Thứ sáu, 29/03/2024 14:14 (GMT+7)

Khai thác tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường

MTĐT -  Thứ năm, 08/11/2018 09:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tỉnh Đồng Nai có nguồn tài nguyên đá xây dựng dồi dào, có thể đáp ứng nguồn vật liệu xây dựng cho các công trình hạ tầng lớn không chỉ của tỉnh mà còn cả khu vực Đông Nam bộ.

Và điều đáng mừng là thời gian gần đây, công tác bảo vệ môi trường nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm do hoạt động khai thác tài nguyên này gây ra ngày càng được quan tâm.

Nguồn tài nguyên tốt

Theo kết quả điều tra của Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam, tỉnh Đồng Nai có nguồn khoáng sản đá xây dựng trữ lượng lớn và phân bố trên diện rộng. Trong đó, chỉ riêng khu vực Tân Cang 8 (xã Phước Tân, TP Biên Hòa) có 10 mỏ đá đang khai thác trên diện tích 400ha, trữ lượng 160 triệu m3 với chất lượng được giới chuyên môn đánh giá là tốt nhất ở khu vực Đông Nam bộ, có cường độ nén cao trên 1.000kg/cm2, thích ứng cho mọi loại công trình và cấp liệu bê tông tươi, bê tông nhựa nóng. Hiện thị trường chính của các mỏ đá này là TPHCM, chiếm 50% sản lượng; trong tỉnh 40% và các tỉnh miền Tây Nam bộ 10%.

Để khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, từ năm 1998, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng quy hoạch khai thác khoáng sản và trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã cấp phép khai thác 6 mỏ (3 mỏ đá ốp lát, 2 mỏ Puzoland, 1 mỏ nước khoáng); UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép 41 mỏ, trong đó có 32 mỏ đá xây dựng với tổng diện tích 1.130ha, trữ lượng 391,5 triệu m3; công suất 21,5 triệu m3/năm. Các mỏ còn lại là 6 mỏ cát xây dựng, 2 mỏ sét gạch ngói, 1 mỏ vật liệu san lấp.

Các xe chở hàng tại mỏ đá Tân Cang 8 nỗ lực giữ vệ sinh môi trường trên đường di chuyển.

Tuy hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chỉ đóng góp nhỏ cho thu ngân sách địa phương nhưng đã đáp ứng được nhu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Nam nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng và giữ ổn định giá đá xây dựng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Đặc biệt, trong quy hoạch phát triển hạ tầng của khu vực có nhiều công trình giao thông lớn sẽ được triển khai xây dựng như sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt TPHCM - Lộc Ninh… thì đây sẽ là điều kiện thuận lợi để cung ứng nhanh nhất với giá cả hợp lý cho các công trình, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng Đông Nam bộ trong thời gian tới. 

Giảm thiểu ô nhiễm

Hiện nay, việc khai thác chế biến đá xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn đang áp dụng công nghệ truyền thống trong khai thác mỏ lộ thiên. Các doanh nghiệp đều sử dụng công nghệ khai thác hở, nhưng các khâu trong khai thác đang dần được hiện đại hóa, loại bỏ những khâu sử dụng nhiều sức người và áp dụng phương pháp nổ mìn tiên tiến để giảm thiểu tác động môi trường. 

Trong quá trình khai thác, các đơn vị đã nhận diện nguồn thải phát sinh và thực hiện các biện pháp quản lý, kiểm soát, xử lý các dòng thải theo nội dung đánh giá tác động môi trường đã được duyệt, như phun nước tạo ẩm đá nguyên liệu, phun sương làm ướt đá tại các đầu băng tải máy nghiền sàng, áp dụng phương pháp nổ vi sai điện và phi điện kết hợp thuốc nổ anfo, trồng cây xanh xung quanh mỏ, lắp đặt biển báo nguy hiểm, bảo dưỡng thiết bị, máy móc theo định kỳ, nước thải tại công trường được thu gom bằng bể tự hoại và tự thấm (một phần được tái sử dụng để tưới đường, phun sương máy nghiền sàng), đăng ký quản lý chủ nguồn thải chất thải nguy hại, bố trí khu vực lưu giữ tạm thời chất thải và hợp đồng chuyển giao chất thải cho các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý.

Một lãnh đạo mỏ đá Tân Cang 8 cho biết, đơn vị đang triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác đá gây ra như trồng cây xanh tạo hành lang xung quanh mỏ nhằm giảm thiểu tiếng ồn, ngăn phát tán bụi, khói; đầu tư thiết bị khai thác, xay sàng hiện đại có hệ thống hút bụi, khói để giảm tiếng ồn; xây dựng hệ thống thu gom nước và có bể lắng tạo nước sạch trước khi chảy ra môi trường.

Tuy vậy, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai thừa nhận, vẫn còn tình trạng gây ô nhiễm môi trường cục bộ tại một số mỏ do công tác vệ sinh xe vận chuyển từ mỏ đá ra các tuyến đường chưa tốt. Còn tình trạng xe vận chuyển quá tải, quá khổ, che chắn không kín làm rơi vãi đất đá, gây ô nhiễm bụi dọc các tuyến đường vận chuyển. Một số tuyến đường chưa đảm bảo điều kiện thoát nước đã ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng dân cư xung quanh.

Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai đã tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp bảo vệ môi trường, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh ô nhiễm ra khu vực xung quanh mỏ; kiểm soát, xử lý nguồn ô nhiễm bụi từ hoạt động vận chuyển trên các tuyến đường chung, hố thu nước và đường bê tông kết nối trong khu vực chế biến ra tuyến đường chung; lắp đặt hệ thống camera giám sát tại khu vực chế biến, vệ sinh phương tiện vận chuyển sản phẩm trước khi tham gia lưu thông và kết nối truyền dẫn dữ liệu về sở để giám sát; thực hiện kiểm soát tải trọng các phương tiện vận tải.

Đến nay, các cơ sở khai thác mỏ đá đã hoàn thành việc lắp đặt camera giám sát tại khu vực trạm cân đá thành phẩm. Đồng thời, nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trong hoạt động khai thác đá.

Theo SGGP

Bạn đang đọc bài viết Khai thác tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.