Thứ sáu, 29/03/2024 22:54 (GMT+7)

Kinh hoàng khung cảnh tái chế nhôm, nhựa tại Văn Môn (Yên Phong)

Trung Hiếu - Phạm Giang -  Thứ sáu, 01/06/2018 13:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các bất cập tại xã Văn Môn có lẽ vẫn chưa thể giải quyết được. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần phải mạnh tay hơn nữa thay vì chỉ nêu lên khẩu hiệu “Quyết tâm!”.

Kinh hãi với khung cảnh ở làng nấu nhôm

Tìm đến xã Văn Môn (Yên Phong, Bắc Ninh) vào một buổi sáng oi bức, NPV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có một trải nghiệm kinh hoàng đến choáng ngợp về tình trạng ô nhiễm ở nơi đây.

Theo quan sát của chúng tôi, bao trùm làng nghề cô đúc nhôm Mẫn Xá là một bức tranh âm u, mờ ảo, khói bốc lên nghi ngút, đen sì từ hàng trăm lò nấu nhôm, sắt vụn. Mùi két của nhựa, nhôm bị đốt cháy khiến ai đi ngang qua cũng phải đeo khẩu trang nín thở. Hệ thống mương máng lấp đầy những chất thải dư thừa, các ao hồ kênh rạch trong làng đều bao phủ một màu đen kịt.

Những con kênh trong làng nhuộm một màu đen.

Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng khi bước tới vùng đất này chúng tôi không khỏi giật mình bởi cảnh tượng nơi đây. Không khí vốn đã oi ả, nóng bức nay càng trở nên ngột ngạt, tù túng hơn. Mùi khí thải phát ra từ những lò luyện kim quyện vào cái nắng gay gắt khiến những người chưa quen với không khí nơi đây không ít lần phải nín thở.

Không thể tin rằng hơn chục năm qua người dân Mẫn Xá nói riêng và hơn chục nghìn nhân khẩu ở xã Văn Môn nói chung vẫn có thể sống chung với môi trường ô nhiễm trầm trọng như vậy.

Ông Nguyễn Văn T (một người dân làm nghề đúc nhôm ở Mẫn Xá) chia sẻ với chúng tôi: “Ai cũng biết là nghề này độc hại, nhưng cũng nhờ nó mà người trong làng mới có của ăn, của để như hiện nay. Nói thực giờ bỏ nghề này chúng tôi cũng không biết làm gì”.

Nghề nung đúc nhôm giúp người dân nơi đây ngày một khấm khá, nhưng những hệ lụy nó mang lại quả thực khôn lường. Phải chăng người dân nơi đây đang sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống lẫn môi trường để mang về kinh tế?

Trở về Quan Độ sau "thảm họa"

Nằm ngay sát với làng Mẫn Xá là làng Quan Độ nổi tiếng với nghề thu gom, tái chế phế liệu. Tình trạng ô nhiễm tại nơi đây cũng không kém cạnh gì so với người hàng xóm Mẫn Xá.

Trở lại Quan Độ sau gần nửa năm xảy ra vụ nổ bom kinh hoàng hồi tháng 1/2018, chúng tôi không sao quên được cảnh tượng tan hoang, đổ nát của làng phế liệu lúc ấy. Sau khi vụ việc xảy ra, việc sản xuất và tái chế đồ phế liệu tại làng nghề đã có nhiều thay đổi, trong tư duy và suy nghĩ của người lao động.

Không còn kinh doanh tái chế vật liệu nổ, tuy nhiên, Văn Môn còn là làng nghề truyền thống cô đúc nhôm. Ô nhiễm từ khói bụi, từ nguồn nước khi hàng tấn chất độc hại thải ra môi trường mỗi ngày sẽ là những nguy cơ khiến nhiều bà con tại địa phương bị ảnh hưởng nếu còn gắn bó với nghề.

Hàng ngày, phế liệu được người dân Quan Độ mua về, tập kết bên bờ sông Ngũ Huyện Khê, giáp ranh với 2 xã Vân Hà và Thụy Lâm (huyện Đông Anh) rồi tiến hành đốt thu hồi kim loại sắt, đồng. Nhiều loại phế thải không thể tái chế cũng được đốt, nên khói, bụi từ đây theo gió bay trùm sang các xã Vân Hà và Thụy Lâm.

Bãi rác của xã lại là nơi đốt rác thải công nghiệp

“Núi rác thải” làng Quan Độ gần như ngày nào cũng bốc cháy vào thời điểm chập choạng tối cho đến đêm khiến cho nỗi bức xúc của các hộ dân tại xã Vân Hà và Thụy Lâm ngày một lớn thêm" - Bà Nguyễn Thị M. (một người dân Thụy Lâm (huyện Đông Anh) cho biết:

“Mỗi khi bãi rác thải bên Quan Độ bốc cháy, khói đen lại phủ cả một góc trời, rồi theo luồng gió bay vào nhà. Người dân quanh năm phải sống trong tình cảnh ô nhiễmnặng nề, có khi ở trong nhà vẫn ngửi thấy khói.”

Không chỉ riêng bà M. các hộ dân tại xã Vân Hà, Thụy Lâm đã ngán ngẩm với tình cảnh này. Không chỉ chính bản thân người dân Văn Môn mà còn cả những người vô tội tại xã Vân Hà, Thụy Lâm vẫn hàng ngày phải hứng chịu, môi trường ô nhiễm. 

 Người dân bất lực nhìn môi trường bị ô nhiễm.

Để có thông đa chiều hơn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Gia (Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn).

Ông Gia cho biết: “Trong 19 tiêu chí nông thôn mới, hiện xã Văn Môn đã hoàn thành và tương đối hoàn thành 18 tiêu chí chỉ còn duy nhất tiêu chí môi trường. Xã cũng rất cố gắng”.

Về phía làng Quan Độ, UBND xã cũng đã đề ra nhiều biện pháp nhằm xử lý ô nhiễm môi trường do phế thải gây ra. Tuy nhiên việc xử lý rác thải vô cùng khó khăn. Nếu không đốt thì rác chất thành núi không biết đổ đi đâu, mà hàng ngày lượng rác thải ra ngày càng nhiều, nên khi vắng mặt cơ quan địa phương thì dân lại lén lút đổ trộm".

Sau khi rác thải tập kết tại bãi thì những người làm nghề đồng nát thường nhặt dây điện để đốt cháy lấy đồng tạo ra những cột khói đen độc hại, gây mùi khó chịu.

Điều này làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khắp cả một khu vực giáp ranh giữa huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) và Đông Anh (Hà Nội)…người dân phải hứng chịu hàng chục năm nay.

Hằng ngày, hàng tấn rác thải là các dây điện thải, thiết bị điện tử sẽ được mang ra bãi rác tập kết của xã.

Vị Chủ tịch xã cũng cho biết thêm: “Còn về phía làng Mẫn Xá thì đây là làng nghề truyền thống, đa phần người dân đều sống bằng nghề đúc nhôm này, quả thật giờ bảo họ bỏ nghề thì họ cũng chẳng còn biết làm gì khác để kiếm sống.

Người dân làng nghề thì cả đời sống trong ô nhiễm: khói, bụi; nước, không khí và nhiệt độ cao, nhất là mùa hè ở những khu đúc nhôm nhiệt độ bao giờ cũng cao hơn bên ngoài".

Câu trả lời của ông Gia thêm một lần nữa khẳng định, tình trạng ô nhiễm tại xã Văn Môn đang dần trở nên nhức nhối mà chưa có biện pháp giải quyết. Phải chăng chính quyền địa phương đã "bất lực"? Hay đó là sự giành giật từng ngày giữa môi trường sống ô nhiễm hiện hình như thần chết và bát cơm được đem lại từ chính cái nghề nghiệt ngã này!

Dự án Cụm công nghiệp làng nghề trở thành bãi tập kết xỉ than

Tiếp tục tìm hiểu thông tin về xã Văn Môn chúng tôi được biết, không phải là địa phương chưa tìm biện pháp giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường tại nơi đây.

Trước đó xã Văn Môn đã được phê duyệt xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá do Công ty CP Tập đoàn Hanaka làm nhà đầu tư với diện tích khoảng 30ha.

Từ thông tin trên, chúng tôi tìm đến khu đất chuẩn bị xây dựng “niềm hy vọng” cứu lấy môi trường xã Văn Môn. Đi qua khắp các nẻo đường mù mịt khói của thôn Mẫn Xá rẽ vào một con ngõ nhỏ bên ngoài có gắn bản đồ quy hoạch dự án Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá.

Khu đất dự án lại trở thành nơi đổ rác thải 

Cuối con ngõ là một khu đất đã được quây tôn xanh, tiến vào trong, chúng tôi một lần nữa lại bị choáng ngợp và hãi hùng trước núi rác khổng lồ. Cụ thể hơn là những “núi” xỉ than được các hộ sản xuất tập kết tại đây. Quang cảnh như một bãi chiến trường, rác thải đang dần dần xâm chiếm dự án mang sứ mệnh cao cả của xã Văn Môn.

Những dấu hỏi bắt đầu hiện lên trong đầu khiến PV không khỏi thắc mắc: khu đất này đang tiến hành giải phóng mặt bằng, ấy vậy mà tình trạng đổ rác thải vẫn đang diễn ra như thế, liệu dự án đến bao giờ mới được triển khai?

Trao đổi về thông tin tiến độ dự án trên, ông Nguyễn Hoàng Gia (Phó chủ tịch UBND xã Văn Môn) cho biết: “Hiện tại, đang triển khai dự án khu công nghiệp tập trung để dễ dàng trong việc quản lý và xử lý rác thải. Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng vì một số hộ dân chưa hiểu chưa đồng tình.

Chúng tôi sẽ dùng biện phát cưỡng chế trong thời gian tới để giải quyết xong vấn đề mặt bằng để tiến hành xây dựng dự án.Thực tế dự kiến hoàn thành dự án vào cuối 2018. Quy mô dự án với diện tích 30 ha, với hệ thống xử lý rác đảm bảo môi trường, là nơi cho nhân dân sản xuất kinh doanh buôn bán. Xỉ than người dân tập kết tại đây chúng tôi đang lên phương án tìm cách xử lý tại chỗ.

Khi cụm công nghiệp này được hoàn thành chắc chắn vấn đề về môi trường ở xã Văn Môn sẽ được giảm thiểu”.

Hàng tấn xỉ than vẫn đổ ra mỗi ngày.

Các bất cập tãi xã Văn Môn có lẽ vẫn chưa thể giải quyết được. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần phải mạnh tay hơn nữa thay vì chỉ nêu lên khẩu hiệu “Quyết tâm!”.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Kinh hoàng khung cảnh tái chế nhôm, nhựa tại Văn Môn (Yên Phong). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới