Thứ năm, 28/03/2024 15:43 (GMT+7)

“Rác là tài nguyên, không phải chất gây ô nhiễm”

MTĐT -  Thứ sáu, 08/02/2019 22:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Năm 2018, ngành tài nguyên và môi trường đã tạo ra những gam màu sáng hơn trong bức tranh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Năm 2018, ngành tài nguyên và môi trường đã tạo ra những gam màu sáng hơn trong bức tranh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng đất nước theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, rào cản để ngành tài nguyên và môi trường thực sự phát huy sức mạnh tập thể, thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi 2019, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã dành thời gian chia sẻ với PV Báo Điện tử VietnamPlus những suy nghĩ, trăn trở của mình trước những vấn đề còn tồn tại, cũng như lộ trình quản lý phát triển ngành trong giai đoạn mới.

Xin Bộ trưởng cho biết tóm tắt những điểm sáng nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường mà ông cảm thấy tâm đắc nhất trong năm qua?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Có thể nói năm 2018 là một năm đổi mới của ngành, từ bị động chuyển sang chủ động hơn trong công tác quản lý. Ngành cũng tập trung giải quyết các tồn tại do quá trình phát triển để lại.

Năm 2018 cũng đánh dấu bước chuyển biến biến rõ nét trên các lĩnh vực, như Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá là có nhiều “gam màu sáng.” Trước tiên là thể chế, chính sách, pháp luật đã được hoàn thiện phù hợp với thực tiễn; giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường.

Ngành đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược dài hạn cho giai đoạn phát triển mới như: Kết luận của Bộ Chính trị về đất đai, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển với nhiều chủ trương mới nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn.

Cùng với đó, cải cách hành chính cũng đã được đẩy mạnh, bãi bỏ, sửa đổi gần 63% điều kiện kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa 51% thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Các chỉ số đánh giá cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tăng đều qua các năm. Chỉ số đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản xếp hạng 60 trong 190 nước được tổ chức quốc tế đánh giá.

Công tác thanh tra, kiểm tra đã được triển khai có trọng tâm, trọng điểm giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn. Cụ thể, từ năm 2016-2018, toàn ngành đã tiến hành hơn 7.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó kiến nghị thu hồi gần 13.000 ha đất vi pham, phạt vi phạm hành chính 344 tỷ đồng (trong đó, năm 2018 đã xử phạt vi phạm hành chính 116 tỷ đồng, thu hồi 695 ha đất). Nhiều vụ việc phức tạp kéo dài nhiều thời kỳ đã qua nhiều cấp giải quyết đang được tập trung xử lý dứt điểm.

Nghiêm cấm việc sử dụng cát, sỏi trái phép. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Lợi thế của biển ngày càng được phát huy, các địa phương có biển đã trở thành khu vực phát triển năng động, đóng góp trên 60% GDP cả nước. Công tác nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản được thực hiện tích cực. Tài nguyên nước được quản lý, sử dụng phục vụ đa mục tiêu, tiết kiệm, đóng góp cho ngân sách với tiền cấp quyền khai thác đã được phê duyệt đạt 7 nghìn tỷ đồng, năm 2018 thu hơn 850 tỷ đồng.

Phương thức quản lý môi trường được đổi mới, chủ động kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm, đảm bảo các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao như Formosa Hà Tĩnh, Lee&Man tại Hậu Giang, Lọc hoá dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa,… được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động an toàn, đóng góp cho tăng trưởng.

Việc dự báo chính xác các cơn bão bão và tăng hạn dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ cũng đã góp phần giảm thiệt hại so với năm 2017. Đặc biệt là đã dự báo sớm các xu thế thời tiết để các Bộ, ngành, địa phương chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh; chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng như cơ sở dữ liệu đất đai, số hoá hệ thống thông tin địa lý, siêu dữ liệu viễn thám,… để sẵn sàng ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

- Bên cạnh những điểm sáng nổi bật, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng ô nhiễm môi trường cũng đang gây bức xúc, thách thức quá trình phát triển bền vững; khai thác cát sỏi trái pháp luật diễn ra ở nhiều nơi. Xin Bộ trưởng cho biết, trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ giải quyết các vấn đề này thế nào?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đúng là trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường còn tồn tại rất nhiều khó khăn. Khi kết luận tại Hội nghị tổng kết của ngành năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc đã nói có 4 vấn đề người dân còn lo lắng, quan tâm thì thuộc về lĩnh vực tài nguyên môi trường như: Ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, thiên tai, biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra tình trạng quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản còn lãng phí, sai phạm; tại một số đô thị “đường biến thành sông,” nội đô ngập nặng khi gặp mưa lớn. Một số cán bộ trong hệ thống tài nguyên và môi trường chưa gương mẫu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, thậm chí có cán bộ tham nhũng, tiêu cực...

