Thứ tư, 24/04/2024 05:12 (GMT+7)

Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật là đe dọa môi trường

MTĐT -  Thứ năm, 07/06/2018 11:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn là mối nguy hại đối với sức khỏe con người.

Vẫn lạm dụng thuốc BVTV

Vụ việc cả trăm người dân ở Mộc Châu (Sơn La) bị ngộ độc vì uống nước nhiễm thuốc diệt cỏ từ các mó nước nằm dưới sườn núi, xung quanh là các nương ngô, sắn, vừa qua đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Trong lĩnh vực trồng trọt, thuốc BVTV có vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững năng suất, chất lượng cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, bà con nông dân thường có kiến thức hạn chế về các loại hoạt chất trong thuốc BVTV, dẫn tới tình trạng sử dụng thuốc BVTV thiếu hiệu quả và an toàn, làm tăng chi phí sản xuất và nguy cơ mất ATTP, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường.

Thuốc bảo vệ thực vật được bày bán ở chợ vùng cao

Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở nước ta đến năm 2013 đã lên tới 1.643 hoạt chất, trong khi, các nước trong khu vực chỉ có khoảng từ 400 đến 600 loại hoạt chất, như Trung Quốc 630 loại, Thái Lan, Malaysia 400-600 loại. Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, quý I.2018, Việt Nam chi hơn 208 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu thuốc trừ sâu, hơn 50% giá trị nhập khẩu là từ Trung Quốc. Trung bình Việt Nam chi hơn 52 tỷ đồng/ngày để nhập các mặt hàng thuốc trừ sâu, BVTV.
Kết quả điều tra mới đây nhất của các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã phát hiện thêm 409 khu vực bị ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu. Hầu hết nằm ở địa bàn các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Một nghiên cứu của Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam cho thấy lượng thuốc BVTV còn bám lại trên vỏ bao bì bình quân chiếm 1,85% tỷ trọng bao bì. Trong khi đó, người dân hoàn toàn không có ý thức xử lý lượng thuốc BVTV còn tồn lại trên vỏ bao bì. Có tới hơn 65% những người dân được hỏi khẳng định họ vứt vỏ bao bì ngay tại nơi pha thuốc.
Hiện đại đa số nông dân vẫn dựa vào thuốc BVTV hóa học là chính, tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học đạt rất thấp. Trong khi đó, các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật an toàn, hiệu quả trong BVTV chậm được nhân rộng... nên việc mất an toàn khi sử dụng thuốc BVTV vẫn tồn tại từ rất lâu cho đến nay.
Trả lời trên tờ Dân Việt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay: "Công tác BVTV cũng như sử dụng thuốc BVTV là một trong những nhóm giải pháp quan trọng để chúng ta có được sản lượng, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, nếu thuốc BVTV không quản lý đúng sẽ có mặt trái, tạo ra nông sản không sạch, ảnh hưởng đến sức khỏe của đối tượng tham gia sản xuất là người nông dân, ảnh hưởng đến môi trường và làm suy giảm hệ sinh thái".

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Do đó, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc BVTV cần phải tiếp tục siết chặt hơn nữa. Hiện mỗi năm chúng ta sử dụng khoảng 100.000 tấn thuốc BVTV, con số này cần giảm đi trong thời gian tới. Vừa qua, chúng ta đã nỗ lực loại bỏ hơn 1.000 đầu sản phẩm thuốc BVTV, trong thời gian tới sẽ phải tiếp tục rà soát để giảm nhanh các loại thuốc hóa học gây độc hại, đặc biệt là thuốc trừ cỏ. Nhóm thuốc trừ sâu, trừ bệnh cũng giảm mạnh những sản phẩm có tính độc hại cao, không thân thiện với môi trường.

Chế tài nào cho việc lạm dụng?

Với lượng thuốc BVTV sử dụng rất lớn, ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu gây ra tại Việt Nam đang trở nên ngày một nghiêm trọng hơn.
 
Để khắc phục những mặt tồn tại của thuốc BVTV, các cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm soát tốt việc sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất BVTV. Loại bỏ dần những thuốc BVTV độc hại, lạc hậu, khuyến khích sử dụng thuốc BVTV sinh học, thuốc BVTV thế hệ mới, thuốc bảo quản rau, quả an toàn.

Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ và sử dụng thuốc BVTV một cách có ý thức. Khuyến khích, mở rộng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và các chương trình IPM, ICM, chương trình canh tác lúa cải tiến (SRI), 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, đẩy mạnh chương trình khuyến nông, sản xuất cây trồng an toàn theo quy trình VietGAP… Qua đó, giúp nông dân phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Tình trạng lạm dụng thuốc BVTV đang trở lên báo động.

Năm 2017, Bộ NNPTNT đã phối hợp với lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý hơn 5 tấn thuốc BVTV.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Vừa qua, chúng tôi đã kiểm tra và bắt giữ gần 2 tấn thuốc BVTV nhập lậu và sẽ xử lý đúng theo quy trình. Chúng ta không có lý gì để nói không có chế tài xử lý, đây là ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ các cấp, những người liên quan".

Bộ NNPTNT đã đưa ra 7 nhóm giải pháp tổng thể và tới đây phải tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, những việc phải tập trung làm ngay là kiểm soát chặt chẽ tổng thể lượng thuốc BVTV, giảm về cơ học số lượng thuốc BVTV sử dụng hàng năm. Theo đó, cần tập trung đầu tiên vào nhóm thuốc trừ cỏ, đặt ra lộ trình kiểm soát, rà soát những gốc độc để thực hiện giảm ngay.

Tiếp nữa, cần phải tập trung giảm nhanh các nhóm thuốc trừ sâu, trừ bệnh, nhóm có độc tố cao không còn phù hợp với sinh thái. Nhóm thuốc sử dụng rất nhiều trên một đối tượng cây trồng cũng cần phải giảm.

Các cơ quan liên quan cũng cần kiểm soát chặt thuốc nhập lậu qua biên giới, bởi chúng ta không kiểm soát được chất lượng, quá trình ứng dụng và đưa vào sử dụng của những loại thuốc này.

Những hình ảnh "biết nói" trong việc lạm dụng thuốc BVTV.

Bên cạnh đó, phải chấn chỉnh mạng lưới đại lý thuốc BVTV hoạt động công khai minh bạch, Nhà nước phải quản lý thông qua các chi cục BVTV địa phương. Đối với người sản xuất, cần tuyên truyền cho bà con tham gia vào sản xuất chuỗi, hợp tác xã kiểu mới. Khi hình thành vùng sản xuất sẽ có các kỹ sư hướng dẫn nông dân tuân thủ nguyên tắc sử dụng đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng đối tượng. Lượng thuốc BVTV sẽ giảm nhanh nếu các cơ quan chức năng, quản lý làm nghiêm, kiểm soát chặt.

Để thay thế các sản phẩm thuốc BVTV độc hại, chúng ta sẽ hướng các nhà sản xuất, các nhà phân phối, người sử dụng dùng các sản phẩm thân thiện môi trường như sử dụng lá xoan, tỏi, ớt làm thuốc trừ sâu… Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp khảo nghiệm nghiên cứu, mở rộng sản xuất các nhóm thuốc sinh học này để thay thế dần nhóm thuốc hóa học.

Phan Ngân

Bạn đang đọc bài viết Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật là đe dọa môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới