp tục chặn dòng, chỉ trả nước về hạ du 2 lần/ngày, mỗi lần 1 giờ.

Bị đến 2 thủy điện chặn dòng, con sông Đắk Snghé cạn kiệt. Thiếu nước tưới, hàng trăm hecta cây trồng đang trong thời gian sinh trưởng, tạo quả của người dân huyện Kon Rẫy khô héo, chết dần.

Điều này khiến người dân và cây trồng thôn 3 (xã Tân Lập) và xã Đắk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) bị ảnh hưởng.

Khi đoàn công tác đến đập thủy lợi Đắk Snghé (thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy), rất nhiều người dân đã có mặt phản ánh bức xúc.

Nhiều diện tích cây trồng của người dân thiếu nước. Ảnh: Báo Nông nghiệp VN.

Gia đình bà Trần Thị Ngoan (58 tuổi, trú thôn 3, xã Tân Lập) có 2,5 ha cà phê đã canh tác được 10 năm. Mỗi năm, gia đình bà thu được 250 triệu đồng. Năm nay không biết cà phê có sống nổi không.

“Gần 1 tháng qua, gia đình tôi mất ăn mất ngủ để canh nước tưới. Tuy nhiên, nước chưa đủ thấm đất. Cà phê đang trong quá trình tạo quả nhưng không có nước tưới nên không thể bón phân. Thế này thì năm nay không có thu rồi. Tiền nợ ngân hàng tôi chẳng biết lấy đâu ra. Các thủy điện phải trả nước cho chúng tôi”, bà Ngoan nói.

Ông Nguyễn Văn Thủy – Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho rằng, sau khi thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng, tích nước thì có hơn 116 ha cây trồng bị ảnh hưởng.

Theo báo Giáo dục và thời đại, liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Thanh, Phó ban Quản lý dự án Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cho biết, chặn nước vào mùa khô là để ổn định và an toàn cho hồ đập. Việc cây trồng của người dân bị khô héo, chết đơn vị cũng có một phần trách nhiệm. Sau khi thống kê thiệt hại công ty sẽ thống nhất với thủy điện Đắk Ne để có hướng bồi thường thỏa đáng cho người dân.

“Trước mắt, thủy điện Đắk Ne phải bảo đảm nước cho bà con. Cụ thể thủy điện này không được xả nước ra môi trường 2 lần/ngày, mỗi lần 1 - 2 tiếng. Mà phải bảo đảm xả thường xuyên lưu lượng 1,29m3/s phục vụ nước tưới vùng hạ du. Như vậy, người dân sẽ không bị thiếu nước”, ông Thanh nói.

Còn ông Nguyễn Văn Quân, Thành viên hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư năng lượng Trường Thịnh (thủy điện Đăk Ne) cho biết, cây trồng của người dân không đủ nước tưới là do thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng, tích nước.

Trước đây lưu lượng nước chảy về Thủy điện Đăk Ne từ 10-12 m3/s nhưng hiện lưu lượng nước đổ về chưa tới 0,75m3/s. Nguồn nước này chủ yếu từ các con suối, khe ở trên núi chảy về.

Trước mắt chúng tôi sẽ tiến hành tích nước ban đêm và xả nước vào ban ngày để phục vụ bà con. Như vậy sẽ đủ nước tưới cho bà con từ 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều”, ông Quân cho biết.

Theo ông Quân, cây trồng của người dân chết do thiếu nước thì thủy điện Thượng Kon Tum phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Dù chưa đưa ra kết luận chính thức sau khi kiểm tra thực trạng nguồn nước sông Đăk Snghé, song ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã nhắc nhở phải đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân và doanh nghiệp. Trước tình hình hạn hán cần tập trung khắc phục và không phụ thuộc vào một nguồn nước. Nhà máy thủy điện Đăk Ne cũng đã thống nhất với phương án đêm tích nước ngày xả nước phát điện để người dân có nước bơm tưới chống hạn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hơn 100ha cây trồng ở Kon Tum 'khát nước', thủy điện đổ lỗi cho nhau. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Miền Đông Tây Ban Nha cháy rừng dữ dội
Ngày 15/4, giới chức Tây Ban Nha cho biết trong điều kiện nhiệt độ cao bất thường, một trận cháy rừng đã thiêu trụi 500 ha đất tại miền Đông nước này và buộc 180 người phải sơ tán.
Bài thơ: Tháng Tư...
Sao trời nỡ đem mưa về phố vắng//Để tháng Tư ướt đẫm những cung đường//Chân trần bước... đếm ngày trôi thầm lặng//Rẽ lối nào... sẽ gặp lại người thương?!