Thứ năm, 28/03/2024 22:36 (GMT+7)

Khơi thông nguồn tài chính xử lý rác thải: Tiền đâu để trả?

MTĐT -  Thứ sáu, 25/10/2019 15:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay, chi phí cho xử lý chất thải sinh hoạt vẫn do ngân sách địa phương chi trả, việc thu tiền từ các hộ dân chỉ cân đối được đối với thu gom, vận chuyển.

Thiếu tiền để trả cho doanh nghiệp tham gia xử lý rác, doanh nghiệp có khi nản nhưng vẫn cố vì đã bỏ mấy chục tỷ đồng để đầu tư, địa phương trông đợi ngân sách Nhà nước để xử lý rác… Đây là thực trạng bài toán tài chính xử lý rác đang trăn trở tìm đáp án.

Khi doanh nghiệp “bị” là “chủ nợ”

“Chúng tôi đã đầu tư hơn 68 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy rác tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Nhà máy đã đi vào hoạt động từ tháng 7/2017 nhưng đến nay, sau hơn 2 năm, chúng tôi vẫn chưa thu được bất kỳ đồng nào cho việc xử lý rác”, ông Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam chia sẻ.

Nhà máy xử lý chất thải rắn Nghĩa Đàn nằm trên địa bàn xóm Bình Hải, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ tháng 11/2016 đến tháng 6/2017. Chỉ qua 7 tháng, Nhà máy đã đi vào hoạt động với công suất xử lý 75 - 100 tấn rác/ngày.

Nhà máy sử dụng công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt đạt quy chuẩn 61-T:2016/BTNMT của Bộ TN&MT. Theo đó, với công nghệ này, rác thải sinh hoạt sau khi được được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, sẽ được đưa đến khu vực xử lý, rồi đánh tơi, xé bao bằng máy nghiền và xé bao tự động, giúp cho quá trình phân loại và nhận diện chủng loại chất thải được hiệu quả hơn.

Đã hai năm, Nhà máy chất thải rắn Nghĩa Đàn vẫn chưa nhận được tiền xử lý rác

Sau đó, chất thải rắn sinh hoạt được đưa lên dây chuyền phân loại rồi sấy và đưa vào lò đốt.Thành phẩm sau quá trình này là gạch không nung từ chất thải vô cơ như gạch, ngói, vật liệu xây dựng, cùng với tro xỉ sau khi đốt, phối trộn với xi măng và đá mạt. Túi ni lông, nhựa phế liệu sẽ được tái chế thành hạt nhựa. Ngoài ra, khoảng 20% chất thải thải rắn hữu cơ sạch để ủ phân hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao, được sử dụng hiệu quả cho các cây trồng nông nghiệp và cây công nghiệp. Trong quá trình đốt, dây chuyền này cũng đảm bảo lượng khí thải ra môi trường hoàn toàn sạch và đạt tiêu chuẩn. Nước rỉ rác được thu gom và xử lý thông qua các bể lắng đọng và hóa chất, đảm bảo theo quy chuẩn về môi trường mà Bộ TN&MT ban hành.

Với công nghệ như vậy, ông Phạm Hải - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình nhận xét: Nhà máy xử lý rác rất tốt, không gây ô nhiễm môi trường, người dân không có phản ánh. Môi trường trong nhà máy rất sạch sẽ, không khí trong lành. Còn ông Lê Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cũng ghi nhận, đây là nhà máy xử lý rác tốt nhất của Nghệ An.

Dù hoạt động hiệu quả, giúp địa phương giải quyết được bài toán rác tồn đọng trong nhiều năm ở Nghĩa Đàn, thế nhưng, đã 2 năm trôi qua, nhà máy này vẫn hoạt động “tình nguyện”, vì chừng ấy thời gian địa phương vẫn chưa trả được tiền xử lý rác.

Với đơn giá xử lý mà tỉnh tạm tính là 410.000 đồng/tấn, số tiền mà địa phương “nợ” doanh nghiệp không nhỏ. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày, nhà máy xử lý khoảng 50 tấn rác và toàn bộ chi phí đều đang do công ty bỏ ra. Mỗi tháng, công ty phải chi hơn 200 triệu đồng cho toàn bộ hoạt động, bao gồm trả lương cho khoảng 30 lao động, chưa kể khấu hao máy móc, thiết bị và lãi suất ngân hàng.

Ông Nguyễn Đình Trọng thông tin, hiện nay, chính quyền vẫn chưa chịu nghiệm thu rác và chưa biết đến khi nào địa phương mới trả được tiền cho doanh nghiệp. “Chúng tôi trở thành “chủ nợ” bất đắc dĩ. Và nếu tình trạng này kéo dài lâu, doanh nghiệp rất dễ nản trong công cuộc xử lý rác thải ở Việt Nam vốn không dễ dàng này”, ông Trọng bộc bạch.

Vẫn trông chờ ngân sách Nhà nước

Lý giải về tình trạng địa phương “nợ” tiền doanh nghiệp xử lý rác, ông Nguyễn Đình Trọng cho biết, nguyên nhân là do việc xử lý rác lâu nay vẫn trông đợi vào ngân sách Nhà nước.

Chỉ rõ hiện trạng này, Tổng cục Môi trường cho hay, về vấn đề tài chính cho xử lý rác thải, ngân sách Nhà nước được phân bổ theo từng cấp tỉnh, huyện, xã căn cứ trên nhu cầu của các cấp. Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trong việc phân bổ, cấp ngân sách Nhà nước hàng năm cho các địa phương trong tỉnh.

Hầu hết các địa phương khi ban hành giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đều chia ra các đối tượng khác nhau. Tuy vậy, hầu hết đều thu theo hộ gia đình không sản xuất, kinh doanh (không tính số thành viên trong gia đình), hộ gia đình sản xuất kinh doanh, trụ sở làm việc của các đơn vị hành chính, sự nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Đối với các hộ gia đình, mức giá tối đa được ấn định không tính đến số thành viên trong các hộ gia đình. Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, mức giá được quy định căn cứ vào doanh thu của doanh nghiệp hoặc căn cứ vào khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thực tế phát sinh để thu.

Tuy vậy, kinh phí thu được từ các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ đối với chất thải rắn sinh hoạt thu được chỉ bù đắp một phần chi phí thu gom hoặc vận chuyển. Ví dụ, tại tỉnh Bắc Ninh, tổng thu giá dịch vụ thu gom chất thải rắn thu từ các hộ gia đình và các hộ sản xuất kinh doanh năm 2018 là 62 tỷ đồng, chỉ gần đủ để phục vụ cho công tác thu gom (76 tỷ đồng), còn lại toàn bộ chi phí vận chuyển và xử lý được ngân sách địa phương chi trả.

Các địa phương có nguồn chi ngân sách lớn cho công tác quản lý chất thải sinh hoạt là TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng…, như năm 2018, TP. Hồ Chí Minh đã chi tới 2.000 tỷ đồng.

Theobáo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Khơi thông nguồn tài chính xử lý rác thải: Tiền đâu để trả?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.