Thứ sáu, 19/04/2024 13:19 (GMT+7)

Lời hứa Nam Sơn

Lam Vy -  Thứ ba, 29/09/2020 15:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bao nhiêu năm đằng đẵng gánh chịu, đáng buồn là những người dân sống quanh bãi rác Nam Sơn tin vào hiệu quả của việc chặn xe rác hơn những điệp khúc hứa hẹn của chính quyền.

Hơn 3.800 nhân khẩu đang sống gần bãi rác Nam Sơn luôn sống trong nỗi khiếp sợ vì ô nhiễm môi trường. Sau mỗi đêm xe rác lũ lượt kéo về, thì sáng hôm sau ánh mặt trời lại soi rõ những vệt nước rỉ rác từ đoàn xe chảy ra đen kịt mặt đường. Người dân mặt mày xây xẩm bắt đầu ngày mới với mùi xú uế quen thuộc bốc lên. Sau mỗi đêm xe rác lũ lượt kéo về thì sáng hôm sau ánh mặt trời lại soi rõ những vệt nước rỉ rác từ đoàn xe chảy ra đen kịt mặt đường.

Dù những năm qua, chính quyền TP Hà Nội đã có nhiều chính sách ưu đãi cho người dân vùng ô nhiễm như gửi tiền trợ cấp theo đầu người, ưu đãi về dịch vụ y tế, miễn phí nước sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng... nhưng tất cả không thấm vào đâu so với nỗi khổ sở mà người dân phải chịu đựng. Qua nhiều lần tiếp xúc, người dân Nam Sơn luôn mong đợi được di dời khỏi vùng ô nhiễm càng sớm càng tốt.

Chính quyền TP Hà Nội cũng thấy việc di dời người dân ra xa bãi rác là giải pháp tất yếu. Điều này được cụ thể hóa bằng việc cựu Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung về địa phương năm 2016 và tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc di dời, tái định cư cho các hộ dân trong vòng bán kính 500 m quanh bãi rác. Nhưng rồi đến nay đã ròng rã 4 năm, lời hứa của lãnh đạo thành phố chẳng thấy đâu. Dân Nam Sơn không biết làm gì ngoài tiếp tục chờ đợi.

Kể từ tháng 7/2017 đến tháng 7/2020, có tới 7 lần người dân Nam Sơn phải nhắc lại lời hứa của thành phố bằng hành động chặn lối vào bãi rác, mỗi lần như vậy, cả Hà Nội lại rơi vào cảnh kinh hoàng khi mỗi con phố, mỗi tuyến đường đều ngập tràn trong rác. Có thể nói ngoài URENCO là có phương án bãi dự trù, các công ty môi trường còn lại đều rơi vào cảnh điêu đứng, có trường hợp đổ thẳng ra vỉa hè Hà Đông như công ty Minh Quân.

Kể từ tháng 7/2017 đến tháng 7/2020, có tới 7 lần người dân Nam Sơn phải nhắc lại lời hứa của thành phố bằng hành động chặn lối vào bãi rác.

Ai cũng biết quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn TP Hà Nội (ban hành ngày 3/6/2013) có nêu rõ khoảng cách an toàn từ điểm/bãi chôn lấp rác thải đến khu vực dân cư tập trung, trường học, bệnh viện, các nguồn nước sông, hồ… tối thiểu là 500 m, nhưng ở Nam Sơn thì không như vậy, người dân phải ở sát với bãi, ăn ở chung với ruồi nhặng mỗi ngày.

Cuối năm 2017, UBND huyện Sóc Sơn đã ký 3 quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư để di dời người dân 3 xã trong vùng ô nhiễm bán kính 500 m.

Ở Nam Sơn, người dân phải ở sát với bãi, ăn ở chung với ruồi nhặng mỗi ngày.

Tại thời điểm đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn - ông Đỗ Minh Tuấn cho biết, ba khu tái định cư trên được xây dựng trên quỹ đất của ba xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ. Về cơ bản đã giải phóng mặt bằng xong, đang làm hạ tầng trên đất tuy nhiên do thiếu kinh phí nên mới kéo dài. Huyện Sóc Sơn dự kiến kinh phí để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho hơn 2.000 hộ dân là khoảng 3.400 tỷ đồng.

Theo đó, việc di chuyển các hộ dân, bố trí tái định cư được thực hiện từ tháng 7 đến cuối năm 2019. Đại diện Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng Sóc Sơn cho biết, người dân có thể lựa chọn nhận tiền đền bù hoặc chuyển đến các khu tái định cư nằm gần đường 35. Đây là những khu đất đã được Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội phê duyệt, đảm bảo hạn chế mùi và không có xe rác đi qua. Hiện 3 xã nằm trong diện ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn bao gồm: Hồng Kỳ, Bắc Sơn và Nam Sơn.

Theo phương án di chuyển, người dân xã Hồng Kỳ sẽ được di chuyển đến khu tái định cư cách bãi rác hơn 1,3km. Khu tái định cư của xã Bắc Sơn sẽ được quy hoạch tại thôn Nam Lý cách bãi rác 3km. Trong khi đó, các thôn trong xã Nam Sơn lại được bố trí ở các khu tái định cư khác nhau. Người dân thôn Đông Hạ, Hoa Sơn và Xuân Thịnh sẽ được chuyển đến các vị trí cách bãi rác lần lượt là: 1km, 4km và 7km.

Thời gian dự kiến triển khai việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, trước ngày 30/3/2019 UBND huyện Sóc Sơn phải tiến hành việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân theo thẩm quyền, đảm bảo tiến độ chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân từ quý II/2019. Dù vậy, đến nay đã là tháng 9/2020, các mục tiêu nêu trên hoàn toàn không có động thái khởi động. Dân Nam Sơn lại phải đợi.

20 năm gánh chịu mùi hôi thối từ rác thải của thủ đô, thực trạng đáng buồn là những người dân sống quanh bãi rác Nam Sơn tin vào hiệu quả của việc chặn xe rác hơn những điệp khúc hứa hẹn của chính quyền. Cựu Chủ tịch đã hứa nhưng không làm được, mong chờ xử lý dứt điểm bế tắc ở bãi rác Nam Sơn, xây các nhà máy xử lý rác mới và di chuyển người dân ra khỏi vùng ô nhiễm chính là một trong những nhiệm vụ mà dân Nam Sơn trông chờ tân Chủ tịch Hà Nội cần phải làm, thay vì thêm vài lời hứa.

Bạn đang đọc bài viết Lời hứa Nam Sơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?