(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Vì thế, vấn đề trăn trở nhất hiện nay là bằng các giải pháp, hoàn thiện về mặt tổ chức, xây dựng đội ngũ lực lượng; hoàn thiện thể chế chính sách, giải quyết các vấn đề người dân lo lắng, bức xúc.

Bộ cũng sẽ ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường tiệm cận với các nước phát triển trong khu vực và thế giới nhằm thiết lập các hàng rào kỹ thuật, đảm bảo sự chủ động trước các nguy cơ dịch chuyển ô nhiễm, công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Tăng cường thanh tra đột xuất phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở đó, ngành sẽ tập trung giải quyết các vấn đề nóng, vấn đề người dân lo lắng về môi trường hiện nay như quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thông qua việc nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường.

Chúng tôi cũng sẽ tăng cường kiểm soát, giám sát chặt chẽ các nguồn thải; yêu cầu các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động, lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật, truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đối với quản lý vấn đề cát sỏi lòng sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ Nghị định quy định về vấn đề này với các giải pháp đồng bộ. Trong đó, quy định việc quản lý, quy hoạch sử dụng tài nguyên cát, sỏi theo lưu vực sông; quy định trách nhiệm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Bộ, ngành liên quan từ khi lập quy hoạch; cấp phép thăm dò, khai thác cho đến tập kết, mua bán, vận chuyển cát, sỏi lòng sông.

Tất nhiên, Nhà nước sẽ thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông; đấu thầu thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch; đấu giá khối lượng cát, sỏi lòng sông thu hồi được (nếu có) từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch. Đồng thời khuyến khích phát triển các loại vật liệu thay thế cát tự nhiên; nghiêm cấm việc sử dụng cát, sỏi trái phép.

- Thưa Bộ trưởng, đối với vấn đề rác thải sinh hoạt nông thôn, thời gian qua đã được Chính phủ, cũng như cá nhân Bộ trưởng quan tâm. Tuy nhiên tại các vùng nông thôn hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý, ô nhiễm nghiêm trọng. Vậy năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các Bộ, ngành liên quan sẽ có hướng quy hoạch, xử lý thế nào?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đúng là vấn đề chất thải đô thị và nông thôn ở Việt Nam đến nay đã trở thành vấn đề hết sức nóng. Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo để xác định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý rác thải đô thị và nông thôn.

Vừa rồi, tại cuộc họp Chính phủ cũng đã bàn tới vấn đề mất trật tự an ninh do ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án để tăng cường năng lực quản lý, xử lý rác thải đô thị và nông thôn trên cả nước.

Đặc biệt là xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, thống nhất đầu mối để chịu trách nhiệm quản lý về rác thải. Còn hiện nay, vấn đề rác thải đang được phân công khá nhiều Bộ, mỗi bộ đảm nhiệm những nhiệm vụ riêng biêt, đã làm phân tán nguồn lực, cũng như chưa xác định được trách nhiệm.

Khi được sử dụng hợp lý, rác thải chính là tài nguyên. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Với các giải pháp công nghệ hiện nay, trong một thời gian nếu tiến hành đồng bộ với trách nhiệm rõ ràng, sự vào cuộc của các địa phương, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nhận được sự ủng hộ của người dân thì chúng ta hoàn toàn có giải pháp để thực hiện ý tưởng như Thủ tướng đã nói, đó là “xây dựng Việt Nam thành một nền kinh tế tuần hoàn.”

Trong đó, ngành Tài nguyên và Môi trường phải xác định “rác là tài nguyên, rác không phải là chất gây ô nhiễm.” Vì thế, phải tận dụng rác để tái chế, tái sử dụng, đồng thời chuyển hóa rác thành năng lượng, phân bón hữu cơ.

Riêng với ý kiến của tôi, nếu được Chính phủ phân công, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối thống nhất để quản lý rác thải đô thị, nông thôn, thì việc đầu tiên mà tôi sẽ làm tập trung để xây dựng một chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân. Theo tôi, nếu người dân không tham gia thì không bao giờ xử lý được.

Ngành Tài nguyên và Môi trường phải xác định “rác là tài nguyên, rác không phải là chất gây ô nhiễm.” Vì thế, phải tận dụng rác để tái chế, tái sử dụng, đồng thời chuyển hóa rác thành năng lượng, phân bón hữu cơ.

Mặt khác, khi đã có sự phân loại rác tại nguồn, từ các hộ dân, thì việc tham mưu để ban hành các cơ chế chính sách, từ việc xác định trách nhiệm của người chịu trách nhiệm đến hết vòng đời của sản phẩm. Nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm khi sản phẩm mình đã bán ra, đến hết vòng đời thì nhà sản xuất phải thu gom, xử lý, phải tính được chi phí đó. Cũng như mỗi người khi xả rác ra phải chịu một phần chi phí.

