Thứ năm, 25/04/2024 07:44 (GMT+7)

Khoảng 78% nước thải tại Hà Nội chưa được thu gom xử lý

MTĐT -  Thứ hai, 10/06/2019 11:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay các nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 22% nhu cầu xử lý nước thải.

Theo báo CAND, thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, cả Thủ đô hiện chỉ có 7 nhà máy xử lý nước thải, đáp ứng được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% đang được xả thẳng ra môi trường. 

Số nhà máy xử lý nước thải thực tế thấp hơn so với lý thuyết

Hiện nay, lượng nước thải đô thị, chủ yếu được xả thẳng ra các hệ thống thoát nước chung ở 4 con sông lớn trên địa bàn Hà Nội là sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ, sông Nhuệ. Việc “gánh” lượng nước thải chưa được xử lý trên nhiều địa bàn TP. Hà Nội đã khiến những con sông này ô nhiễm ở mức báo động. Những người dân sống gần cũng chưa bao giờ hết phàn nàn về sự ô nhiễm, bốc mùi từ các dòng sông.

Trao đổi Đô thị mới, PGS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, trực thuộc Hội Cấp thoát nước Việt Nam đánh giá: “22% nước thải được xử lý tại 7 nhà máy trên địa bàn TP. Hà Nội chỉ là lý thuyết. Trong thực tế, những con số này thấp hơn nhiều”.

PGS.TS Trầm Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường 

Hiện nay, có 7 nhà máy trong đó bao gồm Nhà máy xử lý nước thải Hồ Bảy Mẫu thu gom được hầu hết nước thải của lưu vực Bà Triệu với công suất xử lý là: 133.000m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây công suất 15.000m3 thu gom được 8.000 đến 9.000m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải Kim Liên xử lý được 3.700m3/ngày đêm; Nhà máy Trúc Bạch là 2.300m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải của Bắc Thăng Long Vân Trì công suất 42.000m3/ngày đêm nhưng chỉ mới thu gom được 7.000m3.

Đặc biệt khi nhắc đến Nhà máy Yên Sở - nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Hà Nội với công suất 200.000m3 ngày đêm, ông Hạ đánh giá đây là nhà máy mới, với công suất lớn nhưng chưa thu gom được nhiều. Dù hoạt động xử lý tốt nhưng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở lấy nước từ sông để xử lý và chưa có hệ thống thu gom nên chưa hiệu quả.

PGS.TS Trần Đức Hạ khẳng định: “Có nghĩa là con số 22% ở đây chỉ dựa trên lý thuyết, còn thực tế con số này còn thấp hơn nhiều. Lý do ở đây là vì hệ thống thu gom của các nhà máy còn chưa đồng bộ”.

Theo nguyên tắc xử lý nước thải, thì nước thải sẽ được thu gom và lọc đến các hệ thống xử lý nước thải riêng sau đó mới xả thải ra các hệ thống xả thải chung như sông, hồ, ao... Nhưng hiện nay, ở Hà Nội, hệ thống xả thải chung thường xuyên là nơi tiếp nhận nước thải chưa được qua xử lý.

Khó khăn trong việc xử lý 

Với thực trạng ô nhiễm như hiện nay và đặc thù quy hoạch của Hà Nội thì việc xử lý nước thải từ nguồn ở Hà Nội là điều khó không tưởng.

Trao đổi với báo CAND về vấn đề này, chuyên gia môi trường Đỗ Thanh Bái khẳng định rằng, việc áp dụng công nghệ của Hà Nội vào làm sạch sông, hồ mà gần đây nhất là sông Tô Lịch mới đang chỉ ở giai đoạn ban đầu và cần có thời gian để kiểm chứng. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho rằng, để thanh lọc nước bẩn ở Hà Nội về lâu dài vẫn phải xử lý từ nguồn. Nhưng việc này đang gặp phải ba khó khăn lớn.

Chuyên gia Nhật sang xử lý thí điểm ô nhiễm trên sông Tô Lịch.

