Thứ bảy, 20/04/2024 13:11 (GMT+7)

Kon Tum: Dân khát nước sạch, dự án trăm tỷ bỏ hoang

Mai Trung -  Thứ sáu, 16/11/2018 08:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ gần 3 năm nay nhà máy nước sạch do công ty Utility Water Thái Lan vận hành bị đắp chiếu, người dân không có nước sạch để dùng.

Từ những phản ánh của người dân ở huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum), chúng tôi tiếp cận nhà máy nước sạch do công ty Utility Water Thái Lan vận hành tại thị trấn Đăk Tô. Trước mắt chúng tôi là cảnh hoang tàn, khu vực nhà máy dường như đã bị bỏ hoang từ lâu, xung quanh cỏ mọc um tùm, bẩn thỉu, không một bóng người qua lại; các bể lọc chứa toàn cát và bùn, rong rêu dày đặc, cá chạy từng đàn. Theo quan sát, nguồn nước vẫn tự chảy theo đường ống về các hộ dân và thực tế cho thấy mùa mưa thì đục như nước bùn, mùa khô thì chảy lách tách vài giọt nghe vị hôi tanh rất khó chịu.

Được biết, ngày 9/6/2016 UBND tỉnh Kon tum chấp thuận chủ trương, ra quyết định giao dự án nhà máy cho công ty Utility Water Thái Lan đầu tư và kinh doanh. Sau khi có quyết định chuyển giao, công ty đã thành lập doanh nghiệp tại Kon Tum để tiến hành làm các thủ tục thực hiện (công ty TNHH Utility Water Việt Nam có địa chỉ tại số 23 đường 24/4, khối 3, thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô, Kon Tum).

Bể chứa toàn rong rêu, cỏ mọc

Dự án nhà máy nước sạch được UBND huyện Đắk Tô bán cho công ty Utility Water Thái Lan để tiếp tục đầu tư và cung cấp nước sạch cho toàn huyện. Thế nhưng đã gần 3 năm triển khai, ngành chức năng chưa thể giao đất để doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án, công nhân đã gần hai năm không có lương, người dân trên địa bàn thị trấn Đắk Tô không có nước sạch để dùng.

Trước năm 2016, nhà máy nước sạch thị trấn Đắk Tô được công ty cổ phần nước sạch đô thị Đắk Tô (thuộc UBND huyện Đắk Tô) quản lý, điều hành hoạt động. Sau khi UBND tỉnh Kon Tum có quyết định giao dự án nhà máy cho công ty Utility Water Thái Lan đầu tư và kinh doanh thì tháng 6/2016, UBND huyện Đắk Tô và công ty TNHH Utility Water Việt Nam đã tiến hành ký kết hợp đồng chuyển nhượng công trình cấp nước sinh hoạt thị trấn Đắk Tô để công ty tiếp tục đầu tư, kinh doanh. Được biết giá chuyển nhượng tại thời điểm đó khoảng 12 tỷ đồng.

Công ty đã cam kết đầu tư 100 tỷ đồng để xây dựng dây chuyền hoạt động với quy mô công suất 10.000 m3 nước/ngày, đêm; tiến độ thực hiện từ năm 2016-2018 (khoảng 2 năm) và tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo tìm hiểu của phóng viên Môi trường & Đô thị điện tử, khi được chuyển giao đầu tư và kinh doanh nhà máy, công ty TNHH Utility Water Việt Nam đã tiến hành làm hồ sơ thủ tục và xây dựng một số công trình như tuyến đường vào nhà máy…Tuy nhiên, đến nay đã gần 3 năm triển khai nhưng thủ tục giao đất và cho thuê đất vẫn chưa được giải quyết, vì thế dự án nhà máy nước sạch thị trấn Đắk Tô không thể tiếp tục đầu tư các bước tiếp theo.

Ông Trương Trung Bình - Quyền giám đốc công ty TNHH Utility Water Việt Nam cho biết: “Đại diện công ty ở Thái Lan đã sang làm việc rất nhiều lần nhưng hiện nay thủ tục đất đai dưới tỉnh chưa xong, hơn một năm nay cán bộ, nhân viên chưa nhận được một khoản lương nào, bảo hiểm cũng chưa đóng. Chúng tôi đã nộp đơn gửi các ngành chức năng của huyện, tỉnh lâu rồi nhưng chưa thấy trả lời”.  

Đại diện UBND huyện Đắk Tô thông tin thêm “hiện nay dự án cũng có những cái vướng mà chưa tháo gỡ xong”. Đồng thời UBND huyện cũng đã rất nhiều lần mời đại diện công ty Utility Water Thái Lan sang làm việc và giải quyết các thủ tục pháp lý nhưng phía công ty vẫn chưa trả lời.

Tận mắt chứng kiến, không ai nghĩ đây là công trình nhà máy nước sạch của một huyện mà nó giống như kênh mương thủy lợi để phục vụ tưới tiêu cho cây trồng. Thế nhưng, thiệt thòi nhất vẫn là người dân vì “khuất mắt cho sạch”, chỉ biết có nước từ đường ống của công trình nước sạch chảy về là yên tâm dùng.

Dự án trăm tỷ hoang tàn

Làm việc tại nhà máy gần hai năm không lương đồng nghĩa với ngần ấy thời gian không đóng bảo hiểm xã hội, không được hưởng bất cứ một khoản phụ cấp, chế độ đãi ngộ nào. Một trong 7 cán bộ của công ty TNHH Utility Water Việt Nam tâm sự “chúng tôi đành phải ra ngoài làm thêm, làm được bữa nào thì tốt bữa đó, ngày nào nhận được việc làm bên ngoài là ngày đó mừng lắm, nếu chờ lương công ty thì vợ con tôi biết sống ra sao”.

Không lương nên công nhân bỏ đi, nhà máy nước không có lao động. Và cũng vì lý do này mà nhà máy không thể đảm bảo nước sạch cho người dân trong khu vực thị trấn.

Thực tế cho thấy, cứ đến mùa khô ở Tây Nguyên là lại xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, điều này rất phổ biến từ rất lâu vì phần lớn các giếng nước của hộ dân đều khô cạn. Để có nước sinh hoạt, người dân phải mua nước đóng bình 20 lít với giá 12 ngàn đồng/bình của các cơ sở sản xuất nước để dùng. Nỗi niềm có nước sạch của người dân càng xa dần khi doanh nghiệp ngày càng sa lầy vào các thủ tục hành chính, trong khi đó hàng trăm tỷ đồng tiền của nhà đầu tư vẫn chịu khó “ẩn dật”.

Nhà máy hoang tàn không một bóng người

Liên quan đến vấn đề nợ lương của công nhân, ông Lê Giàng - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Kon Tum, cho biết “Sự việc này bây giờ chúng tôi mới biết. Sắp tới chúng tôi sẽ báo cáo với Tỉnh ủy và xin ý kiến chỉ đạo để có hướng giải quyết”.  

Bạn đang đọc bài viết Kon Tum: Dân khát nước sạch, dự án trăm tỷ bỏ hoang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