Thứ sáu, 29/03/2024 00:43 (GMT+7)

Nửa đầu năm 2018 đã có tới 4 triệu tấn phế liệu được nhập về VN

MTĐT -  Thứ ba, 31/07/2018 10:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, chỉ tính trong những tháng đầu năm 2018 đã có tới 4 triệu tấn phế liệu các loại được đưa về Việt Nam, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Mỗi tháng bỏ ra khoảng 97,7 triệu USD để nhập phế liệu

Chiều 30/7, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo chuyên đề về công tác quản lý hải quan đối với phế liệu nhập khẩu. Thông tin với báo chí, Hải quan cho biết trong nửa đầu năm 2018, cả nước đã nhập khoảng 4 triệu tấn phế liệu các loại.

Cụ thể, theo thông tin đăng tải trên Zing, lượng nhập khẩu nhựa phế liệu là 277.000 tấn, giấy phế liệu là 1,06 triệu tấn, sắt thép phế liệu là 2,7 triệu tấn. Tổng giá trị nhập khẩu khẩu phế liệu trong 6 tháng đầu năm là 1,2 tỷ USD, nghĩa là mỗi tháng người Việt nhập khẩu 200 triệu USD phế liệu.

Trước đó, trong năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 5,5 triệu tấn phế liệu với trị giá 1,8 tỷ USD; năm 2016 là 4,9 triệu tấn với trị giá gần 1 tỷ USD.

Trong các quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu nhiều phế liệu nhất, nổi bật là Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Các mặt hàng phế liệu nhập khẩu là nhựa phế liệu, giấy phế liệu và sắt thép phế liệu.

Trong mặt hàng nhựa phế liệu, 24,8% có xuất xứ từ Nhật Bản; 14% từ Mỹ; 12,6% từ Hàn Quốc; 9,3% có xuất xứ từ Thái Lan; 7,2% từ Hàn Quốc…

Chỉ trong những tháng đầu năm 2018 đã có tới 7 tấn phế liệu các loại được nhập về VN. Ảnh: Báo Hải Quan. 

Về mặt hàng phế liệu giấy, nguồn nhập khẩu lớn nhất cũng là Nhật Bản (39,6%), Anh (17,3%), Hà Lan (4,3%), Hàn Quốc (3,6%)…

Trong 2,7 triệu tấn sắt thép phế liệu, nguồn nhập khẩu lớn nhất là Nhật Bản (29,7%), Mỹ (18,7%), Hong Kong (12,2%), Australia (7,7%), Trung Quốc (7,3%)…

Như vậy, tính chung cả 3 loại phế liệu, nguồn nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam là Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Mỗi tháng, trung bình người Việt bỏ ra khoảng 97,7 triệu USD để nhập khẩu phế liệu từ 3 nước này.

Diễn biến ngày càng phức tạp

Theo TTXVN, tại cuộc họp, ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết thời gian qua, sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng gia tăng mạnh, có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống gây bức xúc trong dư luận.

Tuy nhiên, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan.

Hoặc, không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan dẫn đến tình trạng có một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam.

Để Việt Nam không trở thành bãi rác của thế giới, không tốn kém chi phí tiêu hủy đối với hàng hóa là phế liệu, chất thải đưa vào lãnh thổ nhưng không có người nhận, thực hiện đúng quy định về kiểm tra hải quan, ông Mai Xuân Thành nhấn mạnh, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan hải quan địa phương thực hiện các biện pháp siết chặt phế liệu nhập khẩu.

Theo đó, có biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng hóa vẫn còn trên tàu, chưa dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đáp ứng điều kiện, quy chuẩn môi trường vào lãnh thổ trên cơ sở rà soát, phân tích thông tin hàng hóa khai báo trên bản lược khai hàng hóa (manifest) trước khi hàng đến.

Cụ thể, ông Mai Xuân Thành cho biết sẽ thông báo cho các hãng tàu vận chuyển hàng hóa, doanh nghiệp kinh doanh cảng về việc không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa có thông tin trên bản lược khai hàng hóa (manifest) là chất thải. Cũng với đó, yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và xử lý theo quy định.

