Thứ sáu, 19/04/2024 10:44 (GMT+7)

'Phân loại rác trước khi nghĩ đến kinh tế tuần hoàn'

MTĐT -  Thứ tư, 09/12/2020 15:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nếu không phân loại được rác thì có đem đốt cũng không cháy, chứ đừng nói làm được cái gì, tạo ra sản phẩm gì từ đống rác đó.

Tại các thành phố lớn, biện pháp xử lý rác thải vẫn chỉ là chôn lấp, thậm chí nhiều lúc chôn lấp cũng không kịp với lượng rác thải ra. Bộ Tài nguyên môi trường đưa ra khái niệm "kinh tế tuần hoàn", coi rác là tài nguyên, rác là đầu vào của quá trình sản xuất, đưa ra dẫn chứng một số đã phải nhập rác để xử lý và thu được giá trị lớn.

Chúng ta đã ban hành luật, đã xây dựng bộ máy, đã phân công đơn vị chủ trì xây dựng ngành công nghiệp xử lý chất thải nhưng không hiểu tại sao việc thực hiện vẫn chưa đi vào nề nếp. Có lẽ, chúng ta chưa tự thấy đúng vấn đề, chưa thực sự có giải pháp "của mình, cho mình" theo phương châm tự lực là chính, nên chúng ta chưa đề ra được biện pháp phù hợp và chưa đủ quyết liệt trong thực hiện.

Có thể việc phân loại và tái chế rác thải là quá khó, nhưng trong thực tế, chúng ta đã có một mạng lưới thu gom phân loại và tái chế phế thải thải từ thời xa xưa với các bà, các chị buôn đồng nát. Đến nay, mạng lưới này mở rộng hơn, đã có những làng tái chế nhựa, nhôm, giấy. Nhưng do mới tập trung vào một số loại phế thải nên chưa hình thành nền công nghiệp xử lý và không đáp ứng được nhu cầu xử lý rác thải của toàn xã hội.

Phân loại rác tại nguồn. (Ảnh: Internet).

Thay vì mở rộng mạng lưới hiện có hoặc tìm ra cách thực hiện "của mình, cho mình", chúng ta lại thích du nhập từ bên ngoài những thứ mới, từ khẩu hiệu 3R cho đến "kinh tế tuần hoàn", từ những lò đốt vạn năng trước đây đến những công nghệ cao như đốt rác bằng plasma gần đây... Có lẽ, chúng ta thích cách "đi thẳng lên hiện đại" này nên đã cho xây dựng những lò đốt rác nhưng nhiều năm nay "không đốt gì" như tại các xã hẻo lánh ở Lào Cai.

Nhiều dấu hỏi quanh quy định thu phí rác theo cân

Trước hết, phải nói xử lý rác chính là để tận dụng những thứ có thể tái chế, tái sử dụng trước khi tiêu hủy. Mà trước khi có thể tái chế, ta phải phân loại. Quy định chỉ được chôn lấp 15% rác thải chính là yêu cầu phải lấy ra khoảng 85% những thứ còn có thể sử dụng và sau đó mới là xử lý, tái chế, tái sử dụng. Còn về 3R trước đây hay "kinh tế tuần hoàn" gần đây mới nghe có vẻ hay, nhưng cái gốc của nó cũng chỉ là phân loại rác mà thôi.

Với luật môi trường chúng ta phải phân loại rác, với 3R chúng ta cũng phải phân loại rác, mà với kinh tế tuần hoàn chúng ta càng phải phân loại rác, thậm chí còn phải làm sạch hoặc xử lý mới có thể quay trở lại sản xuất được. Nếu chúng ta không phân loại được rác thì đốt cũng không cháy chứ đừng nói làm được cái gì, ra được sản phẩm gì từ đống rác đó.

Vậy giả thiết, nếu chúng ta đã hoàn thành được mục tiêu chôn lấp 15% rác thải thì sao?

Thứ nhất, chúng ta đã xây dựng được một nền công nghiệp tái chế rác thải, tạo điều kiện phát triển các lĩnh vực kinh tế có liên quan. Nếu đạt chỉ tiêu này, nếu đã tìm ra cách biến 85% lượng rác còn lại kia thành những thứ khác, sử dụng được cho các mục đích khác, thì có khi chính chúng ta là người sinh ra khái niệm "kinh tế tuần hoàn" chứ không cần học ở đâu cả.

Thứ hai, nếu chúng ta hoàn thành chỉ tiêu này, hẳn chúng ta đã có cách ứng xử khác với rác thải và chắc chắn đã có thêm nhiều nguyên liệu quay trở lại nền kinh tế mà không phải đào núi, phá rừng để khai thác hoặc phải bỏ tiền ra để mua về.

Thứ ba, nếu chúng ta hoàn thành chỉ tiêu này, chúng ta có thể không còn phải chứng kiến cảnh các đống rác tồn đọng khắp nơi và ngay giữa thủ đô như gần đây nữa.

Tại các thành phố lớn, biện pháp xử lý rác thải vẫn chỉ là chôn lấp, thậm chí nhiều lúc chôn lấp cũng không kịp với lượng rác thải ra. (Ảnh:Internet).

Giảm lượng rác trước khi tăng thu phí

Hiện nay, chúng ta vẫn chưa đạt tỷ lệ xử lý rác như đã nêu, bởi:

Chỉ tiêu phân loại, tái chế đến 85% lượng rác thải ra quá cao.