Đặc biệt, rác sau khi phân loại sẽ được xem là tài nguyên, đưa vào tái chế, tái sử dụng, và đó sẽ là ngành tạo ra được lợi nhuận, tạo ra công ăn việc làm. Một phần rác sẽ chuyển thành năng lượng để phát điện, hay tạo nguồn phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp. Phần còn lại sẽ đem chôn lấp đảm bảo nghiêm ngặt môi trường.

Trước mắt, trong năm 2019, ngành tài nguyên và môi trường sẽ tập trung triển khai 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Đó là tập trung hoàn thiện thể chế, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường nhằm chuyển đổi phương thức quản lý môi trường, lấy chủ động phòng ngừa ô nhiễm, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, coi rác thải là tài nguyên làm nguyên tắc chủ đạo.

Từ đó, thúc đẩy các biện pháp kinh tế trong quản lý rác thải theo cơ chế thị trường với sự tham gia đồng hành của doanh nghiệp và người dân ngay từ khâu phân loại, thu gom; ứng dụng ứng dụng công nghệ đồng bộ từ tái chế, tái sử dụng rác thải kết hợp với thu hồi năng lượng, sản xuất phân bón. Phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý theo hướng tập trung, thống nhất một đầu mối trong quản lý rác thải…

- Là Bộ trưởng nhận được nhiều câu hỏi nhất trong phiên chất vấn Quốc hội liên quan đến môi trường, đặc biệt là sự cố Formosa. Thế nhưng, trong kỳ họp vừa qua, đại biểu hầu như không nhắc đến Formosa, đây có thể coi là thành tích đối với ngành tài nguyên và môi trường. Vậy làm thế nào để trong năm 2019, chúng ta tiếp tục phát huy được thành tích khi mà môi trường vẫn đang là vấn đề “nóng,” được người dân đặc biệt quan tâm, lo lắng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Những vấn đề môi trường lớn, những dự án lớn gây ô nhiễm mà ảnh hưởng đến môi trường, đến người dân, đó đều là những bài học hết sức đắt giá đối với chúng tôi. Từ đó xác định nhiệm vụ mới trong đổi mới, tiếp cận phương pháp quản lý, để các ngành, các nhà đầu tư không thể chấp nhận việc hi sinh môi trường.

Như hiện nay, người ta ít nói tới Formosa là bởi khâu tuyên truyền còn ít được quan tâm. Ô nhiễm người ta quan tâm nhiều, nhưng thành quả, đóng góp kinh tế của Formosa cũng rất lớn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đáp ứng rất tốt các quy định, giải pháp bảo vệ môi trường chúng ta đặt ra.

Tuy nhiên, từ kết quả, hay bài học sau sự cố Formosa, những người làm công tác quản lý môi trường cũng cần rút ra cho mình những kinh nghiệm, để kiểm soát, khổng để xảy ra những sự cố môi trường tương tự như thế trong tương lai.

- Để công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đạt hiệu quả, công tác thanh tra, kiểm tra cần được triển khai quyết liệt, nhằm phát hiện những yếu kém, hạn chế cũng như xử lý kịp thời các sai phạm. Thời gian tới, công tác này sẽ được ngành triển khai thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trước hết, nội dung thanh tra sẽ vào xử lý tình trạng lãng phí tài nguyên; nhũng nhiễu, hành dân, những vụ việc gây bức xúc trong dư luận như các dự án có quy mô sử dụng đất lớn, các tổ chức sử dụng đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, năm 2019, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường thanh tra đột xuất để xử lý các vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận. Tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng thanh tra ở Trung ương, cảnh sát môi trường và các địa phương; thiết lập cơ chế trao đổi thông tin để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp đối tượng thanh tra.

(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Những vấn đề môi trường lớn, những dự án lớn gây ô nhiễm mà ảnh hưởng đến môi trường, đến người dân, đó đều là những bài học hết sức đắt giá đối với chúng tôi.

Quá trình thanh tra nếu phát hiện các vi phạm có liên quan đến cơ quan nào, sẽ phối hợp với các ngành để thực hiện thanh tra trách nhiệm của cơ quan ấy. Khi phát hiện sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để tạo sự răn đe, phòng ngừa, cần phát hiện sửa đổi ngay các kẽ hở, lỗ hổng.

Trong năm 2019, ngành cũng sẽ tổ chức lực lượng thanh tra theo vùng để nắm bắt và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành, xác định các đối tượng thường xuyên vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm cao để giám sát chặt chẽ.

Ngành cũng đa dạng hoá các kênh thông tin để tiếp nhận các phản ánh kiến nghị của người dân, trong đó báo chí là một trong những kênh hữu hiệu để ngành triển khai các cuộc thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời các vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước./.

Theo Vietnam+

Bạn đang đọc bài viết “Rác là tài nguyên, không phải chất gây ô nhiễm”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.