Thứ năm, 18/04/2024 11:12 (GMT+7)

Quốc Oai: Hết hạn cho thuê đất, UBND xã Hòa Thạch vẫn “cho” sử dụng?

TRANG TRIỆU -  Thứ sáu, 18/10/2019 16:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vị Phó Chủ tịch xã Hòa Thạch thừa nhận, đã thanh lý hợp đồng thuê đất đối với các chủ lò gạch vào tháng 12/2018. Nhưng đến nay, các lò gạch vẫn đang hoạt động trên mảnh đất công này.

Theo lộ trình được UBND TP Hà Nội phê duyệt ngày 23/7/2018, toàn thành phố chỉ còn 6/199 lò gạch nung (trong đó 4 tại huyện Mỹ Đúc và 2 tại huyện Quốc Oai) được phép tồn tại đến năm 2020, còn lại cần chấm dứt hoạt động trước ngày 31/12/2018.

UBND TP Hà Nội cũng giao UBND các quận huyện căn cứ lộ trình, chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND cấp xã đôn đốc, kiểm tra đối với các cơ sở chậm thực hiện, cố tình xử lý vi phạm về môi trường theo quy định.

Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn nhiều tháng nhưng trên địa bàn huyện Quốc Oai, trong đó có xã Hòa Thạch vẫn còn nhiều lò gạch nung đang hoạt động.

Có “nhẹ tay” trong việc xóa lò gạch nung?

Để làm rõ thông tin về việc chậm trễ xóa bỏ các lò gạch nung theo chỉ đạo, ngày 17/10, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi làm việc với ông Đỗ Văn Dương – Phó Chủ tịch xã Hòa Thạch.

Ngày 17/10, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi làm việc với ông Đỗ Văn Dương – Phó Chủ tịch xã Hòa Thạch.

Ông Dương cho biết: “Trước đó, xã Hòa Thạch có 4 lò gạch, sau khi có chỉ đạo xóa các lò gạch nung thì đã xóa được một lò gạch do chủ lò gạch tự dỡ bỏ. Khó khăn trong việc xóa bỏ 3 lò gạch còn lại là vấn đề tài chính của các chủ lò, họ bỏ ra cả chục tỷ đồng để đầu tư nhưng vẫn chưa thu hồi vốn và điều quan trọng nữa mà xã cũng đang chưa có hướng giải quyết đó là việc làm cho các công nhân của các lò gạch (khoảng 100 công nhân). Bản thân tôi cũng muốn sớm xóa bỏ những lò gạch này”.

Các chủ lò gạch cũng có đơn kiến nghị lên trên để xin làm nốt số nguyên liệu còn lại. Nói chung, về môi trường các lò gạch đã xa khu dân cư rồi, nguyên liệu không sử dụng nguyên liệu tại chỗ, tức là trước đây các lò gạch khai thác đất tại chỗ để làm nhưng hiện nay họ lại nhập từ nơi khác về”, ông Dương nói.

Tuy nhiên, theo ông Dương thì việc xin lui thời hạn vẫn chưa có bất cứ một văn bản nào đồng ý cả. Xã đã thanh lý hợp đồng cho thuê đất đối với các chủ lò gạch từ cuối năm 2018. Các chủ lò gạch đã có biên bản cam kết tự tháo dỡ theo chỉ đạo. Hơn nữa, mặc dù các chủ lò gạch xin lui thời hạn dỡ bỏ để làm nốt số nguyên liệu còn lại, nhưng ông Dương lại cho biết: “Chúng tôi không có kiểm đếm gì đối với số nguyên liệu còn tồn của các lò gạch này”.

Theo ông Dương cho biết: "Tới chúng tôi sẽ  xây các trụ để cấm các xe trọng tải lớn đi qua, như vậy thì các chủ lò gạch cũng tự phải rút thôi”.

Trước câu hỏi của PV về việc: Mất bao nhiêu lâu nữa mới có thể xóa bỏ hoàn toàn 3 lò gạch nung đang tồn tại? ông Dương cho hay: “Thời gian thì bây giờ vẫn chờ ý kiến chỉ đạo của huyện để giải quyết. Tới chúng tôi sẽ  xây các trụ để cấm các xe trọng tải lớn đi qua, như vậy thì các chủ lò gạch cũng tự phải rút thôi”.

Buổi làm việc, ông Dương đã cung cấp được văn bản số 112/BC-UBND ngày 10/10/2019 của UBND xã Hòa Thạch về việc  Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch chấm dứt lò gạch cải tiến, lò vòng sử dụng nguyên liệu hóa thạch trên địa bàn xã Hòa Thạch do ông Đỗ Văn Dương – Phó chủ tịch xã Hòa Thạch ký, theo Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 19/8/2019 của UBND huyện Quốc Oai. Cụ thể, UBND xã Hòa Thạch đã ban hành các văn bản sau:

Tổ chức thanh lý hợp đồng đối với 3 lò gạch trên địa bàn ngày 25/12/2018. Công văn số 09/UBND-VP ngày 15/1/2019 của UBND xã Hòa Thạch về việc thực hiện chỉ đạo của thành phố về lộ trình chấm dứt lò gạch không nung.Các biên bản làm việc với các chủ lò gạch. Ngày 15/4/2019, các lò gạch đã viết cam kết tự tháo dỡ trả lại mặt bằng trước 1/6/2019. Tuy nhiên sau ngày 30/9/2019, UBND xã kiểm tra hiện trạng và lập biên bản các chủ lò gạch vẫn chưa thực hiện việc thu dọn trả mặt bằng. Do đó, đến ngày 1/10/2019, UBND xã đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với 3 lò gạch. Tiếp đó, UBND xã sẽ hoàn thiện hồ sơ pháp lý để cưỡng chế, thời hạn xong trước ngày 30/11/2019.

Ngày 10/10, UBND xã Hòa Thạch mới có báo cáo gửi UBND huyện Quốc Oai.

Ở một diễn biến khác, ngày 9/10, PV đến liên hệ làm việc tại UBND xã Hòa Thạch. Chỉ sau một ngày (10/10), đã có văn bản số 112/BC-UBND của UBND xã Hòa Thạch về việc Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch chấm dứt lò gạch cải tiến, lò vòng sử dụng nguyên liệu hóa thạch trên địa bàn xã Hòa Thạch gửi UBND huyện Quốc Oai. Văn bản báo cáo này có ngay sau một ngày PV liên hệ làm việc chỉ là trùng hợp hay đến khi báo chí vào cuộc thì xã mới làm báo cáo?

Hết hạn cho thuê đất, nhưng UBND xã Hòa Thạch vẫn cho sử dụng?

Trước đó, trong buổi làm việc với PV, ông Lê Ngọc Đài – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh VLXD Đại Lộc cho biết, đất lò gạch là hợp tác xã cho thuê với thời hạn là 5 năm. Năm 2018 là xã cho thuê một năm, tức là đến hết tháng 12/2018 là chấm dứt hợp đồng: “Làm gì có hợp đồng đâu, nhưng vẫn chưa bị thu hồi, thỉnh thoảng người ta làm thế này cũng chỉ là chống chế với cấp trên. Bây giờ thu tiền bằng các công quỹ, cho thôn làm cái này cái kia. Huyện không cho phép làm hợp đồng nữa, nên không thể cho thuê và thu tiền như trước được. Tiền thì vẫn phải đóng như trước là 2.6 triệu/sào/năm mà lại như đi làm chui”.

Liên quan đến vấn đề này, vị Phó Chủ tịch xã Hòa Thạch cũng thừa nhận, đã thanh lý hợp đồng thuê đất vào tháng 12/2018. Danh nghĩa trên pháp lý là không có, nhưng các lò gạch vẫn tiếp tục làm ở đây thì phải đóng tiền bằng cách ủng hộ các công trình.

Hợp đồng cho thuê đất làm lò gạch đã được thanh lý từ ngày 25/12/2018, nhưng đến nay vẫn được sử dụng mà chưa bị thu hồi.

Trên thực tế, gọi là “ủng hộ”, nhưng theo lời ông Đỗ Văn Dương thì: “Nói là ủng hộ nhưng mình cũng có trao đổi với họ, số tiền ủng hộ sẽ bằng tiền cho thuê như trước. Vừa rồi họ cũng ủng hộ được hơn 80 triệu đồng vào công trình của thôn Hòa Trúc. Tiền ủng hộ, chi tiêu giám sát thôn sẽ chịu trách nhiệm và công khai tài chính”.

Về số tiền “ủng hộ” mà ông Dương nói tới, PV có yêu cầu cung cấp các hồ sơ về việc thu chi. Nhưng tại buổi làm việc, ông Dương chưa cung cấp được và lý giải rằng: “Vì trên pháp lý không có, nên thu tiền cũng không thể có hóa đơn hay giấy tờ gì được”.

Khi được hỏi về việc “ủng hộ” các công trình thay cho việc trả tiền thuê đất từ trước của các lò gạch, huyện có biết hay không? Thì ông Dương – Phó Chủ tịch xã Hòa Thạch lại trả lời rằng: “Thật ra là không được như thế và huyện cũng không biết”.

Như vậy, từ đầu năm 2019 đến nay, 3 lò gạch trên địa bàn xã Hòa Thạch là sử dụng “chui” quỹ đất công mà xã vẫn chưa thu hồi, hơn nữa dù là làm "chui" nhưng vẫn phải "ủng hộ" một khoản tiền tương ứng với sô tiền mà trước đó phải trả. Trách nhiệm của UBND xã Hòa Thạch trong việc này như thế nào?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Quốc Oai: Hết hạn cho thuê đất, UBND xã Hòa Thạch vẫn “cho” sử dụng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.