Thứ sáu, 29/03/2024 01:50 (GMT+7)

“Lá phổi xanh” của quận Hà Đông

MTĐT -  Thứ năm, 19/01/2017 14:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) - Khu công viên thể thao, cây xanh quận Hà Đông được quy hoạch với diện tích 98,2ha, bao gồm: Khu Liên hiệp thể dục thể thao 25,18ha, khu công viên cây xanh - văn hóa 52,87ha, khu chung cư và trung tâm thương mại quốc tế Booyoung Kiến Hưng 11,34ha... Trong đó, Khu công viên cây xanh Hà Đông khi hoàn thành sẽ là "lá phổi xanh" mang lại không gian trong lành cho người dân khu vực.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại các quyết định phê duyệt quy hoạch, quyết định thu hồi đất, UBND quận Hà Đông đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Khu công viên cây xanh, nằm trên địa bàn các phường Kiến Hưng và Hà Cầu, với diện tích 52,8ha. Ngày 22-5-2015, UBND thành phố chấp thuận, cho phép UBND quận tổ chức quản lý, sử dụng khai thác tạm khu đất dự kiến xây dựng Khu công viên vui chơi giải trí, với mục đích phục vụ nhu cầu về hoạt động thể dục - thể thao, phù hợp quy hoạch chung của dự án, khắc phục tình trạng bỏ hoang hóa, lãng phí tài nguyên, chống lấn chiếm và phát huy hiệu quả sử dụng đất. Các công trình: Sân bóng mini, sân tập golf, bãi đỗ xe tĩnh… được xây dựng tạm bằng vật liệu tạm, khấu hao nhanh. Đặc biệt, không làm phát sinh chi phí ngân sách Nhà nước liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng và đền bù GPMB khu đất trong quá trình đưa vào tạm khai thác, sử dụng…
Hướng tới dịp Tết Nguyên đán cổ truyền Đinh Dậu 2017, Hội chợ Thương mại làng nghề truyền thống Hà Đông với hơn 100 gian hàng được diễn ra từ ngày 16 đến 22-1-2017 tại Khu công viên cây xanh. Đây cũng là cơ hội để những nhà kinh doanh các sản phẩm tiêu dùng, may mặc, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm… quảng bá thương hiệu, sản phẩm tới người tiêu dùng.
Trên cơ sở đó, UBND quận Hà Đông đã chỉ đạo Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) Hà Đông trực tiếp quản lý đất, cho thuê khai thác tạm, thu và sử dụng nguồn thu từ đất theo quy định. Sau khi được UBND quận phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng và phương án quản lý, khai thác tạm khu đất đã được GPMB, Chi nhánh TTPTQĐ đã triển khai hiệu quả phương án khai thác tạm. Chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng dự án khai thác tạm Khu công viên cây xanh có dự toán 17,599 tỷ đồng, thực tế thu 18,239 tỷ đồng. Điều đặc biệt là dự án thực hiện trên cơ sở xã hội hóa, toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng đều do các nhà đầu tư khai thác tạm đóng góp vốn. Số tiền phát sinh chênh sẽ được sử dụng đầu tư cho hạng mục cây xanh dọc 2 bên đường trục 24m. Riêng các công trình hoạt động, cây xanh, thảm cỏ do các nhà đầu tư tự bỏ vốn xây dựng. Đến nay, Chi nhánh TTPTQĐ đã bàn giao mặt bằng cho 12/12 nhà đầu tư. Hiện, dự án khai thác tạm đã cơ bản hoàn thiện việc san nền, đào hồ điều hòa, đường trục 24m, đường nhánh; cấp, thoát nước, điện chiếu sáng... Tại các phân khu, các nhà đầu tư đã triển khai thi công đạt 20-90% khối lượng công việc.

