Thứ năm, 25/04/2024 20:43 (GMT+7)

Năng lực kém vẫn tái trúng thầu, sau 'trùm' gom rác Minh Quân là ai?

MTĐT -  Thứ hai, 01/03/2021 08:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công ty Minh Quân rất thiếu kinh nghiệm, năng lực yếu kém trong lĩnh vực giữ gìn vệ sinh môi trường song vẫn tái trúng gói thầu 500 tỷ đồng ở quận Hà Đông.

Đầu tháng 1, trước những phản ánh của dư luận, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có văn bản yêu cầu thanh tra toàn diện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ cao Minh Quân (đổi tên là Tập đoàn Nam Hà Nội). Tuy nhiên, trước đó vài ngày, doanh nghiệp đầy "tai tiếng" đã kịp tái trúng gói thầu 500 tỷ đồng ở quận Hà Đông.

Năng lực yếu kém vẫn tái trúng thầu, 'trùm' gom rác Minh Quân của ai?

Nhà thầu quen mặt của Hà Nội

Từ năm 2017, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ cao Minh Quân (đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội vào đầu tháng 11/2020), nổi lên như một "ông trùm" trong lĩnh vực thu gom rác ở Hà Nội, thông qua việc trúng hàng loạt các gói thầu cung cấp dịch vụ công ích vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố với giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

Theo thống kê của VietnamFinance, trong giai đoạn 2017-2020, Minh Quân đã trúng 6 gói thầu dịch vụ công ích vệ sinh môi trường với tổng trị giá 1.150 tỷ đồng, hầu hết trong vai trò nhà thầu độc lập.

Địa bàn của Minh Quân trải dài qua 6 quận, huyện thủ đô, bao gồm huyện Thanh Trì, huyện Mê Linh, huyện Mỹ Đức, huyện Thạch Thất, quận Nam Từ Liêm và quận Hà Đông.

Trong đó, gói thầu đắt đỏ nhất tới từ quận Hà Đông (gói thầu 27/VSMT - đầu tháng 7/2017) có giá 485,5 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với gói thầu ở địa bàn quận Nam Từ Liêm (218,3 tỷ đồng). 

Các gói thầu này đều tới từ nguồn ngân sách nhà nước và là một hoạt động chi thường xuyên; có thời hạn cung cấp dịch vụ công ích vệ sinh môi trường là đến ngày 31/12/2020.

Thêm một điểm đặc biệt, đó là giá trúng thầu của Minh Quân đều rất sát với giá gói được đưa ra. Đơn cử tại gói thầu 27/VSMT (Dịch vụ công ích vệ sinh môi trường giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn quận Hà Đông) do Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính mời thầu có giá gói thầu là 486 tỷ đồng, thì liên danh Minh Quân đã trúng với giá 485,75 tỷ đồng, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 200 triệu đồng (tương đương 0,05%).

Kịch bản này còn lặp lại ở không ít các gói thầu khác mà Minh Quân thắng lớn, như các gói thi công xây dựng, xây lắp, thu dọn vận chuyển đất thải... trên địa bàn TP. Hà Nội với tổng số lượng hơn 10 gói.

Đầy "tai tiếng" vẫn tái trúng

Thực tế cho thấy, Minh Quân tỏ ra rất thiếu kinh nghiệm, năng lực yếu kém trong lĩnh vực giữ gìn vệ sinh môi trường Thủ đô. Ngay từ khi trúng thầu, doanh nghiệp đã bị phản ánh là thiếu thiết bị thu gom, vận chuyển rác. 

Đặc biệt, không lâu sau khi tiếp quản địa bàn, tháng 3/2017, Minh Quân đã đổ trộm khoảng 80 tấn rác sinh hoạt tại khu vực dưới chân cầu vượt đường Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm. Sự việc này bị các cơ quan báo chí kịch liệt lên án, dư luận vô cùng bức xúc.

Thêm vào đó, dưới sự quản lý của doanh nghiệp này, không hiếm thời điểm rác thải thường xuyên được tập kết tràn lan tại nhiều khu vực đông dân cư, gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông. Tại một số khu vực, rác còn lưu cữu qua đêm, không hề có biện pháp che chắn. Nước rỉ rác từ các xe cẩu chảy lênh láng dọc nhiều tuyến đường, bốc mùi hôi thối…

Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

Tháng 11/2020, ngay trên khu vực trung tâm thành phố, nơi mà rất nhiều du khách trong và ngoài nước thường xuyên ghé thăm là con phố nhỏ Yên Phụ, quận Tây Hồ cũng xảy ra tình trạng rác thải ùn ứ khiến cuộc sống người dân trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm xấu xí hình ảnh Thu đô trong con mắt du khách nước ngoài.

Theo chia sẻ của một nhân viên Minh Quân, nguyên nhân dẫn tới việc rác thải không được di dời là do doanh nghiệp "chầy bửa" tiền lương người lao động, trong khi họ luôn phải làm việc trong điều kiện thiếu thốn dụng cụ và độc hại nên đã dẫn tới việc nhiều người tổ chức đình công hoặc làm cầm chừng.

