Thứ năm, 28/03/2024 23:56 (GMT+7)

Kiểm định khí thải xe máy: làm trước tại Đà Nẵng

MTĐT -  Thứ bảy, 09/05/2015 10:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các dự thảo vừa được Cục Đăng kiểm trình Bộ GTVT, năm TP Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ sẽ phải kiểm tra định kỳ kiểm soát khí thải môtô, xe máy.

Cục Đăng kiểm cho biết thống kê đến ngày 31-12-2014 cả nước có trên 45 triệu xe cơ giới được đăng ký, xe máy hai bánh chiếm 95%.

Xe máy là nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại các TP lớn nhưng lại chưa được kiểm soát khí thải. Còn ôtô đang lưu hành được kiểm soát khí thải từ tháng 7-2008.

Thực hiện trước ở Đà Nẵng 

Theo Cục Đăng kiểm, ngày 17-6-2010 Thủ tướng đã phê duyệt đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy. Theo đó, giai đoạn 2010-2013 triển khai tại Hà Nội và TP.HCM, giai đoạn 2013-2015 triển khai tại các thành phố loại 1, loại 2.

Tuy nhiên, đến nay đề án vẫn chưa triển khai được do đây là vấn đề xã hội lớn, nhạy cảm, phức tạp vì liên quan đến đa số người dân ở các thành phố lớn. Theo Cục Đăng kiểm, đến hết năm 2014 số lượng xe máy đăng ký tại năm TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Hải Phòng và Cần Thơ là gần 13,5 triệu chiếc, chiếm gần 30% tổng số xe máy cả nước.

Việc kiểm soát khí thải trước mắt cần tập trung ở các TP lớn, nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm không khí.

Cục Đăng kiểm đề xuất lộ trình kiểm soát khí thải ở Đà Nẵng trước. Cụ thể từ ngày 1-7-2018 áp dụng kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy trên 10 năm sử dụng, từ ngày 1-7-2019 áp dụng với xe trên năm năm sử dụng.

Còn tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ bắt đầu thực hiện từ ngày 1-7-2020. Qua kiểm định, xe máy đạt tiêu chuẩn khí thải sẽ được cấp giấy chứng nhận và dán tem kiểm định mới được phép tham gia giao thông.

Xe không đạt tiêu chuẩn phải được bảo dưỡng, sửa chữa hoặc nâng cấp, thay thế phụ tùng, sau đó kiểm định lại.

Thực hiện thế nào?

Theo ông Nguyễn Hữu Trí - phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, các nhà sản xuất thường khuyến nghị xe máy phải bảo dưỡng sáu tháng/lần.

Tuy nhiên, để giảm tải cho hệ thống kiểm định, bớt ảnh hưởng đến người dân và cũng theo kinh nghiệm các nước, Cục Đăng kiểm đề xuất chu kỳ kiểm định là hai năm/lần, sau đó sẽ được điều chỉnh xuống  một năm/lần.

Vấn đề người dân quan tâm nhất là kiểm định xe máy ở đâu? Cục Đăng kiểm kiến nghị sẽ kết hợp giữa các đại lý ủy quyền của nhà sản xuất xe máy với các cơ sở đăng kiểm để thực hiện.

Đại lý ủy quyền của các hãng xe được xác định là lực lượng chính và có trách nhiệm thực hiện kiểm định xe máy. Hiện năm nhà sản xuất xe máy lớn là Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki và SYM có 1.526 đại lý trên cả nước, riêng năm TP trực thuộc trung ương có 529 đại lý.

Nếu kiểm định mỗi xe trung bình tám phút thì một điểm kiểm tra khí thải sẽ kiểm định được 16.649 xe/năm. Với chu trình kiểm định hai năm/lần, số lượng xe cần kiểm định tại năm TP trực thuộc trung ương vào năm 2020 chỉ là 8,75 triệu xe, mỗi đại lý chỉ bố trí một điểm kiểm tra là vừa đủ.

Chưa kể các cơ sở bảo dưỡng tư nhân và khoảng 30 trung tâm đăng kiểm tại năm TP trực thuộc trung ương có thể bố trí mỗi nơi 3-5 điểm kiểm tra khí thải.

Việc thu phí kiểm định sẽ tiến hành trực tiếp với người đưa xe đến kiểm định, mức tính toán sơ bộ là 100.000-150.000 đồng/lần/xe/hai năm. Cục Đăng kiểm cho rằng đây là mức chi phí không đáng kể so với chi phí nhiên liệu hằng năm.

Cục Đăng kiểm cũng kiến nghị cần nghiên cứu để thực hiện hỗ trợ việc kiểm soát khí thải xe máy từ nguồn thu thuế bảo vệ môi trường, kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn khác.

Từ đó có thể đưa ra cơ chế cho phép người đưa xe đi kiểm định không phải trả tiền.

Tại sao chọn Đà Nẵng?

Việc chọn Đà Nẵng là nơi thực hiện trước được Cục Đăng kiểm lý giải là triển khai trước tại một TP có quy mô dân số và lượng xe vừa phải để rút kinh nghiệm.

Đà Nẵng có khoảng 1 triệu dân và hiện có khoảng 713.000 xe máy đăng ký. Điểm đáng lưu ý là chính quyền và người dân Đà Nẵng có ý thức bảo vệ môi trường, hướng tới TP xanh - sạch - đẹp, phù hợp thực hiện trước.

Tuấn Phùng(TTO)

Bạn đang đọc bài viết Kiểm định khí thải xe máy: làm trước tại Đà Nẵng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.