Thứ năm, 28/03/2024 21:07 (GMT+7)

Truy tìm thủ phạm khiến Sông Từ Hồ - Sài Thị thành “dòng sông chết”

Triệu Hồ -Văn Bình -  Thứ năm, 14/12/2017 08:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Môi trường sống ở Sông Từ Hồ - Sài Thị đoạn chảy qua xã Tân Dân, (Khoái Châu Hưng Yên) chỉ thuận lợi để cho ruồi muỗi và côn trùng nguy hại sinh sống, còn con người thì đang ra sức... “kêu cứu".

Truy tìm thủ phạm

Những ngày gần đây, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử liên tục nhận được thông tin phản ánh về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của dòng sông Từ  Hồ - Sài Thị, đoạn chảy qua xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Người dân ở đây gọi nó là... "dòng sông chết".

Ngay lập tức nhóm PV chúng tôi đã có mặt tại hiện trường để có được những thông tin chính xác về sự việc. Quan sát bằng mắt thường PV cũng có thể cảm nhận được sự ô nhiễm của dòng sông này.

Mặt nước bị phủ lên bằng một lớp váng mà người dân cho rằng đó là chất thải được thải ra từ các trang trại lợn xung quanh. Không dừng lại ở đó, môi trường sống ở đây là vô cùng thuận lợi cho ruồi muỗi và những kí sinh trùng gây hại khác sinh sôi và phát triển. Có mặt tại hiện trường ở thời điểm mà nhiệt độ toàn miền Bắc đang sụt giảm mạnh, trời lạnh cắt da thịt. Tuy nhiên, những côn trùng như ruồi muỗi vẫn phát triển và bủa vây môi trường một cách lạ thường.

Dòng sông nổi váng, sủi bọt, bùn cặn tích tụ dưới lòng sông ngăn cản dòng chảy.

Tiếp xúc với người dân xóm 10, Cầu Dương, xã Tân Dân phần lớn những người dân ở đây đều thể hiện sự bức xúc khi hàng ngày vẫn phải sống, phải hít thở bầu không khí nồng nặc mùi khó chịu.

Anh P.V.D chia sẻ: “Mặc dù trời mùa đông, nhưng các anh thấy đấy muỗi vẫn phát triển và sinh sôi lạ thường, mỗi khi gió thổi theo hướng bay vào nhà thì nhà ai cũng phải đóng kín cửa không mùi ghê lắm”.

Cùng quan điểm với anh P.V.D một người dân làm nghề sửa chữa cơ khí ngay cạnh sông nói: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận và tìm hiểu những trang trại lợn xung quanh đã đảm bảo các yếu tố không gây ảnh hưởng tới môi trường”.

Cả đoạn sông dài ô nhiễm, dòng chảy tắc nghẽn.
Người dân cho rằng những ống nhựa dẫn chất thải ra sông như thế này là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ô nhiễm trầm trọng của dòng sông.

Theo thực tế quan sát của nhóm PV tại đây có rất nhiều các ống nhựa được dẫn ra sông và tại hiện trường ghi nhân của PV thì có những ống đang dẫn nước đổ xuống dòng sông.

Người dân ở đây thông tin thêm: “Chỉ ở đây mới bị ô nhiễm nặng như thế này, khoảng hơn 1km, còn lại ở những đoạn khác thì người dân vẫn đánh cá trên sông bình thường”.

Vậy đâu là nguyên nhân mà xuất hiện hơn 1km “dòng sông chết” này?

Video:

Một thế hệ tương lại đang bị ảnh hưởng vì môi trường sống

Ngay cạnh “dòng sông chết” này là trường tiểu học Tân Dân B nơi có hơn sáu trăm em học sinh đang học tập.

Cùng quan điểm với người dân, bà Nguyễn Thị Hường Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ bức xúc: “Cô giáo và các phụ huynh học sinh đây vô cùng khó chịu về dòng sông này, vì nó nằm ngay đằng sau trường học, mỗi khi gió lùa mùi vào là không thể chịu nổi”.

Không những thế cô còn bày tỏ quan ngại và lo lắng cho sức khoẻ của con em học sinh trong trường, cô nói: “Nếu tình trạng như thế này kéo dài, sức khỏe của học sinh sẽ không được đảm bảo trước bệnh tật, và rất cần sự chăm lo quan tâm của chính quyền, các ngành các cấp, để giảm thiểu mức độ ô nhiễm cho dòng sông”.

Trường Tiểu học Tân Dân B nằm ngay sát dòng sông.

Bà Nguyễn Thị Hường Hiệu trưởng nhà trường rất bức xúc về tình trạng ô nhiễm dòng sông Từ Hồ - Sài Thị.

Để tìm hiểu thêm thông tin, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Được - Phó chủ tịch UBND xã Tân Dân. Tại buổi làm việc ông Được cho biết và cũng thừa nhận những thông tin mà báo chí cũng như nhân dân phản ánh là hoàn toàn đúng sự thật.

Tuy nhiên, vị Phó chủ tịch xã cũng giải thích và cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm trên và xã luôn thực hiện các biện pháp tuyên truyền để nâng cao ý thức của quần chúng nhân dân để cùng nhay giữ ý thức bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Quang Được, Phó CT UBND xã Tân Dân trao đổi với Pv.

Khi nhóm PV đề cập đến việc trang nuôi của các trang trại, ông Phó chủ tịch cho biết: Quanh khu vực có khoảng hơn chục trang trại lớn. Hiện tại, xã cũng tuyên truyền yêu cầu các trang trại lắp đặt các bể Biogas.

Tuy nhiên, nói đến vấn đề này ông được cũng không ngần ngại cho biết và khẳng định chăc chắn: “Cơ bản các trang trại đều có bể Biogas, nhưng chưa thể xử lí được toàn bộ chất thải, vì mỗi một bể chỉ chứa được từ 13 đến 20 khối. Về thực tế toàn bộ đúng quý trình xử lí thì chưa làm được”.

Tìm hiểu thêm nhóm PV được tiếp cận với trang trại chăn nuôi Ánh Nghĩa, đây là một trang trại chăn nuôi được lợn nái, được cho là lớn nhất vùng. Trao đổi với bà Ánh chủ trang trại cho biết: “Việc xử lý chất thải là hoàn toàn khép kín và có bể Biogas ngầm”.

Vậy đâu là nguyên nhân chính trong tổ hợp những nguyên nhân gây ô nhiễm cho hơn 1km dòng sông Từ Hồ - Sài Thị này? Chính quyền xã đã biết, nhưng phải làm gì để ngăn chặn hay chỉ là tuyên truyền?

Những trang trại xử lí tuần hoàn khép kín. Vậy những chiếc ông nhựa vươn ra sông để làm gì? Và còn những chiếc ống đang xả thải trực tiếp ra sông đó là như thế nào?

Tất cả những câu hỏi này xin được gửi tới UBND huyện Khoái Châu, phòng tài nguyên môi trường huyện và các cơ quan chuyên môn liên quan khác vào cuộc làm rõ.

Bạn đang đọc bài viết Truy tìm thủ phạm khiến Sông Từ Hồ - Sài Thị thành “dòng sông chết”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.