Thứ sáu, 19/04/2024 08:11 (GMT+7)

Rác điện tử: “Quả bom hẹn giờ độc hại”

MTĐT -  Thứ hai, 21/05/2018 13:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cùng với sự phát triển chóng mặt của ngành công nghệ thông tin, rác điện tử đang trở thành mối nguy hại đe dọa nghiêm trọng sức khỏe và môi trường sống của con người.

Rác thải điện tử nguy hiểm như thế nào?     

Rác thải điện tử, bao gồm bất kỳ sản phẩm dùng pin và dây dẫn điện, thường chứa các vật liệu độc hại cho con người và môi trường. Khi hết thời hạn sử dụng, bị lỗi, chúng sẽ bị thải bỏ và trở thành rác điện tử.

Với sự phát triển của ngành công nghệ chóng mặt như hiện nay thì rác điện tử đang có tốc độ tăng nhanh gấp 3 lần so với các loại rác thải khác. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người như các bệnh ung thư, đường hô hấp, tim mạch và thần kinh.

Năm 2016, số lượng rác thải điện tử là 44,7 triệu tấn, tăng 3,3 triệu tấn, hay 8% so với năm 2014. Các chuyên gia dự đoán lượng rác thải điện tử sẽ tăng 17% lên đến 52,2 triệu tấn vào năm 2021. Trong năm 2016, chỉ có 20%, tương đương 8,9 triệu tấn, rác thải điện tử được tái chế.

Với 53,6% hộ gia đình trên toàn cầu hiện truy cập Internet, những chính sách và luật quản lý rác thải điện tử ở quy mô quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý hành vi của những cá thể liên quan đến rác điện tử.

Rác thải điện tử đang là mối nguy hại đe dọa toàn cầu. Ảnh minh họa: Internet.

Theo Liên Hợp Quốc, khối lượng rác thải điện tử hàng năm trên toàn cầu sẽ tăng 33% vào năm 2017. Cụ thể, khối lượng các sản phẩm điện tử thải ra mỗi năm trên toàn cầu sẽ tăng lên 65,4 triệu tấn mà phần lớn sự gia tăng lại xuất phát từ các quốc gia đang phát triển.

Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), trong rác thải điện tử có chứa hơn 1.000 hợp chất khác nhau, chủ yếu là thành phần kim loại nặng, kim loại quý, các chất hữu cơ cao phân tử khác… trong đó có chứa nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Ngoài ra, chất độc có trong đồ điện tử cũ khi bị phát tán ra môi trường sẽ khó có thể nhận biết, dễ gây tâm lý chủ quan với những tác hại mà các chất độc này có thể gây ra, những hóa chất này tiềm ẩn nguy cơ gây ra các chứng bệnh rất khó chữa trị và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người như bệnh ung thư, bệnh về đường hô hấp, bệnh tim mạch và thần kinh…

Theo đó, các hóa chất độc hại là nguyên liệu cần thiết cho thiết bị điện tử nhưng chính nó lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người lao động, cộng đồng và môi trường. Vấn đề này đã được nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Scotland, Hàn Quốc… cảnh báo.

Đặc biệt, công nhân làm việc trong ngành này thường phải tiếp xúc với các mối nguy hại từ axít trong quá trình ăn mòn, làm sạch thiết bị, chất khí dễ cháy nổ, hơi khí độc, tia cực tím, phóng xạ... Tổ chức Lao động thế giới (ILO) thống kê được mỗi năm có 160 triệu người mắc bệnh nghề nghiệp, có khoảng 438.000 người bị chết do hóa chất nguy hiểm gây ra.

Rác điện tử tại Việt Nam

Không chỉ ở những nước phát triển, mà ngay cả những nước đang phát triển rác thải điện tử cũng đang trở thành vấn đề nạn giải làm đau đầu các nhà quản lý.

Tại Việt Nam, theo một báo cáo của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, lượng phát thải tivi ở Việt Nam vào năm 2025 có thể lên tới 250.000 tấn.

Theo tiến sỹ (TS) Nguyễn Đức Quảng - bộ môn Quản lý môi trường, ĐH Bách khoa Hà Nội, lượng chất thải điện tử ở Việt Nam mỗi năm tăng khoảng 100.000 tấn, chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình (đồ gia dụng điện tử), văn phòng (máy tính, máy photocopy, máy fax...), các bộ sản phẩm điện tử lỗi và các thiết bị thải được nhập khẩu bất hợp pháp.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, do chứa nhiều vật liệu có giá trị, loại chất thải này cần được coi là nguồn tài nguyên cần quản lý đặc biệt để tái chế. Tuy nhiên, theo Giáo sư - tiến sỹ (GS-TS) Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, việc tái chế chất thải điện tử ở Việt Nam hiện mới dừng ở khâu tháo dỡ, phân loại (tách nhựa, đồng, nhôm... một cách thủ công).

Nhà máy tái chế rác thải di động thuộc tập đoàn Re-Tem ở Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

“Việc nghiền và phân tách kim loại đang được thực hiện chỉ có thể coi là sơ chế chứ chưa phải là tái chế. Bởi tái chế là phải ra được sản phẩm cuối cùng, trong khi chúng ta đang phải đưa kim loại sau sơ chế sang Trung Quốc để tinh chế thì mới thành nguyên liệu” - GS Chi nói.

Về việc tái chế, phân loại rác thải điện tử, đại diện Công ty CP môi trường đô thị và công nghiệp 10 (Urenco 10) - cho biết: “Chúng tôi chưa có nhiều công nghệ để xử lý chất thải điện tử. Tivi, tủ lạnh, máy điều hòa... vẫn đang được xử lý như chất thải công nghiệp - chủ yếu là đốt, chưa phân loại chi tiết đâu là bản mạch, đâu là nhựa, đồng, sắt...”.

GS Kim Chi cảnh báo, việc tái chế không đúng quy cách là mối họa lớn khi các chất độc hại và kim loại nặng như chì, thủy ngân rò rỉ. “Vỏ nhựa của rất nhiều thiết bị điện tử có hàm lượng chất độc cao, bao gồm các hợp chất hữu cơ dạng bền có thể gây ung thư. Việc nghiền, cắt nhựa sẽ phát sinh các hạt bụi li ti chứa tác nhân nguy hại như PBDDs, PBDEs; nếu không bảo hộ bằng mặt nạ, khẩu trang sẽ rất dễ hít phải. Khi đó, chất độc sẽ đi vào máu tới nhiều cơ quan, trở thành mối nguy tiềm ẩn” - GS Chi nói.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Rác điện tử: “Quả bom hẹn giờ độc hại”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.