Thứ năm, 18/04/2024 08:49 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội kéo dài đến bao giờ?

MTĐT -  Thứ sáu, 27/09/2019 15:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo trang AirVisual, liên tiếp trong 2 ngày 26 – 27/9, Hà Nội là thành phố có chỉ số chất lượng không khí thấp nhất thế giới.

Chỉ số AQI ở Hà Nội tiếp tục tăng

Trang AirVisual kiểm tra chỉ số không khí một số địa phương lúc 7h sáng 27/9 cho thấy, Hà Nội tiếp tục là thành phố có chỉ số chất lượng không khí (AQI) cao nhất thế giới: 175. Con số này đã giảm so với cùng thời điểm ngày hôm qua: 187.

Còn tại TP HCM, sáng 27/9, AQI ở mức 128, giảm mạnh so với ngày hôm qua 172. Tuy nhiên, tại 2 TP này, một số điểm đo quan trắc, chỉ số còn lớn hơn thế.

Cụ thể, tại TP HCM, điểm đo Thảo Điền cho chỉ số lên tới 165; tại Hà Nội, điểm đo Tây Hồ cho chỉ số 191, tiệm cận mức 200 cực nguy hiểm.

Còn theo một nguồn số liệu khác từ Cổng thông tin quan trắc môi trường, UBND Hà Nội, sáng 27/9, chỉ số AQI tại Thủ đô là 147. Một số điểm đo như tại UBND phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm, chỉ số lên tới 187, Hàng Đậu, Phạm Văn Đồng 182...

Sáng 27/9, Hà Nội giữ vị trí số 1 trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. (Ảnh: Air Visual).

Nhiều ngày nay, các chuyên gia về môi trường đã cảnh báo, miền Bắc đang bước vào thời kỳ ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn do tác động của hình thái thời tiết.

Theo đó, nồng độ bụi lơ lửng phụ thuộc vào thời tiết nhiều. Trời đẹp quang đãng, nhiệt mặt đất cao thì ít bụi (đối lưu tốt), có gió to giúp lưu thông chiều ngang (so với mặt đất) tốt hơn. Trong khi đó, những ngày vừa qua, trời mù sương, lặng gió khiến cho không khí lưu thông không tốt nên mức độ ô nhiễm vào nửa đêm về sáng và sáng sớm sẽ cao hơn là vào thời điểm buổi trưa và chiều, tối.

Chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, đây là hiện tượng “nghịch nhiệt”. Hiểu nôm na là ô nhiễm rất cần gió và đối lưu để khuếch tán đi. Trong trường hợp tĩnh gió, ít đối lưu là ô nhiễm cứ thế ở lại gây ô nhiễm.

Trong khí tượng học, nghịch nhiệt là một hiện tượng đảo chiều của các thành phần khí trong khí quyển ở những nơi có vĩ độ cao. Nghịch nhiệt có thể dẫn đến tình trạng ô nhiễm do khói bị kẹt lại và nằm gần mặt đất hơn, gây những tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Không có việc Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới

Tuy nhiên, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Hà Nội) lại cho rằng, không có việc Hà Nội là “thành phố ô nhiễm nhất thế giới” như kết quả chỉ số chất lượng không khí AQI mà ứng dụng quan trắc không khí Air Visual đo được.

Không khí Hà Nội ô nhiễm nhiều ngày qua. 

Vị đại diện này cho hay, trang web của Air Visual lấy duy nhất số liệu quan trắc không khí từ trạm Đại sứ quán Mỹ. Trong khi đó, trạm này lại nằm trên trục đường giao thông lớn, xung quanh có nhiều công trình xây dựng, thì chất lượng không khí không tốt là điều hiển nhiên. “Họ lấy duy nhất ở điểm này để đại diện cho toàn TP.Hà Nội là không chính xác”, vị này khẳng định.

Theo nhận định của chi cục, không khí Hà Nội sẽ vẫn duy trì ở mức kém trong thời gian tới và phải chờ khi nào có các đợt không khí lạnh, gió mùa Đông Bắc thì chất lượng mới được cải thiện.

"Theo dự báo của chúng tôi thì khoảng 10 ngày nữa chất lượng không khí sẽ được cải thiện", đại diện Chi cục bảo vệ Môi trường cho hay.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí ở Hà Nội kéo dài đến bao giờ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.