Đối với hàng hóa là phế liệu nhưng người nhận hàng thể hiện trên bản lược khai hàng hóa (manifest) không có tên trong danh sách doanh nghiệp đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thì thông báo cho các hãng tàu vận chuyển hàng hóa, doanh nghiệp kinh doanh cảng về việc không được phép dỡ lô hàng phế liệu đó xuống cảng. Đồng thời, yêu cầu hãng tàu phải vận chuyển hàng hóa này ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp hàng hóa trên tàu có thông tin khai báo trên bản lược khai hàng hóa (manifest) là hàng đã qua sử dụng, không khai báo là phế liệu nhưng có đặc trưng của phế liệu và người nhập khẩu không thuộc danh sách các doanh nghiệp đã được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực thì đưa vào diện kiểm tra, kiểm soát trọng điểm.

Đối với trường hợp phế liệu nhập khẩu đã đăng ký tờ khai làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan tiến hành lấy mẫu, kiểm tra thực tế 100% các lô hàng nhập khẩu để đánh giá việc chấp hành quy định về pháp luật hải quan và pháp luật bảo vệ môi trường.

Ông Mai Xuân Thành cũng cho biết thêm, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải quan) đang chủ trì triển khai kế hoạch “Điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu”, tổ chức điều tra, xác minh các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn trong hoạt động nhập khẩu phế liệu từ 1/2016 đến 5/2018 và xử lý các trường hợp vi phạm theo qui định của pháp luật.

Nhập khẩu phế liệu nhưng lại đưa chất thải về Việt Nam

Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Việt Nam là một trong số những quốc gia vẫn cho phép nhập khẩu phế liệu. Ông Tùng cho biết, đây là vấn đề được bàn thảo rất nhiều khi xây dựng Luật Bảo vệ Môi trường 2014. Việc cho phép nhập khẩu một số loại phế liệu xuất phát từ nhu cầu thực tế của một số doanh nghiệp như doanh nghiệp thép, doanh nghiệp giấy.

Nếu không cho phép nhập khẩu thép phế liệu hay giấy phế liệu thì nhiều doanh nghiệp tái chế giấy, tái chế thép sẽ không có đủ nguyên liệu sản xuất. Để kiểm soát phế liệu nhập khẩu, luật yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu phải ký quỹ, phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng quy chuẩn môi trường, không có hàm lượng tạp chất quá mức cho phép.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, việc cho phép nhập khẩu phế liệu, nếu không quản lý và kiểm soát chặt chẽ lại tạo khe hở để một số đối tượng đưa chất thải vào Việt Nam. Thực tế tồn tại những đường dây đưa chất thải vào Việt Nam.

Những container phế liệu ùn ứ tại các cảng Việt Nam. Ảnh: TPO.

Tại một số quốc gia phát triển, chi phí xử lý chất thải rất tốn kém và phức tạp nên nhiều doanh nghiệp ở nước này cho tiền đối tượng nước ngoài để họ chở chất thải đi ra khỏi quốc gia. Vì thế, xuất hiện những đối tượng ở Việt Nam, thực hiện các gian lận thương mại hoặc lợi dụng khe hở quản lý để đưa chất thải về Việt Nam. Đây hầu hết là những chất thải, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận có chuyện các doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu phế liệu và các doanh nghiệp ủy thác nhập khẩu phế liệu tìm mọi kẽ hở của pháp luật để đưa chất thải vào Việt Nam. Theo đại diện Tổng cục Hải quan tại cuộc họp liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì ngày 12/7, nhiều container mở ra, đứng cách hàng chục mét vẫn bốc mùi, không thể đến gần.

Theo ông Hoàng Văn Thức, một số tổ chức, cá nhân đăng ký địa chỉ ma, cố tình nhập khẩu phế liệu không đáp ứng quy chuẩn, thực chất là chất thải nên cơ quan hải quan không thể liên hệ được. Nhiều địa chỉ ghi trên mạng nhưng khi tìm đến thì không có.

Thời gian qua, hàng ngàn xe container phế liệu các loại ùn ứ tại các cảng biển lớn của Việt Nam như cảng Cát Lái, cảng Hải Phòng… nhưng không có doanh nghiệp đến nhận đang tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nửa đầu năm 2018 đã có tới 4 triệu tấn phế liệu được nhập về VN. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.