Thứ sáu, 19/04/2024 11:20 (GMT+7)

Quyết không trở thành “bãi rác” của thế giới, ĐNA đòi trả lại rác

MTĐT -  Thứ tư, 29/05/2019 17:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước lo ngại sẽ trở thành "bãi rác" của các nước phát triển, các nước Đông Nam Á bắt đầu có những bước đi cứng rắn, tuyên bố trả rác về nơi sản xuất.

Theo Guardian, trong những năm qua, rác thải trên thế giới đã đổ bộ về các cảng biển một số quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Indonesia và Malaysia.

Đặc biệt, sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu năm 2018, các quốc gia khu vực ASEAN đã trở thành điểm đến mới cho rác thải từ các quốc gia phát triển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, điều này sẽ không kéo dài. Những quốc gia trên tuyên bố sẽ “trả rác về nơi sản xuất”, Guardian cho biết.

Mới đây, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cảnh cáo cắt quan hệ ngoại giao với Canada nếu chính phủ quốc gia này không lấy lại 69 container chứa 1.500 tấn rác thải xuất khẩu đến Philippines trong năm 2013 và 2014.

Người dân Philippines biểu tình đòi trả rác về Canada. Ảnh: AP.

Nhà lãnh đạo Philippines còn tuyên bố nếu chính phủ Canada không hành động nhanh chóng thì Manila sẽ tự đưa số rác về lãnh hải của Canada và đổ chúng ở đó.

Dẫn nguồn tin RT, VTCNews đưa tin, khoảng 103 thùng chứa chất thải sinh hoạt, chai nhựa, túi nhựa và tã người lớn đã qua sử dụng được vận chuyển từ Canada tới Philippines trong khoảng thời gian 2013-2014.

Số chất thải từ ít nhất 26 container trong số này bị chôn vùi dưới một bãi rác ở Philippines. Nhiều người dân địa phương phàn nàn về việc không thể chịu đựng mùi hôi thối bốc lên từ đống rác thải này.

Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các đối tác tại Manila hồi tháng 11/2017, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố sẽ xử lý số rác này nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ chuyển biến nào.

Manila đã nhiều lần chỉ trích Canada, kêu gọi Ottawa có trách nhiệm trong vụ việc. Tuy nhiên, quốc gia Bắc Mỹ mới đây khẳng định việc chuyển các lô hàng tới được một công ty tư nhân Canada gửi cho các đối tác Philippines nên chính phủ không liên quan.

Năm 2018, Thái Lan và Malaysia đã ban hành luật ngăn chặn rác thải nước ngoài cập cảng địa phương.

Ngày 23/4, Chính phủ Malaysia công bố kết quả điều tra rằng rác thải từ Anh, Australia, Mỹ và Đức đã bị tuồn trái phép vào quốc gia này.

Bộ trưởng Năng lượng, Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia - bà Yeo Bee Yin hôm 28/5 đã đưa ra tuyên bố sẽ trả lại khoảng 3.300 tấn rác thải nhựa không thể tái chế cho các nước như Mỹ, Anh, Canada, Úc... trong bước đi nhằm ngăn nguy cơ trở thành "bãi rác" của các quốc gia giàu có.

Bộ trưởng Yeo nhận định Malaysia và nhiều nước đang phát triển khác đã trở thành mục tiêu mới sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải nhựa vào năm ngoái. Trong nỗ lực đối phó, nhà chức trách Malaysia đã đóng cửa hơn 150 cơ sở xử lý rác thải phi pháp kể từ tháng 7/2018. Ngoài ra, bà Yeo kêu gọi các nước phát triển xem xét lại vấn đề quản lý rác thải nhựa và ngưng xuất khẩu chúng đến các nước đang phát triển - một hành vi bị chỉ trích là "không công bằng và không văn minh".

Một bãi rác thải nhựa tại Malaysia. Ảnh: HuffPost.

Tại Thái Lan, giới chức giảm hạn ngạch nhập khẩu rác nhựa từ vài trăm nghìn tấn xuống còn 70.000 tấn và chỉ cho phép nhập nhựa tốt, có thể tái chế.

Theo Báo cáo Tái chế năm 2018 của tổ chức phi lợi nhuận Greenpeace, lượng nhập khẩu rác nhựa của Thái Lan tăng lên mức 75.000 tấn mỗi tháng vào đầu năm 2018, chủ yếu đến từ Nhật Bản, Mỹ và Hong Kong.

Khi các tác động môi trường ngày càng trở nên rõ rệt ở các vùng nông thôn Thái Lan, chính phủ nước này đẩy mạnh xử lý các nhà máy tái chế nhựa trái phép.

Giữa năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan ra lệnh cấm nhập khẩu rác nhựa trong vòng 6 tháng và cho biết họ có kế hoạch cấm hoàn toàn nhập khẩu phế liệu nhựa, kể cả có thể tái chế, trước năm 2020.

Tại Việt Nam, tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu năm ngoái là hơn 9,2 triệu tấn, tăng hơn 1,3 triệu tấn so với năm 2017. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu đã đưa chất thải nguy hại, chủ yếu là phế liệu nhựa, kim loại, săm lốp cao su thải, vỏ ôtô, tàu biển chưa làm sạch tạp chất, ắc quy chì thải, sản phẩm điện tử đã qua sử dụng về Việt Nam, gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy có 23.453 container phế liệu đang lưu giữ tại các cảng biển, trong đó 9.825 container lưu trữ trên 90 ngày, chưa làm thủ tục hải quan tính đến đầu tháng 4.

Bộ Tài chính đề xuất bán đấu giá lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Nếu là lô hàng chứa chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn, cơ quan hải quan yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm vận chuyển ra khỏi Việt Nam.

Nỗ lực chống lại rác thải độc hại tại Đông Nam Á bắt đầu từ năm ngoái sau khi một số nước, như Thái Lan, Malaysia, thông qua luật ngăn chặn chúng đến cảng biển mình. Nhiều người tin rằng đây là cách duy nhất để buộc các nước xuất khẩu rác thải, chủ yếu là ở phương Tây, đối mặt với vấn đề này, thay vì chuyển gánh nặng cho các nước đang phát triển. Theo thống kê, chỉ có 9% rác thải nhựa của thế giới được tái chế. Hầu hết số còn lại được đưa đến các bãi rác khắp Đông Nam Á hoặc bị thiêu hủy trái phép, thải ra khói độc hại.

Đông Nam Á bắt đầu đối mặt vấn đề trên vào đầu năm 2018 sau khi Trung Quốc ngưng nhận và tái chế rác thải nhựa từ bên ngoài do nỗi lo về môi trường. Những công ty tư nhân nhận xử lý rác thải cho một số chính phủ đã chạy đua tìm kiếm địa điểm mới cho món hàng xuất khẩu không được chào đón này và Đông Nam Á trở thành lựa chọn thay thế được ưa chuộng.

Theo tổ chức Greenpeace, số lượng rác thải nhựa nhập khẩu Malaysia đã tăng vọt từ 168.500 tấn năm 2016 lên 456.000 tấn chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, chủ yếu đến từ Anh, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Úc và Mỹ. Còn tại Indonesia, 60 container chứa rác thải độc hại đã hiện diện tại một cảng trên đảo Riau trong 5 tháng qua. Theo các nhà hoạt động, cái giá môi trường và xã hội đến từ rác thải nhựa không hề nhỏ chút nào, như nguồn nước ô nhiễm, cây trồng hư hại và sự bùng phát của các căn bệnh hô hấp.

Công ước Basel, một thỏa thuận đa phương về xử lý chất thải trên toàn cầu, đã được sửa đổi trong tháng này để cấm việc đưa rác thải nhựa ô nhiễm và không thể tái chế đến các nước đang phát triển mà không có sự đồng ý của họ. Tuy nhiên, điều này đến năm 2020 mới có hiệu lực và không phải tất cả các nước Đông Nam Á đều là thành viên ký kết của công ước.

Tuy nhiên, ngay cả khi các chính phủ Đông Nam Á bắt đầu giải quyết vấn đề, rác thải vẫn tiếp tục được đưa đến. Tại Indonesia, 60 container chất thải độc hại từ nước ngoài đã nằm tại một cảng trên đảo Riau trong 5 tháng qua. Tuần trước, những thùng rác vụn đô thị từ Australia xuất hiện ở Philippines, được dán nhãn là nhiên liệu nhằm qua mặt hải quan. Các quan chức hải quan Philippines xác nhận họ đang làm việc để trả lại số rác này.

Beau Baconguis, thành viên GAIA châu Á  - Thái Bình Dương, liên minh các tổ chức phi chính phủ về rác thải, đã chỉ ra việc làm thế nào các nước phát triển phương Tây vẫn chỉ sẵn sàng nhận lại rác thải của chính họ "một cách bất đắc dĩ".

"Đây là rác thải của họ, vì vậy các nước này phải chịu trách nhiệm", ông Baconguis nói. "Đối với chúng tôi, việc các nước nghèo phải tiếp nhận rác thải của các nước giàu, chỉ vì các nước giàu không muốn giải quyết vấn đề, là một sự bất công về môi trường. Vì vậy, hy vọng khi rác của họ được gửi trở lại, cuối cùng các quốc gia này sẽ buộc phải hành động ngay tại cửa nhà mình".

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Quyết không trở thành “bãi rác” của thế giới, ĐNA đòi trả lại rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?