Thứ nhất đó là về mặt chính sách, chưa có chính sách để ép buộc các cơ sở sản xuất, các hộ gia đình phải xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường dẫn đến việc xả trực tiếp, bừa bãi. Mặc dù việc xử lý vi phạm đã có tại Khoản 1, Điều 81, Luật Bảo vệ môi trường 2005. Luật cũng yêu cầu tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung phải có hệ thống thu gom riêng nước mưa và nước thải; nước thải sinh hoạt phải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi đưa vào môi trường; hành vi xả nước thải sinh hoạt trực tiếp, chưa qua xử lý ra môi trường đã vi phạm pháp luật về môi trường.

Còn theo quy định tại Điểm D, Khoản 1, Điều 20, Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi xả thải nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

Nhưng, mức xử phạt trên là quá rẻ so với tác hại của rác, nước thải sinh hoạt tới môi trường. Nên chăng có một mức xử phạt hợp lý hơn với những người vi phạm. Mặc dù, có nhiều nơi, người dân không thể làm cách nào khác là xả thải trực tiếp bởi nơi họ sống quá chật chội, bịt bùng tứ phía... Đó cũng là khó khăn thứ hai trong việc xử lý nguồn nước thải: Quỹ đất không có.

Hằng ngày ở Hà Nội đều có chung cư hoặc nhà cao tầng được hoàn thiện, đó là chưa kể nhà riêng được xây mới, sửa sang hoặc cơi nới. Nhà mọc lên như nấm, người cũng theo đó mà tăng, nhưng hệ thống bể chứa nước sinh hoạt, bể gom nước thải lại vẫn như cũ hoặc thậm chí còn không có. Cũ bởi nhà đầu tư tiếc tiền không làm mới, vì họ dành thời gian xây nhà cho kịp tiến độ nên quên mất điều cơ bản.

Nhà này mọc san sát nhà kia, đến lúc cả khu bị ngập vì mưa, vì rác... mới sực nhớ là ống cống bé quá, không có bể chứa nước thì đã muộn. Lúc đấy, người dân cũng chỉ biết sống chung với bẩn, còn nhà đầu tư thì lại... tiếc tiền làm bể chứa, làm lại đường cống thoát nước nên cũng... kệ.

Hiện nay các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất lớn gần như đã được quản lý tốt trong khâu xả thải. Họ đều đã có bể chứa, bể gom và máy lọc trước khi xả ra môi trường. Chỉ còn lại các cơ sở nhỏ lẻ, khu dân cư, dịch vụ là chưa được quan tâm đúng mức, hệ thống xử lý nước thải ở đây có cũng bằng không!

Khó khăn thứ ba là nhận thức của người dân. Thời đại công nghệ 4.0 mà vẫn còn nhiều người nghĩ rằng vứt rác ra đường là tạo công ăn việc làm cho công nhân vệ sinh môi trường. “Tôi đã chui hết các loại cống với công nhân vệ sinh ở Hà Nội và phải khẳng định một điều rằng, đây là công việc có cho tiền, nhiều tiền cũng chẳng ai dám làm. Khổ cực, bệnh tật, đã thế còn nghèo...”, ông Đỗ Thanh Bái nói.

Ba khó khăn trên thực sự đang cản bước chúng ta làm sạch, đẹp những kênh mương, sông ngòi trên địa bàn Thủ đô. Nhưng với thực trạng hiện nay, liệu còn có giải pháp gì ngoài công nghệ? Chuyên gia Đỗ Thanh Bái cho rằng, nếu không kịp xử lý nước thải từ nguồn thì phải xem xét xử lý ở đoạn giữa. Ông lấy ví dụ, sông Tô Lịch với hơn 300 ống cống như vậy, thì có thể thử nghiệm xử lý ở ngay miệng cống hoặc gần miệng cống. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ bởi có thể tốn kém về chi phí.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Khoảng 78% nước thải tại Hà Nội chưa được thu gom xử lý. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành