Thứ sáu, 29/03/2024 11:56 (GMT+7)

Mùi hôi 'quần thảo' khu Nam Sài Gòn: Nước xa không cứu được lửa gần

MTĐT -  Thứ tư, 04/07/2018 10:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đến hẹn lại lên, cư dân khu vực Nam Sài Gòn khoảng một tháng qua khốn khổ vì mùi hôi được cho là từ Khu Liên hợp xử lý rác Đa Phước do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư.

Trả lời báo chí sáng 3/7/2018, ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM (TNMT TP.HCM) thông tin nguyên nhân mùi hôi là do “biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các mùa (?)”. 

 Theo lãnh đạo sở TNMT TP.HCM, độ cao của bãi rác hiện khoảng 27m. Ảnh: TL

Theo người đứng đầu sở TNMT TP.HCM, lượng chất thải rắn sinh hoạt của TP.HCM cần xử lý mỗi ngày khoảng 8.900 tấn. Trong đó, Khu Liên hợp xử lý rác Tây Bắc (gồm công ty cổ phần Việt Star, công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM) xử lý 2.500 tấn, VWS xử lý hơn 5.000 tấn với công nghệ chôn lấp theo hợp đồng đã ký với thành phố. 

Khu Liên hợp xử lý rác Đa Phước đã chôn lấp 13 triệu tấn rác trên 24 triệu tấn rác theo công suất thiết kế. Độ cao của bãi rác hiện khoảng 27m, theo gió phát tán mùi hôi. Sở TNMT TP.HCM yêu cầu VWS tăng cường xịt hóa chất được sử dụng theo công nghệ chôn lấp, phân tán thời gian tiếp nhận rác…

Nhận định “công nghệ chôn lấp có tiên tiến cách nào chăng nữa” vẫn còn mùi hôi, ông Thắng nói: “Chỉ có giải pháp xử lý bằng đốt điện, giảm lượng rác chôn lấp mới giảm được mùi hôi”.

Ông Thắng cho biết thêm, thành phố đã điều chỉnh chỉ tiêu chôn lấp xuống dưới 50% (lượng rác) từ nay đến 2020. Riêng bãi Đa Phước, sở đề nghị VWS chuyển ngay sang đốt 2.000 tấn rác/ngày. Nhìn nhận công nghệ chôn lấp có thể phù hợp với thời điểm trước đây nhưng “trong quá trình phát triển thì buộc phải đổi mới công nghệ”, ông Thắng đề nghị phóng viên lưu tâm “tính lịch sử, hiện tại và tương lai” trong quá trình đưa tin.

Hồi đầu tháng 4.2018, Thanh tra Chính phủ công bố báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đơn tố cáo của công dân liên quan đến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước. Theo đó, “nội dung tố cáo của công dân cho rằng dự án áp dụng công nghệ chôn lấp không phải là công nghệ hiện đại, tiên tiến có một phần là đúng”. Về nội dung tố cáo dự án gồm công nghệ làm phân compost, tái chế nhưng thời gian hơn 8 năm qua chủ đầu tư đều đem rác đi chôn, Thanh tra Chính phủ khẳng định nội dung tố cáo này “là đúng”.

Nhận định lượng rác cần xử lý có thể tiếp tục tăng trong tương lai do áp lực tăng dân số và lượng khách du lịch đến thành phố, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, cho biết Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM cũng đã tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt điện. Sở này sẽ phối hợp với sở TNMT chuẩn bị dự án đầu tư cụ thể, tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. “Trong Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bí thư thành ủy kết luận làm càng nhiều (nhà máy xử lý rác) càng tốt, càng hiện đại càng tốt. Thậm chí, bí thư khuyến khích (cơ chế) mua dịch vụ. Nhà đầu tư cứ làm, giá dịch vụ phù hợp thì thành phố sẽ mua”, ông Hoan cho rằng nhiều nhà máy sẽ tạo ra cạnh tranh.

Xử lý rác thải sinh hoạt là nhu cầu cấp bách hằng ngày. Chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt có độ trễ. Việc xây dựng nhà máy mới không phải câu chuyện ngày một ngày hai. Những giải pháp kỹ thuật mà sở TNMT đang triển khai để xử lý mùi hôi ở khu Nam Sài Gòn vẫn chưa tạo ra những chuyển biến đáng kể. Nghĩa là có khả năng rất cao cư dân khu Nam Sài Gòn sẽ còn tiếp tục sống cạnh “cái hố ga” Đa Phước dài dài.

Theo Thượng Tùng - Trung Dũng

Người đô thị

Bạn đang đọc bài viết Mùi hôi 'quần thảo' khu Nam Sài Gòn: Nước xa không cứu được lửa gần. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới