Thứ bảy, 20/04/2024 02:29 (GMT+7)

Môi trường nông thôn: Ô nhiễm nhiều xử lý ít

MTĐT -  Thứ năm, 21/09/2017 15:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thực tế hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các vùng nông thôn đang ở mức báo động, trong khi đó, việc xử lý lại chưa đáng là bao.

Ô nhiễm chồng ô nhiễm

Có mặt tại các vùng nông thôn mới thấy người dân đang thiếu ý thức giữ vệ sinh môi trường do phong tục tập quán lạc hậu; thiếu nước sinh hoạt; thiếu quỹ đất để di dời chuồng trại gia súc và nghĩa trang. Những nhà vệ sinh tạm bợ, cũng như các chuồng trại gia súc ngay cạnh nhà, khiến nguồn nước ô nhiễm, phát sinh ruồi muỗi gây bệnh tật. Số liệu thống kê cho thấy, có tới 5% hộ gia đình (tập trung chủ yếu ở vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ) chưa có nhà tiêu và 12% hộ gia đình sử dụng cầu tiêu ao cá (chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam, ĐBSCL).

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn trở nên nghiêm trọng hơn khi người dân lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ có khoảng vài chục phần trăm thuốc bảo vệ thực vật được dùng đúng mục đích diệt sâu bệnh, còn đa phần là bốc lên trời, ngấm xuống đất làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Bao bì quăng, bỏ vãi khắp nơi từ ngoài đồng, bờ kênh bờ mương vào đường làng ngõ xóm. Thống kê của Cục Bảo vệ Thực vật cho thấy, mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng từ 70.000 đến hơn 116.000 tấn thành phẩm hóa chất BVTV. Ước tính, lượng bao bì chiếm khoảng 10% tổng số thuốc tiêu thụ, tức là số lượng bao bì, vỏ đựng thuốc BVTV lên tới hàng chục ngàn tấn mỗi năm. Lượng bao bì này không được thu gom đã gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái và là nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, khối lượng chất thải rắn của vật nuôi là hơn 82 triệu tấn, trong đó, chỉ khoảng 60% số chất thải này được xử lý, còn lại thường được xả trực tiếp ra môi trường. Đối với lĩnh vực thủy sản, đa số vùng nuôi không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải, việc kiểm soát môi trường ao nuôi, xử lý nước thải còn nhiều bất cập, hầu hết lượng chất thải này chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra ngoài…

Đẩy mạnh các hoạt động của tổ thu gom rác thải nông thôn. Ảnh: MH

Khó vì đâu?

Mỗi năm, khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt và khoảng 7.500 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Khoảng trên 80% khối lượng rác thải, nước thải sinh hoạt và hầu hết lượng vỏ bao bì thuốc BVTV chưa được thu gom để xử lý hợp vệ sinh.

Tại các vùng ven đô thị, vùng đồng bằng tập trung nhiều dân cư, việc thu gom, xử lý CTR sinh hoạt đang đặt ra nhiều thách thức lớn. Việc thu gom, xử lý cũng mới bước đầu được áp dụng đối với CTR sinh hoạt. Đối với các loại chất thải nguy hại và khó phân hủy, chủ yếu có nguồn gốc từ hoạt động của ngành nông nghiệp và các làng nghề, việc thu gom và xử lý hiện còn rất hạn chế và gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng môi trường. Các vùng ven đô thị, tỷ lệ này đạt khoảng 80%, nhưng ở một số vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ thu gom chỉ đạt dưới 10%.

Mặc dù, những năm gần đây, phong trào xã hội hóa hoạt động quản lý chất thải ở nông thôn đã phát triển ở nhiều địa phương nhưng hoạt động kém hiệu quả và không bền vững. Các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn chưa đủ năng lực để giải quyết trọn vẹn các vấn đề quản lý chất thải.

Theo các chuyên gia môi trường, để xử lý dứt điểm vấn đề môi trường nông thôn, phải trả lời được 3 câu hỏi: Ai làm, làm như thế nào và tiền ở đâu? Ngoài ra, phải cần “4 có”: Có tổ chức thu gom, xử lý theo hướng dịch vụ xã hội; có chính sách phù hợp để huy động nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp theo hướng dịch vụ công ích; có công nghệ hiện đại, xử lý triệt để, không tạo hậu quả sau xử lý; có quỹ chi cho hoạt động này”.

Tuy vậy, hiện nay, những câu hỏi trên vẫn còn bỏ ngỏ. Bởi chức năng quản lý Nhà nước về môi trường khu vực nông thôn giữa các ngành chưa có sự phân công rõ ràng; chính sách hỗ trợ cho các hoạt động quản lý chất thải nông thôn còn chưa thỏa đáng. Trong khi ở khu vực đô thị, các Công ty dịch môi dịch vụ môi trường đô thị là các doanh nghiệp công ích Nhà Nước, 80% kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà Nước, 20% do dân đóng góp, các tổ chức dịch vụ môi trường ở nông thôn kinh phí hoạt động chủ yếu từ nguồn thu phí dịch vụ môi trường do người dân đóng góp chỉ đủ để trả thù lao cho người thu gom rác với mức chỉ bằng 30 - 40% thu nhập của người thu gom rác ở đô thị. Điều này dẫn đến hạn chế trong việc  quản lý, thu gom rác thải.

Bởi vậy với Chủ đề “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững”, Bộ TN&MT một lần nữa đặt ra yêu cầu cần phải có những giải pháp khả thi khắc phục ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên.

Theo Báo TNMT

Bạn đang đọc bài viết Môi trường nông thôn: Ô nhiễm nhiều xử lý ít. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...