Biện pháp thực hiện xử lý rác trong thời gian qua không phù hợp.

Về biện pháp thực hiện, Điều 66 Luật Môi trường 2005 quy định tổ chức, cá nhân có hoạt động làm phát sinh chất thải có trách nhiệm giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng rác thải. Chúng ta cũng quy trách nhiệm này cho đơn vị, cá nhân đang trực tiếp thải ra phế thải. Mhưng có lẽ như thế là chưa phù hợp vì việc tái chế, tái sử dụng sản phẩm tái chế không đơn giản chỉ gói gọn trong một đơn vị mà là phải trong một chuỗi liên kết đa ngành. Kết quả thực hiện 15 năm qua như thế nào là một minh chứng.

Lấy ví dụ trong ngành xây dựng, một doanh nghiệp xây dựng, một công trường xây dựng sẽ được coi là tổ chức phát sinh phế thải và có trách nhiệm phân loại tái chế. Họ có thể giảm thiểu phế thải, có thể phân loại kính vỡ, sắt thép vụn, họ có thể muốn tái chế, tái sử dụng nhưng họ sẽ làm cách nào để tái chế kính vỡ, gỗ vụn và tái sử dụng phế thải như bê tông vỡ, gạch vỡ nếu quy phạm kỹ thuật và quy chế quản lý không cho phép.

Nhưng nếu chúng ta coi ngành xây dựng có trách nhiệm thì vấn đề sẽ khác. Ví dụ với phế thải xây dựng, ngành xây dựng sẽ phải thu gom và xử lý rác thải của các công trình xây dựng, các nhà máy vật liệu xây dựng. Ngành này sẽ chỉ được đưa đi chôn lấp khoảng 15% tổng lượng rác thu gom được, vậy họ sẽ phải cân nhắc cái gì mang đi chôn, cái gì tái chế để chỉ đạo toàn ngành thực hiện. Đất đào móng, phế thải bê tông, gạch vỡ, chạt vữa đều có thể biến thành các loại vật liệu san lấp nên ngành xây dựng sẽ phải tái chế, nghiền, phối trộn để tạo ra sản phẩm phù hợp để san lấp, họ sẽ phải xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho vật liệu này, phải xây dựng định mức sử dụng và đưa vào bộ đơn giá để toàn xã hội áp dụng và rất có thể ngành xây dựng sẽ cấm sử dụng cát sông để có thể bán được sản phẩm san lấp bằng phế thải do chính mình sản xuất ra. Với các vật liệu phế thải khác cũng vậy.

Với rác thải sinh hoạt, dường như chúng ta đang muốn một biện pháp chung trong khi điều kiện mỗi nơi mỗi khác. Chúng ta thấy sân phơi rác và lò đốt rác ở khắp nơi, kể cả ở những nơi xa xôi hẻo lánh, nơi mà lò cả năm không đốt lần nào. Trong lúc đó, các địa phương cứ việc mang 100% rác đi chôn hoặc mặc cho chúng tự phân hủy ở khắp nơi mà không có biện pháp nào để phân loại cho phải phép. Chúng ta sẽ phải thay đổi cách thu gom rác, không thể cứ theo cách từ thời Pháp thuộc là đẩy xe rác và gõ kẻng để dân mang rác ra đổ, phải tìm ra cách trực tiếp hoặc gián tiếp để phân loại.

Và cuối cùng, nếu người dân không tự phân loại thì đơn vị thầu thu rác hoặc cuối cùng là chính quyền sẽ phải phân loại. Có thể lúc đó, chỉ nhà thầu có nhà máy phân loại rác mới được thầu đổ rác chứ không phải chỉ thu gom vận chuyển đi chôn lấp như hiện nay. Một khi đã phân loại được thứ nào ra thứ đó, với khối lượng đủ lớn thì chúng ta sẽ có cơ hội để tái chế, để làm phân bón hoặc đốt rác phát điện như một phần của nền kinh tế tuần hoàn.

Chúng ta đã thấy ở một số nước, người ta phân loại và tồn trữ cả núi lốp xe hỏng. Trước hết, người ta phải phân loại, tách lốp xe ra khỏi đống tác, thu gom loại phế thải này và khi có công nghệ và thiết bị phù hợp, khối lượng đủ lớn người ta sẽ tiến hành xử lý để thu hồi bố thép, cao su vụn phục vụ tái chế hoặc đốt để phát điện chứ không chỉ đơn giản mang đi chôn lấp như cách chúng ta làm hiện nay.

Chúng ta cũng có nhiều loại chất thải có thể tái sử dụng, nhưng có lẽ cũng chưa có công nghệ để có thể tái chế hoặc khối lượng quá nhỏ để tái chế (vì làm ít thì không có lãi). Nếu cũng như họ, chúng ta phân loại và thu gom vào một chỗ để chờ có công nghệ tái chế, tái sử dụng thì ít nhất chúng ta cũng đã thực hiện được quy định của luật và có cái mà ngành môi trường gọi là "tài nguyên của tương lai".

Giả thiết, chúng ta thu gom tất cả chất thải nhựa từ 15 năm nay, chúng ta có thể đã có vài "núi nhựa" ở đâu đó chờ tái sử dụng. Hay ít nhất là không phải chứng kiến rác nhựa khắp mọi nơi như hiện nay.

                                                                                 Theo Nguyễn Tiến Hiệp/ VnExpress

Bạn đang đọc bài viết 'Phân loại rác trước khi nghĩ đến kinh tế tuần hoàn'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?