Khi đó, ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, trong một lần phỏng vấn đã bức xúc lên tiếng, cho rằng việc thu gom rác của công ty Minh Quân rất hạn chế khi thường xuyên thu gom không đúng giờ và để tồn đọng rác thải trong ngày. Bên cạnh đó, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển, thu gom rác thải đều cũ kỹ và hay gặp sự cố. Điều này cho thấy năng lực của doanh nghiệp rất yếu.

Ông Sáng nhấn mạnh, tình trạng rác thải ùn ứ trên địa bàn không phải xảy ra lần đầu, mà thường xuyên lặp lại từ khi Minh Quân tiếp quản.

Trước những phản ánh của dư luận, đầu tháng 1/2021, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có văn bản yêu cầu Thanh tra thành phố thực hiện thanh tra toàn diện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn của Minh Quân.

Tuy nhiên, trước quyết định của người đứng đầu chính quyền Thủ đô 1 tuần, doanh nghiệp này dưới tư cách liên danh với Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Hà Đông (đối tác quen mặt của Minh Quân) đã trúng gói thầu số 01 - dịch vụ công ích duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Hà Đông (thời gian thực hiện 3 năm, từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2023) do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông mời thầu.

Mặc dù không cùng bên mời thầu, song về cơ bản gói thầu này tương tự gói thầu 27/VSMT mà liên danh Minh Quân từng trúng hồi tháng 7/2017. Càng đặc biệt hơn, với giá trúng thầu là 485 tỷ đồng, một lần nữa ngân sách nhà nước được tiết kiệm vỏn vẹn hơn 200 triệu đồng.

Điều này khiến không ít người dân, đặc biệt là người dân khu vực quận Hà Đông đặt dấu hỏi về công tác thẩm định năng lực, kinh nghiệm khi lựa chọn thầu của các cơ quan chức năng; liệu trong thời gian tới, những người sống tại khu vực này có phải "chịu đựng" những núi rác thải ùn ứ, chất đống gây ô nhiễm hay không?

Minh Quân của ai?

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Minh Quân được thành lập vào tháng 5/2007, trụ sở hiện đặt tại khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc. Trong năm 2018, công ty đã liên tục thay đổi giám đốc và người đại diện theo pháp luật.

Cụ thể, tháng 1/2018, bà Đinh Thị Dung làm giám đốc thay cho ông Phùng Minh Đạt, đến tháng 8/2018, vị trí của bà Dung lại được thay thế bởi ông Phạm Toàn Phước, sinh năm 1978.

Không dừng lại tại đó, đến năm 2020, Minh Quân đổi tên thành Tập đoàn Nam Hà Nội và vị trí giám đốc kiêm đại diện pháp luật tiếp tục được thay đổi 7 lần, tại ngày 27/11/2020 là ông Trần Quang Tuấn. Ngoài Tập đoàn Nam Hà Nội, doanh nhân sinh năm 1965 này cũng là chủ sở hữu Công ty TNHH Tuấn Tú Phú Thọ hoạt động chính trong lĩnh vực chuẩn bị mặt bằng sân gôn.

Tài liệu của VietnamFinance cho thấy, với cơ cấu nhân sự 5 thành viên (công ty mẹ), Minh Quân đem về 200 tỷ đồng doanh số vào năm 2016, tăng gấp rưỡi lên gần 300 tỷ đồng năm kế tiếp... tuy nhiên đến năm 2019 bất ngờ sụt mạnh còn 130 tỷ đồng.

Do giá vốn chiếm từ 90 - 95%, trừ tiếp các chi phí vận hành, doanh nghiệp này có lãi rất mỏng, năm 2016 đạt 630 triệu đồng, cá biệt năm 2019 còn 44 triệu đồng.

Tổng tài sản giai đoạn này tăng khá nhanh, từ 275 tỷ đồng lên 390 tỷ đồng vào cuối chu kì. Đối ứng bên nguồn vốn, Minh Quân gia tăng các khoản nợ phải trả, vốn chủ sở hữu duy trì ở mức trên 60 tỷ đồng, chủ yếu là vốn góp.

Có thể thấy, khả năng sinh lời của Minh Quân những năm qua rất yếu kém, và nếu không có sự bứt phá ra khỏi xu hướng kinh doanh thụt lùi thì không ngoại trừ khả năng doanh nghiệp đã gánh một khoản lỗ vào cuối năm 2020. 

Đây là viễn cảnh có thể dự báo, bởi lẽ thời gian qua doanh nghiệp không chỉ thường xuyên nợ lương người lao động, mà còn nợ cả bảo hiểm xã hội.

Theo công bố của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, tính đến ngày 30/6/2019, Minh Quân liên tục bị "bêu tên" do nợ đóng bảo hiểm xã hội 16 tháng của 590 lao động, với số tiền lên tới hơn 13 tỷ đồng.

Trước đó, tính đến hết tháng 2/2019, Minh Quân nợ bảo hiểm xã hội của 656 lao động trong 12 tháng là gần 10 tỷ đồng.

Theo Vietnamfinance

Bạn đang đọc bài viết Năng lực kém vẫn tái trúng thầu, sau 'trùm' gom rác Minh Quân là ai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Việt Anh

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng