Thứ sáu, 19/04/2024 19:48 (GMT+7)

Nhà máy đường đóng cửa vì ô nhiễm, nông dân trồng mía lao đao

MTĐT -  Thứ năm, 12/04/2018 09:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi Công ty CP Đường Bình Định (Bisuco) bị đình chỉ hoạt động để khắc phục sự cố môi trường, người dân vùng trồng mía Tây Sơn rơi vào tình cảnh lao đao vì 28.000 tấn mía đang đến kỳ thu hoạch.

Đầu tháng 5/2017, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Bisuco. Sau khi kiểm tra, Sở TN-MT Bình Định yêu cầu Bisuco khắc phục hàng loạt vấn đề như: Hoàn thiện và đánh giá hiệu quả hệ thống xử lý nước thải đầu ra đạt QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp; lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước thải đầu ra; bố trí khu vực lưu chứa chất thải nguy hại trên nền cao đảm bảo không để nước xâm nhập vào khu vực lưu chứa; phân loại rõ từng loại chất thải và lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định; chuyển giao chất thải cho đơn vị được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại; bố trí khu vực chứa bã mía đảm bảo không để thất thoát ra ngoài môi trường… Tuy nhiên Bisuco vẫn không thực hiện triệt để các yêu cầu của ngành chức năng.

Ngày 25/10/2017, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành văn bản yêu cầu Bisuco không được SX niên vụ ép mía 2017-2018 cho tới khi hoàn thành các nội dung về công tác bảo vệ môi trường còn tồn tại.

28.000 tấn mía của nông dân đang đến thời kỳ thu hoạch. Ảnh: Dân Việt

Đầu năm 2018, UBND tỉnh Bình Định cho phép Bisuco hoạt động thử nghiệm để khắc phục những tồn tại về môi trường nói trên. Ngày 5/2/2018, Sở TN-MT Bình Định tiếp tục tiến hành kiểm tra đột xuất và lấy mẫu nước thải của nhà máy sản xuất của Bisuco theo 2 cửa xả ra sông Kôn.

Kết quả cho thấy hệ thống xử lý nước thải của Bisuco chưa hoạt động ổn định, nước thải theo 2 cửa xả ra sông Kôn không đạt quy chuẩn cho phép. Sở TN-MT tỉnh Bình Định tiếp tục yêu cầu Bisuco khắc phục các tồn tại về môi trường trước ngày 28/2/2018. 

Lần kiểm tra việc xử lý môi trường của Bisuco mới đây nhất diễn ra vào cuối tháng 2 vừa qua, do Sở TN-MT Bình Định phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương tổ chức. Kết quả kiểm tra cho thấy, việc xử lý môi trường của Bisuco vẫn “dậm chân tại chỗ”, chưa có dấu hiệu khắc phục.

Ngày 22/3, Nhà máy Đường Bình Định bị buộc tạm dừng sản xuất (lần thứ 2) do không chấp hành triệt để việc khắc phục sai phạm gây ô nhiễm môi trường theo yêu cầu của Sở Tài nguyên – Môi trường Bình Định.

Tuy nhiên, bất chấp chỉ đạo cứng rắn của tỉnh, Bisuco vẫn lặng lẽ thu mua mía đồng thời gửi văn bản xin kéo dài hoạt động đến hết niên vụ 2017 – 2018.

Ngày 4/4, UBND tỉnh Bình Định gửi công văn tái khẳng định ý chí “đóng băng” cơ sở sản xuất cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ khắc phục các lỗ hổng về môi trường.

Thế nhưng ngày 9/4, dù là thời điểm nhà máy Đường Bình Định tiếp tục ngừng hoạt động, nhưng ngày 10/4 trước cổng tiếp nhận nguyên liệu, hàng chục xe tải chở mía vẫn nhẫn nại chôn chân chờ cân bán.

Việc Nhà máy Bisuco bất ngờ tạm đóng cửa khiến nông dân vùng mía ở huyện Tây Sơn (Bình Định) lâm cảnh lo âu vì mía đang đến độ thu hoạch nhưng vẫn chưa tìm được đầu ra.

Ông Võ Khương (trú thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang) lo lắng: “Thời điểm này năm ngoái, Công ty đã thu mua được hơn nửa diện tích. Nhưng năm nay, trên 1,5ha mía của gia đình tôi vẫn đứng trơ ngoài ruộng. Mấy năm trước, Bisuco còn có chính sách hỗ trợ đầu tư, thu mua mía nhưng giờ hầu như chúng tôi tự bơi. Nhà nông một năm có 1 vụ mía, đến giờ công ty không phát phiếu mua, để mía chết khô dần ngoài ruộng, nông dân điêu đứng”.

Trước bối cảnh nhà máy sản xuất của Bisuco bị UBND tỉnh Bình Định yêu cầu tạm đóng cửa “để khắc phục những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường”, ông Đỗ Văn Sỹ - Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) đã ký văn bản gửi Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai), kêu gọi doanh nghiệp này thu mua 28.000 tấn mía còn mắc kẹt trên đồng của nông dân.

Ông Sỹ còn cẩn thận lưu ý, thời gian thu hoạch từ ngày 4 - 30/4, mới mong giúp nông dân thu hoạch kịp thời, đạt năng suất và triển khai vụ tiếp theo.

Đáp lại, ông Nguyễn Văn Hòe - Giám đốc Nhà máy đường An Khê, cam kết nhà máy sẽ mua hết sản lượng mía vụ ép 2017-2018, đảm bảo tái sinh gốc kịp thời vụ.

Tùy thuộc vào tình hình nhân công thu hoạch, chất lượng mía nguyên liệu theo quy chuẩn, nhà máy dự kiến thu mua từ 500 tấn/ngày trở lên tại vùng nguyên liệu tỉnh Bình Định và đến ngày 20/5 sẽ thu mua hết mía trên đồng.

Xe mía của người dân Tây Sơn xếp hàng dài chờ nhà máy thu mua. Ảnh: Báo Lao động.

Theo Nhà máy đường An Khê, hiện nhà máy đang mua và hỗ trợ tiền vận chuyển 200.000 đồng/tấn với giá 800.000 đồng/tấn (10 chữ đường), 720.000 đồng/tấn (9 chữ đường) và 640.000 đồng/tấn (8 chữ đường). Đến nay, nhà máy đã thu mua 6.000 tấn mía của nông dân và trả tiền ngay trên ruộng.

Trao đổi với Dân Việt, ông Đào Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh Bình Định kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động nhà máy sản xuất của Bisuco để khắc phục những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường. Sau khi công ty này đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, không ảnh hưởng đến người dân thì mới được phép hoạt động trở lại.

P.V (tổng hợp theo Dân Việt, Nông nghiệp)

Bạn đang đọc bài viết Nhà máy đường đóng cửa vì ô nhiễm, nông dân trồng mía lao đao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...