Thứ năm, 28/03/2024 17:37 (GMT+7)

Loay hoay xử lý tro, xỉ nhà máy nhiệt điện

MTĐT -  Thứ sáu, 21/08/2020 08:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thông số bụi đo được tại một số khu vực cạnh nhà máy vượt từ 1,19 đến 1,63 lần, tiếng ồn vào ban đêm vượt 1,05 lần so với quy chuẩn.

Một đoàn công tác của Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa khảo sát hiện trạng môi trường ở 4 nhà máy tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Các nhà máy này đang vận hành, hiện lưu trữ gần 10 triệu tấn tro, xỉ chưa có đầu ra, gây mối lo về ô nhiễm môi trường xung quanh.

Ô nhiễm vượt 1,63 lần

Kể từ khi các nhà máy thuộc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đi vào hoạt động, người dân sinh sống tại thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân luôn đặt trong trạng thái báo động về ô nhiễm môi trường. Tình trạng phát tán tro, xỉ, nhất là khi mùa gió chướng thổi mạnh, khiến người dân vô cùng lo lắng. Bà Nguyễn Thị Nga, trú thôn Vĩnh Phúc, bức xúc: "Nhà tôi cách Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 không xa, hằng ngày chúng tôi phải sống chung với bụi than rất khó chịu, cuộc sống bị đảo lộn".

Việc xử lý tro, xỉ hiện chủ yếu theo phương thức chôn lấp

Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy bụi và tiếng ồn phát sinh từ các nhà máy nơi đây đã ảnh hưởng đến cuộc sống của khu vực dân cư 2 thôn Vĩnh Phúc và Vĩnh Tiến. Theo kết quả phân tích mẫu không khí xung quanh các vị trí cách 130-180 m so với tường rào Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng (khu vực dân cư thôn Vĩnh Phúc), thông số bụi đã vượt từ 1,19-1,63 lần so với Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh; tiếng ồn vào ban đêm vượt 1,05 lần so với Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn. Do đó, đoàn công tác đã yêu cầu các nhà máy này thực hiện ngay các giải pháp khắc phục, kiểm soát tình hình ô nhiễm.

Bộ TN-MT cũng đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tăng cường cơ chế giám sát, công khai thông tin, cập nhật chính xác về công tác vận hành các công trình bảo vệ môi trường và ứng phó sự cố chất thải; bổ sung cơ chế giám sát của chính quyền địa phương và đại diện cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường các nhà máy.

Nhu cầu tận dụng làm đường giao thông ít

Tổng công suất 4 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động là gần 4.300 MW. Trong quá trình vận hành, các nhà máy điện than này đã thải ra số lượng khổng lồ tro, xỉ nhưng vẫn loay hoay, chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả.

Việc thí điểm phương án sử dụng tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện để đổ nền làm đường giao thông cũng chỉ chiếm một khối lượng rất nhỏ. Đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận cho biết qua tận dụng tro, xỉ để làm đường giao thông thì chỉ cho phép sử dụng vào 2 trường hợp. Thứ nhất là đắp nền đường ở chiều sâu 80-100 cm kể từ đáy kết cấu áo đường trở xuống và không được sử dụng ở những khu vực trũng thấp, đầm lầy hoặc nước ngầm bên dưới. Thứ hai là sử dụng tro bay để làm mặt đường bê-tông xi-măng đầm lăn nhưng theo quy chuẩn, tro bay thay thế phụ gia khoáng có khối lượng rất thấp, chỉ khoảng 5% khối lượng nên chưa thể góp phần giải quyết khối lượng tro, xỉ thải ra quá lớn hiện nay.

Ông Hà Lê Thành Chung, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, cho biết lượng tro, xỉ phát sinh trong quá trình vận hành Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân chủ yếu được thu gom, chôn lấp và tái sử dụng, phương án tái sử dụng để làm vật liệu xây dựng vẫn chưa thiết thực. Nguyên nhân là do các nhà máy nhiệt điện cách xa các cơ sở sản xuất

xi-măng và những nơi tiêu thụ vật liệu xây dựng lớn ở khu vực phía Nam như TP HCM, Đồng Nai... nên vận chuyển khó khăn, chi phí tăng. "Các cơ sở tái sử dụng tro, xỉ trong tỉnh Bình Thuận và các khu vực phụ cận còn ít, năng lực tiếp nhận để tái sử dụng yếu do người dân địa phương chưa quen sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng" - ông Chung nói. Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân, trước những lo ngại về bụi tro, xỉ khi việc xử lý vẫn chưa có hiệu quả, chính quyền địa phương phải tổ chức giám sát chặt tình hình ô nhiễm tại đây. "Một tuần 2 lần, chúng tôi cử lực lượng kiểm tra mức độ môi trường và phản ánh của các hộ dân sống xung quanh nhà máy. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức 2 đợt cho người dân trực tiếp kiểm tra các bãi xỉ cũng như công tác môi trường bên trong các nhà máy" - ông Tâm nói. Đầu tháng 8 vừa qua, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã trang bị hệ thống quan trắc tự động thông số môi trường và các quy trình ứng phó xử lý môi trường để truyền đến lãnh đạo địa phương và cơ quan giám sát. Nhà máy cũng lắp đặt bảng điện tử về thông số môi trường tại cổng nhà máy để chính quyền và người dân có thể xem trực tiếp, đánh giá các thông số về môi trường.

Bộ TN-MT cũng đề nghị tỉnh Bình Thuận và đề xuất Chính phủ khuyến khích các tỉnh lân cận như Ninh Thuận, Đồng Nai và các tỉnh Tây Nguyên dùng tro, xỉ đã được công nhận hợp chuẩn, hợp quy làm vật liệu san lấp cho các công trình. Tỉnh Bình Thuận cần sớm xem xét di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi bụi, tiếng ồn để tạo hành lang an toàn môi trường xung quanh. Sau khi hoàn thành việc di dời dân, tiến hành cải tạo thành khu cây xanh cảnh quan để giảm thiểu ảnh hưởng của bụi, tiếng ồn phát sinh.

Các bãi chứa cũng đang quá tải

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, đến hết tháng 5 vừa qua, tổng lượng tro, xỉ đang lưu chứa tại bãi của 4 nhà máy nhiệt điện ở tỉnh này là gần 10 triệu tấn, tập trung nhiều ở Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và Vĩnh Tân 2 với hơn 9,4 triệu tấn tro, xỉ. Dù lượng tro, xỉ phát sinh từ quá trình hoạt động của các nhà máy nhiệt điện rất lớn nhưng các chủ đầu tư vẫn chỉ áp dụng giải pháp chủ yếu là chôn lấp tại bãi thải xỉ. Trong khi đó, các bãi chứa cũng đang quá tải.

Theo Người lao động

Bạn đang đọc bài viết Loay hoay xử lý tro, xỉ nhà máy nhiệt điện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.