Dự án Khu công viên cây xanh gồm các hạng mục chính: Cổng vào, cây xanh công cộng, hồ điều hòa, mương tiêu kết hợp cảnh quan, đường giao thông, đường dạo, khu chợ sinh vật cảnh, chợ tiểu thủ công nghiệp, khu công viên cây xanh công cộng, sân tập golf… được khai thác sử dụng theo loại hình công viên mở, không xây hàng rào ngăn cách các khu vực. Giữa các phân khu có khoảng cách 5m để trồng cây bóng mát, đất trống phủ thảm cỏ... Hơn 70% diện tích đất ở khu công viên và khu cây xanh sẽ được trồng phủ cây bóng mát các loại như: Sao đen, lát hoa, giáng hương, sấu... Đường dạo ven hồ điều hòa trồng hàng cây liễu đuôi chồn, tạo bóng mát và cảnh quan. Các khu văn hóa ẩm thực, sân thể thao, chợ đêm sinh viên đã dần đi vào hoạt động và chợ sinh vật cảnh có hàng nghìn cây các loại, giá trị kinh tế cao với những tạo hình phong phú, đẹp lạ mắt…

Riêng khu công viên cây xanh công cộng (khu vui chơi trẻ em, thể thao công cộng) được giao cho Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Hà Đông thực hiện đầu tư phục vụ nhân dân. Lãnh đạo công ty cho biết: Do dự án mới triển khai nên hiện nay, công ty mới thực hiện san lấp mặt bằng và trồng hơn 2.000 cây và thời gian tới sẽ phủ khoảng 2 vạn cây bóng mát và thảm cỏ trên diện tích 40.093,46m2 được giao, để nơi đây thực sự mang lại không gian trong lành, là “lá phổi xanh”, hứa hẹn mang lại nơi vui chơi, giải trí ý nghĩa cho người dân Thủ đô.

Ông Đinh Công Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh TTPTQĐ Hà Đông cho biết: Trước đây, do thiếu mặt bằng nên chợ hoa tết thường mọc tự phát trên nhiều tuyến đường, phố quận Hà Đông… gây ách tắc giao thông. Giờ đây, ngoài việc mang lại khu vui chơi, giải trí, không gian trong lành với cây xanh bóng mát cho nhân dân, Khu công viên cây xanh còn là cơ hội để những người bán hàng hoa, cây cảnh có nơi kinh doanh ổn định mỗi khi Tết đến, xuân về.

- ----------------------------------------------------
ý kiến: Nên rà soát, thay thế trạm biến áp cũ trên vỉa hè

Thực hiện chủ trương hạ ngầm lưới điện, cáp viễn thông, xóa “rác trời”, nhiều tuyến phố đã trở nên thông thoáng ở trên cao. Về quy hoạch phát triển điện lực thành phố những năm tiếp theo sẽ hướng tới xóa các cột điện trên các tuyến phố, thay thế bằng những trạm biến áp được xây dựng theo công nghệ hiện đại, bảo đảm phù hợp với việc xây dựng Hà Nội xanh - sạch - đẹp.

Hiện nay, trên nhiều vỉa hè đã xuất hiện những trạm biến áp được xây dựng theo công nghệ mới, hiện đại. Với các tuyến đường mới xây dựng, mở rộng như Ô Chợ Dừa, Thanh Nhàn… nhìn rõ ngay sự đồng bộ của hạ tầng, các trạm biến áp bằng nhau, đặt thẳng tắp trên vỉa hè.

Tuy nhiên, việc hạ ngầm còn diễn ra trên nhiều tuyến đường phố cũ, nơi có diện tích vỉa hè nhỏ hẹp, không đồng đều nên việc lắp đặt trạm biến áp một số nơi còn chưa mang lại vẻ đẹp như mong muốn: Cái đặt sát đường, cái lại áp sát tường nhà dân. Đặc biệt phải kể đến một số tuyến đường như Trần Duy Hưng, Nguyễn Chánh có những trạm biến áp đặt gần sát nhau, trong đó một cái mới bên cạnh một cái cũ kỹ, hoen gỉ phần vỏ ngoài, mất cánh cửa đóng mở; thậm chí còn đổ gục xuống khiến nhiều người qua lại không hiểu nó có còn hoạt động không.

Vì vậy, ngành chức năng cần rà soát, sửa chữa, thay thế thiết bị hỏng và có cảnh báo để người dân tránh xa nguy hiểm. Nếu không còn sử dụng được nữa thì hãy dỡ bỏ để trả lại vỉa hè thông thoáng. Đó cũng là một trong những việc làm cần thiết để giữ gìn Hà Nội xanh - sạch - đẹp.

Ngọc Hạ (Quận Đống Đa)
Theo HNM
Bạn đang đọc bài viết “Lá phổi xanh” của quận Hà Đông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.