Thứ năm, 28/03/2024 22:54 (GMT+7)

Luật sư: Khó đòi Rạng Đông bồi thường 1 tỷ/lít máu nhiễm thủy ngân

MTĐT -  Thứ tư, 06/11/2019 11:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nói về khoản bồi thường 1 tỷ đồng cho mỗi lít máu bị nhiễm 0,1 microgram thủy ngân, luật sư Cường cho rằng, yêu cầu này rất khó để chứng minh đó là thiệt hại thực tế.

Sau 2 tháng xảy ra vụ cháy, mới đây, đại diện khu đô thị 54 Hạ Đình (Hà Nội) đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, đề nghị can thiệp việc Công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông từ chối chi trả các khoản bồi thường mà người dân yêu cầu sau khi chịu ảnh hưởng từ vụ cháy nhà xưởng hôm 28/8.

Theo đơn kiến nghị, khu đô thị 54 Hạ Đình là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thủy ngân rò rỉ từ vụ cháy. Sau vụ cháy, 95% hộ dân đã phải di tản, hiện nay 80% hộ dân đã quay về.

Các hộ dân yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường về vật chất và tinh thần cho người dân và di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư cũng như hoàn tất quá trình tẩy độc, dọn dẹp, đảm bảo quy định an toàn về môi trường, sức khỏe cho người dân.

Đáng chú ý, người dân yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường tổn thất tinh thần với số tiền 60 triệu đồng/người, bồi thường 1 tỷ đồng cho mỗi lít máu bị nhiễm 0,1 microgram thủy ngân.

Người dân tại khu đô thị 54 Hạ Đình yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường 1 tỷ/lít máu bị nhiễm 0,1 microgram thủy ngân.

Liên quan đến mức bồi thường mà người dân đưa ra, trao đổi với báo Kiến thức, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi có lỗi, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải bồi thường, mức bồi thường là thiệt hại thực tế phát sinh trên cơ sở các căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định pháp luật và phụ thuộc một phần vào khả năng bồi thường thiệt hại của người gây thiệt hại.

Bộ Luật dân sự quy định, trường hợp cá nhân, tổ chức sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ như phương tiện giao thông, chất độc, chất cháy, hóa chất, gia súc... gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác mà không có lỗi thì vẫn phải bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân.

Bởi vậy, vụ việc hỏa hoạn, gây ô nhiễm môi trường của công ty Rạng Đông gây thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của nhiều hộ dân sống xung quanh là căn cứ để các hộ dân yêu cầu công ty này phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại về sức khỏe và tài sản đã gây ra cho họ.

Tuy nhiên, nói về khoản bồi thường 1 tỷ đồng cho mỗi lít máu bị nhiễm 0,1 microgram thủy ngân, luật sư Cường cho rằng: "Yêu cầu này rất khó để chứng minh đó là thiệt hại thực tế. Tất cả những chi phí cứu chữa, phục hồi chức năng phải là những hóa đơn, chứng từ do bệnh viện, đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, nhà thuốc xác nhận hoặc những chứng cứ khác có thể được chấp nhận theo quy định pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Trường hợp đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng không chứng minh được thiệt hại đó đã xảy ra trên thực tế, không chứng minh được mức thiệt hại mà không có sự thỏa thuận thì tòa án cũng sẽ không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại đó.

“Bởi vậy, riêng đối với khoản này thì người dân cần cân nhắc nếu phải khởi kiện đến tòa án. Trong trường hợp khởi kiện thì người khởi kiện phải có nghĩa vụ cung cấp tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Trong trường hợp không chứng minh được thì tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện”, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

Liên quan đến vấn đề bồi thường, từng trao đổi với VietnamNet, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh) cho biết, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, có hai quy định trong bộ luật Dân sự liên quan đến vấn đề bồi thường trong vụ cháy đã xảy ra. Quy định thứ nhất là tại điều 601 về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Quy định thứ hai là tại điều 602 về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường. Theo cả hai quy định này, người chịu trách nhiệm bồi thường là công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Tuy nhiên, để có thể yêu cầu bồi thường, đầu tiên cần phải có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về mức độ ô nhiễm môi trường. Tiếp đó người dân cần phải chứng minh thiệt hại mà họ đang phải gánh chịu do ảnh hưởng của vụ cháy.

Thiệt hại ở đây là thiệt hại thực tế và chi phí khắc phục thiệt hại phải hợp lý. Ví dụ như chuyển nơi ở mới tới một nơi sang trọng, đắt đỏ sẽ khó được coi là hợp lý.

Hoặc chuyển trường học mới phải mất các khoản tiền không nằm trong danh mục được Nhà nước công nhận thì cũng sẽ không được chấp nhận…

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Luật sư: Khó đòi Rạng Đông bồi thường 1 tỷ/lít máu nhiễm thủy ngân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.