Thứ ba, 23/04/2024 16:23 (GMT+7)

Miền Tây ứng phó với hạn mặt, vì sao khó?

MTĐT -  Thứ sáu, 20/03/2020 15:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vì gộp chung nước sinh hoạt với nước sản xuất nên đầu tư cho thủy lợi hàng nghìn tỷ nhưng không có mục tiêu nào được đáp ứng.

Miền Tây đang trải qua đợt hạn mặn được coi là gay gắt bậc nhất lịch sử. Tình huống khẩn cấp khiến chủ tịch 5/13 tỉnh trong vùng gồm: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Long An đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai để tìm giải pháp ứng phó.

Đứng trước tình hình trên, Ths Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL cho rằng, người dân phải thích ứng với hạn mặn, thay vì chống mặn thì phải tìm cách né mặn. Về lâu dài, để giải quyết bài toán hạn mặn ở ĐBSCL, theo ông, trước hết phải tách chuyện nước sinh hoạt và sản xuất ra làm riêng biệt, không nhập nhằng như trước đây nữa.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở NN-PT-NT nhiều địa phương cho rằng giải pháp trên không khả thi, khó tách riêng nước sinh hoạt khỏi nước sản xuất do chi phí cao, phức tạp.

Ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở NN-PT-NT Kiên Giang cho biết, tách nước sinh hoạt khỏi nước sản xuất là không khả thi. Ông Tâm giải thích, hiện nay cả nước sinh hoạt và nước sản xuất đều được lấy chung từ nguồn nước ngầm tự nhiên.

Miền Tây căng mình ứng phó với hạn mặn. Ảnh: Tinmoi247

Trong bối cảnh hạn hán chung, nguồn nước ngầm cũng bị cạn kiệt. Trong khi để bảo nguồn nước ngọt cho người dân sinh hoạt, nhà máy xử lý nước phải tận dụng mọi nguồn nước ngọt, kể cả lấy lại nước sản xuất để xử lý.

Một lãnh đạo khác của sở này nói thêm, chiến lược phát triển thuỷ lợi phải bảo đảm phục vụ đa mục tiêu, phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ... vì thế, không thể tách riêng nước sản xuất với nước sinh hoạt.

Vị này nhấn mạnh, càng chia nhỏ các dự án sẽ càng làm rối trong quản lý vận hành, bởi mỗi một mục tiêu sẽ phải có một đơn vị quản lý, vận hành, thêm vào đó là chi phí bỏ ra vô cùng tốn kém.

Nêu khó khăn tương tự, ông Lê Thanh Triều - Giám đốc Sở NN-PT-NT Cà Mau cho rằng, tách nước sinh hoạt khỏi nước sản xuất rất tốn kém, khó khăn, không khả thi.

Trái ngược với những quan điểm trên, ông Trịnh Công Minh - Phó Giám đốc Sở NN-PT-NT Tiền Giang cho biết, tách nước sinh hoạt khỏi nước sản xuất là yêu cầu bắt buộc và Tiền Giang đã làm từ lâu.

Theo ông Minh, Bộ Y tế có quy định rất rõ về tiêu chuẩn đối với nước sinh hoạt và nước sản xuất, không thể lẫn lộn.

Với nước sinh hoạt, ông Minh cho biết Tiền Giang đã sử dụng hệ thống ống dẫn nước từ nhà máy xử lý nước sạch tập trung dẫn trực tiếp tới từng hộ gia đình. Tính tới cuối năm 2019, việc kéo nước ngọt từ các nhà máy xử lý nước tập trung phục vụ cho người dân đã đáp ứng được tới 94%, còn khoảng 6% các hộ dân ở những khu vực có địa hình khó khăn đang được tỉnh tìm phương án hỗ trợ cho người dân có nước sử dụng.

Còn với nước sản xuất, địa phương vẫn đang sử dụng hệ thống kênh, rạch đón nước mạch tự nhiên để phục vụ nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hạn mặn, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt nên nước phục vụ cho sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn. Riêng về nước sinh hoạt, do nhu cầu sử dụng tăng cao, nguồn nước ngầm suy giảm nhưng tỉnh vẫn bảo đảm cấp đủ nước cho người dân sinh hoạt.

Vì sao khó?

Trước những quan điểm trái chiều của lãnh đạo Sở NN-PT-NT các địa phương, Ths Nguyễn Hữu Thiện đã có lý giải rõ hơn quan điểm của mình.

Theo đó, ông Thiện giải thích, gộp các mục tiêu ngăn mặn, trữ ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt vô tình làm mất đi chức năng tự xử lý của dòng chảy, khiến dòng chảy dẫn nước ngọt bị yếu đi.

