Thứ sáu, 29/03/2024 00:26 (GMT+7)

Nan giải bài toán nước sạch nông thôn

MTĐT -  Thứ bảy, 17/05/2014 09:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tỷ lệ người dân khu vực nông thôn Hà Nội được sử dụng nước sạch hiện đang thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước, do công tác đầu tư không đồng bộ, không hiệu quả, dẫn đến tình trạng một số công trình cấp nước đã được xây dựng nhưng không sử dụng được, gây lãng phí lớn. Thành phố Hà Nội đang tìm giải pháp để tháo gỡ hiện trạng này, cải thiện việc cấp nước cho người dân các huyện ngoại thành.

Từ nhiều năm nay, người dân ở thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai) phải dùng nước ao Sen để phục vụ sinh hoạt. Để bơm nước từ ao đưa về nhà sử dụng, nhiều hộ dân phải đầu tư từ năm triệu đến bảy triệu đồng để mua máy bơm, lắp đặt đường ống dẫn nước dài hàng cây số, bể lọc tự chế tại nhà. Nhưng nước ao Sen không phải khi nào cũng đầy mà thường xuyên bị thiếu hụt vào mùa khô (từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau). Bởi vậy, người dân phải chuẩn bị cả bể chứa nước mưa. Trưởng thôn Ngọc Than Nguyễn Bá Hưng cho biết, thôn có 2.000 hộ dân, nhưng chỉ có từ 15% đến 20% số hộ có giếng khoan, số còn lại đang phải sử dụng nước ao Sen phục vụ sinh hoạt. Tương tự, đến xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất vào bất kỳ thời điểm nào cũng gặp cảnh người dân kéo xe cải tiến chở thùng đi mua nước. Bà Nguyễn Thị Cần, người dân xã Chàng Sơn chia sẻ, từ hàng chục năm nay, gia đình bà phải mua nước sinh hoạt với giá từ 10 nghìn đến 15 nghìn đồng/thùng (120 lít). Trung bình mỗi tháng, mỗi gia đình ở đây dùng tiết kiệm cũng hết từ 300 nghìn đến 500 nghìn đồng tiền nước. Xã Chàng Sơn có hơn 2.000 hộ dân thì có đến 60% số hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Đào Duy Tâm cho biết, không chỉ có các xã Ngọc Mỹ, Chàng Sơn thiếu nước sinh hoạt, mà còn có nhiều xã khác thuộc các huyện Chương Mỹ, Ba Vì cũng trong tình trạng tương tự. Có nơi người dân phải mua từ 40 nghìn đến 50 nghìn đồng/m 3 nước. Nguyên nhân là trước đây, việc đầu tư cho các dự án cấp nước sạch ở khu vực nông thôn chưa được quan tâm, dẫn đến tỷ lệ người dân khu vực này được sử dụng nước sạch thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Mặt khác, do công tác đầu tư không đồng bộ, không hiệu quả, dẫn đến tình trạng một số công trình cấp nước được xây dựng nhưng không sử dụng được, gây lãng phí lớn. Bên cạnh đó, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của thành phố đã được phê duyệt, nhưng thiếu vốn và nguồn lực. Việc đầu tư cho nước sạch cũng không thống nhất; có nơi xã đầu tư, có nơi huyện đầu tư, có nơi thành phố đầu tư, có nơi bộ đầu tư...

Mục tiêu của Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là đến năm 2015, 60% số dân khu vực nông thôn của Hà Nội được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Như vậy, trong năm 2014, thành phố phải giải quyết được 24,74% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch mới đạt mục tiêu đề ra.

Để đạt được mục tiêu đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch thực hiện. Trong đó tập trung vào các việc: Cải tạo, nâng cấp để phục hồi 16 trạm cấp nước đang đầu tư dở dang. Đầu tư xây dựng sáu trạm cấp nước liên xã tại những điểm đã được UBND thành phố phê duyệt. Tiếp tục đầu tư bảy trạm cấp nước liên xã bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Đầu tư 40 nghìn bể lọc cho các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về nước và cho các gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn. Đến thời điểm này, toàn thành phố đã làm được 10 nghìn bể lọc, đã giao cho doanh nghiệp chín trạm cấp nước dở dang. Đã lập dự án và trình UBND thành phố sáu dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên, khó khăn còn rất nhiều. Bởi năm nay, thành phố chưa bố trí vốn đầu tư sáu trạm cấp nước liên xã và xây các bể lọc nước. Các doanh nghiệp vào tiếp nhận các trạm cấp nước thi công dở dang gặp nhiều vướng mắc, vì thủ tục bàn giao khó; công trình làm cách đây năm, mười năm, không quyết toán được. Chưa kể các công trình cấp nước do xã chỉ địa điểm, không có hồ sơ cấp đất, không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến doanh nghiệp làm thủ tục đầu tư và ưu đãi đầu tư rất khó. Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ cho các trạm cấp nước thi công dở dang trong công tác xã hội hóa còn hạn chế...

Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình, phân loại đánh giá thực trạng các công trình, xử lý những công trình cấp nước yếu kém, không hiệu quả, triển khai mở rộng công trình được người dân đồng tình hưởng ứng. Bên cạnh đó, cần đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền đến các tầng lớp, các tổ chức hội về vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch. Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các nguồn vốn để sử dụng đạt hiệu quả, hoàn thành việc thẩm định, đánh giá hiện trạng một số trạm cấp nước để sớm bàn giao cho doanh nghiệp xử lý, khai thác. Sở Tài nguyên và Môi trường cần tích cực phối hợp tháo gỡ những khó khăn về giấy phép sử dụng đất.

NAM BẮC (NDĐT)
Bạn đang đọc bài viết Nan giải bài toán nước sạch nông thôn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.