Thứ bảy, 20/04/2024 08:08 (GMT+7)

Nhức nhối nạn đổ trộm chất thải trái phép ra môi trường

MTĐT -  Thứ ba, 20/08/2019 17:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian qua, tình trạng đổ trộm rác thải, phế thải nguy hại lại tiếp tục tái diễn ở nhiều địa phương.

Vụ việc xảy ra tại xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng hồi tháng 5 vừa qua khiến 1 người dân lội qua mương nước bỏng nặng nghi do nhiễm chất thải nguy hại đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn đổ trộm chất thải trái phép.

 UBND huyện Vĩnh Bảo xác định, đây là vụ đổ trộm chất thải nguy hại bên phải quốc lộ 10 hướng TP Hải Phòng đi tỉnh Thái Bình. Chất thải này được đổ xuống kênh thủy lợi ven quốc lộ 10 tại km 57+300 sau đó loang rộng trên kênh chính dài 80m, rộng 12m và kênh phụ dài 20m, rộng 3m.

Cơ quan chức năng nhận định, chất thải có màu đen, dạng sệt, mùi hôi thối. Tại vị trí đổ thải phát hiện vỏ hạt điều, chất thải cỏ, bèo chết. Chất thải này nằm nguyên trạng trong lòng kênh tạm thời chưa loang ra các ruộng lúa.

Hiện trường vụ đổ trộm chất thải khiến 1 người bị bỏng nặng ở Hải Phòng.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường Hải Phòng, số chất thải bị đổ trộm ở xã Hưng Nhân là dầu thải và phenol, loại chất hữu cơ có khả năng gây bỏng.

Mới đây nhất là vào cuối tháng 7 vừa qua, gần 1 tấn chất thải không rõ nguồn gốc đựng trong 30 thùng nhựa được phát hiện trên kênh Hòa Bình (phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh, Hải Phòng). Thành phần chứa trong chất thải là gì hiện cơ quan chức năng đang làm rõ, nhưng chỉ cần thấy cả một đoạn kênh đổi màu nước từ trắng sang xanh, đủ để hình dung ra mức độ độc hại như thế nào.

Được biết, kênh Hòa Bình thuộc hệ thống thủy lợi Đa Độ, ngoài nhiệm vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp với diện tích hàng nghìn ha, còn là nơi cung cấp nước thô đến các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt phục vụ cho người dân thành phố Hải Phòng.

Cũng trong thời gian qua, trên tuyến đường Đại lộ Thăng Long đi qua địa bàn các phường Mễ Trì, Phú Đô, Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) liên tục xuất hiện các bãi rác tự phát. Điều đáng nói là các bãi rác này ngày một phình to, nhưng không được xử lý triệt để gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và gây bức xúc cho người dân sống xung quanh.

Thậm chí tại khu vực km16 (xã Yên Sơn) và km19 (xã Ngọc Mỹ) Đại lộ Thăng Long thuộc huyện Quốc Oai, xuất hiện hàng chục thùng hóa chất không rõ nguồn gốc được đổ thẳng ra vệ đường gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, khiến người dân khu vực xung quanh lo lắng.

Những thùng phuy bung nắp, biến dạng, không được che chắn, nằm la liệt bên vệ đường, cạnh mương nước tưới tiêu vào đồng ruộng. Chất thải màu đen kết dính, mùi hắc, người đứng gần một lúc lâu sẽ cảm thấy tức ngực, khó thở. Chất bên trong thùng phuy tràn ra ngoài làm cây cỏ xung quanh chết khô.

Những thùng phuy chứa chất thải trên đại lộ Thăng Long.

Điều 4, Luật Bảo vệ môi trường 2014, đã quy định: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân”. Điều 7 của Luật Bảo vệ môi trường 2014 cũng quy định rõ hành vi bị nghiêm cấm đó là: “Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí”.

Thế nhưng, tình trạng đổ trộm rác thải ở các địa phương không phải là mới. Tuy nhiên, do lực lượng làm công tác bảo vệ môi trường còn mỏng, các cơ sở sản xuất cố tình xả thải không qua xử lý với thủ đoạn tinh vi, xả trộm về đêm hoặc xây dựng cống ngầm… các đối tượng đổ trộm lợi dụng lúc đêm tối, khu vực ít người dân sinh sống, thậm chí chọn những ngày mưa gió để đổ trộm gây không ít khó khăn cho công tác tuần tra và kiểm tra xử lý của các lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa thực sự hiệu quả, sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa đủ mạnh mẽ nên chưa xử lý dứt điểm tình trạng trên.

Trao đổi với báo Pháp luật VN, chuyên gia luật Phan Tiến Duy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn Luật DLS Việt Nam: “Hành vi xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân mà còn là hành vi bất hợp pháp và tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự. Việc kiên quyết xử lý hình sự các đối tượng có hành vi đổ chất thải nguy hại ra môi trường sẽ là một biện pháp phòng chống có hiệu quả cho công tác ngăn ngừa vấn nạn này”.

"Theo đó, tại Điều 235, Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội gây ô nhiễm môi trường đã nâng mức phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng và nâng mức phạt tù từ 1 - 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm. Đặc biệt, đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này bị phạt tiền từ 1 - 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nhức nhối nạn đổ trộm chất thải trái phép ra môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...