Thêm vào đó, dòng chảy lại còn phải tiếp nhận thêm một lượng phân bón, thuốc trừ sâu rất lớn, nguy cơ ô nhiễm cao, không thể sử dụng cho sinh hoạt.

Vì những lý do trên, ông cho rằng yêu cầu phải tách nước sinh hoạt ra khỏi nước sản xuất là tất yếu, buộc phải làm.

Việc này theo vị chuyên gia không khó khăn, phức tạp, bởi tổng nhu cầu nước sử dụng cho sinh hoạt chiếm tỉ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 5% trong tổng 100% nhu cầu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Với tỉ lệ 5%, nước sinh hoạt mỗi hộ có thể làm ao chứa nước hay áp dụng các công nghệ nano, dùng túi vải địa chất để chứa cho cách biệt, an toàn.

"Lâu nay cứ gọi chung là dự án đầu tư cho thủy lợi với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó luôn có mục tiêu ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt... Chính vì gộp chung một nhóm như vậy nên người ta cứ lấy lý do này để làm cái kia, rất tốn kém, không hiệu quả.

Mà cuối cùng mới lộ ra rằng, đầu tư cho thủy lợi hàng nghìn tỷ nhưng không có mục tiêu nào được đáp ứng.

Người dân vẫn phải tận dụng nước ngầm, tích trữ bằng lu, thùng để sử dụng chứ không sử dụng được nước từ dự án. Trong khi đó, nước sản xuất cũng không có đủ để phục vụ bà con nông dân", ông Thiện nói.

Ông Thiện nói thêm, cơ quan quản lý nhà nước cần rõ ràng hơn, tách riêng các mục tiêu trong dự án để có giải pháp xử lý hiệu quả, không nên gắn chung vào chức năng đa mục tiêu của thủy lợi vừa gây lãng phí tiền ngân sách vừa không hiệu quả.

"Tôi thấy khó hiểu trước những lý do kêu khó của các địa phương. Tôi không nói rằng phải tách hệ thống cống, đập, kênh, rạch dẫn nước ngầm đang có ra thành hai hệ thống mà nói phức tạp, tốn kém.

Chỉ cần có chương trình đáp ứng riêng mục tiêu nước sinh hoạt bằng cách áp dụng các công nghệ nano, dùng túi vải địa chất, hồ ao... để chứa nước an toàn cho người dân là được. Đầu tư các thiết bị lọc nước, máy móc cho việc này không hề tốn kém, phức tạp gì.

Người dân cũng có thể áp dụng các biện pháp dân gian, việc này người dân đã có kinh nghiệm và làm từ lâu. Vấn đề là địa phương có quyết tâm, có muốn làm, có đưa ra cảnh báo, khuyến cáo, tuyên truyền và khuyến khích người dân làm hay không thôi", ông Thiện nói.

Về lâu dài, vị chuyên gia cho rằng phải đi theo Nghị quyết 120, tìm cách né hạn mặn thay vì chống. Theo đó, vị chuyên gia đề xuất nên giảm trồng lúa ở vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên để mùa nước có chỗ nước lũ vào, đồng ruộng hấp thu nước. Đến mùa khô, nước từ từ rỉ ra bổ sung giúp cho vùng cửa sông cân bằng mặn, ngọt.

Ngoài ra, ông đề cập tới giải pháp xử lý các dòng cát tại vùng phía Đông cửa sông Cửu Long. Đây là khu vực có nhiều dòng cát đặc thù có chức năng chứa nước tầng nông, nhờ thế, người dân sinh sống quanh khu vực này không bao giờ thiếu nước ngọt.

Tuy nhiên, do dòng cát khu vực này bị lấn, san phẳng đã làm mất đi chức năng trữ nước.

Vì thế, tới đây cần phải tính tới phương án gìn giữ, phục hồi những dòng cát tại khu vực này để trữ nước. Nếu làm tốt có thể đạt được một lúc hai mục đích, một là cung cấp dịch vụ hệ sinh thái, có thu phí, bởi đây là những dòng cát thiên nhiên quý có chức năng cung cấp nước ngầm. Giá trị của việc bảo tồn các dòng cát này nhiều khi còn lớn hơn cả nguồn thu từ trồng lúa. Hai là, bổ cập nước ngầm tầng nông cho các dòng cát ven biển cửa sông Cửu long, bảo đảm mục đích cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân.

Theo Đất Việt

Bạn đang đọc bài viết Miền Tây ứng phó với hạn mặt, vì sao khó?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới