Thứ bảy, 20/04/2024 19:11 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí kỷ lục, vì sao Hà Nội vẫn “án binh bất động”?

MTĐT -  Thứ sáu, 13/12/2019 15:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày thứ 6 liên tiếp, ô nhiễm không khí diễn ra đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, chính quyền địa phương vẫn không thông báo hay khuyến cáo cho người dân.

Theo đánh giá của tất cả các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí PAMAir, Air Visual… thì trong sáng nay Hà Nội ô nhiễm ở mức rất xấu.

Cụ thể, tính tới 7h, có tới 10/11 trạm quan trắc không khí của Sở TN-MT Hà Nội bật tín hiệu tím ngắt (cảnh báo chất lượng không khí ở mức rất xấu), AQI lên mức 248, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân. Với mức này, nhiều nơi đã gần chạm tới ngưỡng nguy hại (AQI 300).

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ được xác định do tổng hợp nhiều nguyên nhân như hoạt động giao thông, xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp và dân sinh, trong đó hoạt động đốt ngoài trời không kiểm soát (đốt rác, đốt rơm rạ). Trong điều kiện thời tiết nghịch nhiệt, chất ô nhiễm không phát tán được mà tích tụ tại tầng khí quyển sát mặt đất gây ra ô nhiễm nghiêm trọng.

Các chuyên gia dự báo, từ nay đến tháng 3 năm sau, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ còn chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi hiện tượng nghịch nhiệt sẽ còn tiếp tục. Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí và báo cáo hiện trạng chất lượng không khí của GreenID cũng chỉ ra, mùa đông Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng hơn mùa hè, khi các đợt ô nhiễm không khí tăng mạnh với chỉ số ô nhiễm lên ngưỡng nguy hại trong một số thời điểm.

Thế nhưng, suốt 1 tuần qua, người dân Hà Nội vẫn chưa nhận được bất cứ cảnh báo nào từ phía cơ quan chức năng. Đáng nói, theo phản ánh của người dân, trong những ngày Hà Nội ô nhiễm, các công trình xây dựng vẫn không ngừng hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Sáng 13/12, chất lượng không khí AQI bình quân của Hà Nội ở mức 248 rất xấu.

Nên hành động quyết liệt hơn

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch tại Việt Nam, trong những ngày qua, tình trạng ô nhiễm không khí liên tục gia tăng. “Ô nhiễm không giảm mà cứ tăng dần, bắt đầu từ 8h tối cho đến gần sáng. Vẫn chưa thấy những khuyến cáo gì với các trường học để bảo vệ sức khỏe cho các em học sinh, kể cả các trường tư. Chưa thấy hành động gì, kể cả bàn ở cấp vùng để xem tại sao. Án binh bất động quá”, vị chuyên gia chia sẻ trên trang cá nhân.

Theo ông, thành phố Hà Nội nên có các biện pháp quyết liệt hơn thay vì để người dân "chờ trời mưa" như hiện tại.

"Tôi nghĩ lãnh đạo thành phố nên sốt ruột, không thể cứ để người dân kêu ca mãi như thế được. Biết là thành phố vẫn đang tích cực tìm giải pháp, cắt giảm nguồn ô nhiễm, nhưng đó là chuyện tương lai. Hiện tại, sức khỏe của hàng triệu người dân sẽ bị ảnh hưởng", ông nhấn mạnh.

Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Hồng Vũ, chuyên gia sinh học trong Y học, Viện Nghiên cứu Ung thư City of Hope (Mỹ), cho rằng Việt Nam hay các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM chưa có các biện pháp ứng phó khẩn cấp khi không khí chạm ngưỡng xấu, nguy hại là thiếu sót lớn.

"Tôi thấy ở nhiều thành phố như Bắc Kinh, hay New Delhi, khi chất lượng không khí suy giảm đột ngột, chính quyền thành phố sẽ có các biện pháp khẩn cấp như tạm dừng hoạt động các công trường, nhà máy. Các khu vực đông dân cư sẽ bị hạn chế xe cộ, nhất là xe cá nhân, chỉ cho các xe chạy điện đi", TS Hồng Vũ nói.

"Mọi giải pháp hiện giờ chỉ là tình thế, máy lọc không khí cũng chỉ để tránh ảnh hưởng phần nào, rất khó cho họ nếu chính quyền không vào cuộc. Tôi nghĩ đây là vấn nạn quốc gia, chứ không còn là vấn đề cục bộ nữa", vị tiến sĩ nhấn mạnh.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí kỷ lục, vì sao Hà Nội vẫn “án binh bất động”?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất