Thứ ba, 23/04/2024 22:19 (GMT+7)

RTN 25:Trường Sa 'không rác thải nhựa' và thông điệp gửi về đất liền

MTĐT -  Thứ hai, 10/02/2020 10:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau những cơn bão đi qua, từng lớp rác thải dày đặc cứ thế trôi dạt vào các điểm đảo của quần đảo Trường Sa. Các cán bộ, chiến sỹ nơi đầu sóng, ngọn gió lại cùng nhau thu gom, xử lý.

Chàng lính trẻ đam mê… nhặt rác

Đúng 5 giờ 30 phút, sau khi ngủ dậy, vệ sinh cá nhân và tập thể dục, binh nhất Cao Văn Đạt (đóng quân tại đảo Trường Sa) lại khẩn trương cùng đồng đội mang dụng cụ cùng bao tải ra ven bờ biển thu gom rác thải. Đêm hôm trước, biển động kèm theo mưa lớn khiến lượng rác thải dạt vào bờ nhiều hơn mọi ngày. Cẩn thận dùng chiếc que nhỏ đào những vỏ chai nhựa vùi sâu trong cát lên, chàng lính trẻ quay sang bảo nhóm chiến sỹ tham gia cùng: “Chắc lát nữa giao ban sang phải đề xuất với chỉ huy đợt tới có tàu ra là gửi vào đất liền thôi. Dễ cũng phải mấy chục bao rác thải nhựa rồi đấy”.

Còn nhớ mấy hôm trước, hơn nửa thành viên trong đoàn công tác thăm và tặng quà ở các đảo phía Nam quần đảo Trường Sa bị say sóng. Một trong những lo lắng thường trực của chúng tôi là việc tổ chức lên đảo vô cùng khó khăn do nhiều điểm đóng quân nằm trên dòng hải lưu chảy mạnh và đặc điểm địa chất nên nơi đây quanh năm sóng to, gió lớn. Thế nhưng khi đặt chân lên đảo, mọi người gặp hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ở một nơi thời tiết khắc nghiệt nhất trên biển Đông nhưng không gian sống vô cùng sạch đẹp. Hôm chúng tôi ghé thăm đúng ngày thứ 7, Thiếu tá Trịnh Xuân Huân, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa không ngại ngần đề nghị: “Mời các nhà báo cùng đoàn viên, thanh niên của đảo làm sạch môi trường biển nào”.

Quân dân trên đảo Trường Sa đón chào đoàn công tác đến thăm và tặng quà Xuân Canh Tý 2020.

Vậy là cả đoàn theo chân các chiến sỹ ra bờ biển làm việc. “Rác thải trôi dạt vào đảo nhiều lắm anh ạ. Đa phần do các tàu đánh cá xả thải trực tiếp xuống biển và có cả một phần không nhỏ từ đất liền trôi dạt ra khơi sau những đợt nước lớn”, Đạt kể chuyện với tôi.

Chàng trai quê Nam Định tỏ ra hứng thú khi thấy tôi quan tâm về hoạt động này. “Em nhận nhiệm vụ ra đảo Trường Sa từ tháng 7/2019. Ngay từ khi tàu cập bến, đoàn chúng em đã được chỉ huy quán triệt hạn chế tối đa dùng các vật dụng bằng nhựa, thay thế túi ni-lông bằng vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường. Hôm Tết vừa rồi gọi điện thoại về nhà, em còn xin bố mẹ chuyển máy nói chuyện với từng đứa em để căn dặn bọn nó ở nhà thu gom rác thải đúng cách rồi phân loại, xử lý thế nào. Mải nói chuyện đến lúc điện thoại hết tiền mà chưa kịp chúc Tết. Nghĩ lại vừa thấy buồn cười, vừa thấy vui”, Đạt gãi đầu tâm sự.

Bằng những kinh nghiệp học được từ những cán bộ công tác lâu năm ngoài đảo, Đạt vừa cắt nghĩa vừa làm thực tế để tôi hiểu: “Từ khu mép nước trở ra biển 5 mét nếu có rác thải rắn chìm xuống thì mình phải lội nước nhặt lên để tránh rác thải tiếp tục trôi dạt ra biển. Đối với rác thải thì nếu lá cây, chất hữu cơ sẽ được gom lại để dùng máy xay nhỏ làm phân mùn. Còn rác thải kim loại sẽ đập bẹp bỏ bao, rác thải nhựa thì chúng em tập kết lại cho vào các ngăn riêng biệt của thùng rác cất giữ chờ gửi tàu đưa vào bờ. Riêng với thủy tinh, sành, sứ đảo sẽ tập trung ở một khu vực và làm nhân đúc bê tông thành những viên gạch để xây dựng công trình”.

Vệ sinh, thu gom rác thải tại các bờ đảo là việc làm thường xuyên của những người lính trên đảo Trường Sa.

Tham gia thu gom rác thải ven bờ biển ngoài các chiến sỹ còn có bóng dáng của nhiều người dân sống trên đảo Trường Sa. Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Phương Dung chia sẻ: “Mỗi buổi sáng sớm, vợ chồng mình vẫn tham gia thu dọn rác thải trên bãi biển cùng bộ đội. Thú thật trước đây, nhà mình cũng không để ý, cứ tiện tay là đổ rác ra biển. Nay được các chỉ huy đảo phân tích tác hại của rác thải, gia đình mình không chỉ phân loại rác và đổ rác đúng nơi quy định mà còn tích cực dọn rác cùng các chú bộ đội để đảo luôn sạch”.

Những con tàu vượt trùng khơi chở rác thải nhựa về đất liền

Tiếp tục hành trình, điểm đến tiếp theo của chúng tôi là đảo Trường Sa Đông. Ở đây cơ sở hạ tầng khang trang, nhiều cây xanh và tuyệt nhiên không thấy rác thải bừa bãi. Dẫn chúng tôi đi thăm những vườn rau tươi tốt, Trung tá Lê Đình Lân - Bí thư Liên chi đoàn đảo Trường Sa Đông phấn khởi giới thiệu: “Trường Sa Đông giờ đây mang dấu ấn đậm nét công tác bảo vệ môi trường”.

Trung tá Lê Đình Lân - Bí thư Liên chi đoàn đảo Trường Sa Đông đang điều hành đoàn viên, thanh niên trên đảo thu gom và xử lý rác thải.

Theo Trung tá Lân, việc gìn giữ môi trường biển của đảo Trường Sa Đông đã được thực hiện từ lâu, với tên gọi “Hãy làm sạch biển”. Năm nay, hưởng ứng Chiến dịch Thanh niên Hải quân chung tay làm sạch biển và chống rác thải nhựa, tuổi trẻ Trường Sa Đông đã tổ chức nhiều đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh, tôn tạo cảnh quan môi trường trong đơn vị. 

“Chúng tôi xác định thu gom và xử lý, đặc biệt với rác thải nhựa là việc làm trách nhiệm và thường xuyên. Hàng tuần, cán bộ, chiến sĩ trên đảo sẽ có một buổi tổng vệ sinh khuôn viên đảo và một buổi thu dọn các loại rác thải trôi dạt vào bờ biển. Sau khi thu dọn xong sẽ phân loại, đối với rác thải hữu cơ sẽ ủ để làm phân bón cho cây, còn rác thải vô cơ như các loại chai, lọ sẽ được thu gom để chuyển vào đất liền xử lý”, Bí thư Liên chi đoàn đảo Trường Sa Đông chia sẻ thêm.

Các chiến sỹ trên đảo Trường Sa Đông chia thành nhiều tổ tham gia làm sạch biển.

Ở các đảo An Bang, Thuyền Chài, Đá Đông, Đát Lát… chúng tôi đều nhận thấy vấn đề môi trường được các cán bộ, chiến sĩ cùng người dân đặc biệt quan tâm. Khu vực để rác luôn có những từng bao và tấm biển phân rõ từng loại như rác chai nhựa, vỏ lon, rác nilon, giấy... được để gọn gàng, ngăn nắp. Chiếc tàu Kiểm ngư mang số hiệu 491 đưa đoàn chúng tôi ra thăm đảo khi về còn được “gửi gắm” hàng chục bao tải chứa rác thải nhựa và rắn đã phân loại để vượt qua cả ngàn hải lý mang về đất liền xử lý theo quy chuẩn.

Đặc biệt tại đảo Đá Tây A, sau khi cùng các chiến sỹ thu gom, phân loại rác thải, chúng tôi còn được tham gia phát quang, cắt tỉa, chăm sóc cây xanh. Dù thời tiết ở đây rất khắc nghiệt nhưng dưới bàn tay chăm sóc của các chiến sỹ hải quân, cây xanh cứ vậy vươn chồi, nở hoa, xanh mướt hai mùa.

Những bao tải đựng rác thải nhựa và rác thải kim loại được tàu chở từ đảo đưa vào bờ để xử lý theo đúng quy chuẩn.

Trò chuyện với chúng tôi, những người lính đã từng đi nhiều đảo kể: Dù môi trường khắc nghiệt nhưng ở các đảo như Song Tử Tây, cây bàng vuông (qua phong ba, bão táp vẫn sừng sững - loài cây biểu tượng trên quần đảo Trường Sa) vẫn được trồng ở khắp nơi, nhiều cây trĩu quả. Ở đảo Sơn Ca thì khỏi nói, bàng vuông che bóng mát từ Trạm Hải đăng đi vào tận khu nhà ở, nhà ăn, khu chỉ huy. Sau giờ trực, rèn luyện, cán bộ, chiến sĩ thường ngồi dưới tán cây để ca hát.

Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân sinh sống trên các cụm đảo nó trên quần đảo Trường Sa luôn đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường và trồng cây xanh.
Sau hơn hai năm, các loại cây tùng bách tán, bàng vuông ngày càng tươi tố, góp phần cải thiện môi trường khắc nghiệt, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo Đá Tây A.

Thượng tá Vũ Văn Xanh, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây A cho biết thêm: “Khẩu hiệu “nói không với rác thải nhựa” được thực hiện bằng cách thu gom rác thải hằng ngày qua sinh hoạt, buộc chặt trong bao bảo quản gửi theo tàu về đất liền để thiêu hủy. Tất cả các hàng mua từ đất liền đều được đựng trong làn cói, lá chuối và các bao bì dễ phân hủy. Ngoài ra, các chiến sĩ ở đây thường xuyên trồng rau xanh, vừa cải thiện đời sống, vừa tạo ra môi trường xanh sạch đẹp, nâng cao sức khỏe, bảo bệ môi trường biển”.

 Từ những lúng túng ban đầu, chỉ một thời gian ngắn, việc phân loại rác tại nguồn trên các đảo được thực hiện một cách quy củ, bài bản.

“Nói không với rác thải nhựa” từ những hành động nhỏ

Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ: “Sau mỗi cơn bão lớn, cả bãi biển chất đầy vỏ chai, túi ni lông, rác. Nếu bây giờ chúng ta không ngăn chặn thì sau này sẽ cực kỳ nguy hiểm. Dần dần rác thải sẽ đầu độc các đảo và tràn ra biển gây hệ lụy về sau”.

Cùng với việc làm sạch bãi biển, lãnh đạo huyện đảo Trường Sa còn kết hợp tuyên truyền ý thức giữ gìn khu vực biển, đảo xanh - sạch - đẹp. Ngư dân đánh bắt xa bờ ở ngư trường Trường Sa thường có thói quen xả rác sinh hoạt trực tiếp xuống biển. Do đó, trong các đợt tàu cá của ngư dân vào âu tàu của nhiều đảo để tránh, trú bão, chỉ huy đảo thường lồng ghép các nội dung tuyên truyền bảo vệ môi trường biển. Nhiều chiến sỹ còn hướng dẫn cụ thể cho ngư dân phân loại rác để đưa vào bờ để xử lý, tuyệt đối không được vứt xuống biển.

Đảo là nhà, biển là quê hương. Sự gắn bó của cán bộ chiến sỹ với biển, đảo được cụ thể hóa qua từng hành động nhỏ nhất

“Chúng tôi mong rằng, không chỉ ngư dân đánh bắt trên biển và bà con sinh sống trên đảo mà cả nhân dân ở đất liền nâng cao ý thức hơn trong việc phân loại, xử lý rác thải để góp phần chung tay bảo vệ môi trường. Việc người dân chung tay dọn dẹp rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường cũng gián tiếp cổ vũ tinh thần đến những chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ giữ hải đảo của tổ quốc”, chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa nhắn gửi thông điệp.

Trẻ con trên đảo tham gia các buổi học ngoại khóa, đặc biệt là giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa bám sát kế hoạch phòng thủ, tác chiến, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân bị nạn...

Hằng năm, quần đảo Trường hứng chịu nhiều cơn bão lớn và thời tiết cực đoan. Do vậy, các chiến sỹ phải thường xuyên thu gom rác thải trôi dạt vào bờ cũng như chặt tỉa cành, chằng chống chúng lại với nhau chống bão. Chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Tâm (quê Phú Yên – đóng quân tại Trường Sa Đông) tâm sự: “Em đã từng ngày chứng kiến vùng biển xinh đẹp nơi quê hương mình dần dần ngập tràn rác thải và luôn cảm thấy rất buồn vì điều đó. Ở đây cũng vậy, nếu chỉ nhìn thoáng qua sẽ không thấy được có rất nhiều vỏ chai, hộp bị sóng đánh, bị cát, đá che lấp. Thế nhưng nếu không được thu dọn thì chỉ ngày hôm sau thôi, mặt nước biển trông đã xấu xí đi nhiều. Những lúc rảnh, lính mới chúng em thường viết thư tay kể chuyện ở đảo xa gửi đất liền. Do không thể gửi đi bằng đường bưu điện như trên bờ nên chúng em nhờ chim bồ câu… chuyển thư hộ”. Tôi hỏi: “Trong thư các em viết gì”, cậu gãi đầu ngượng ngùng: “Nhiều lắm anh, nhắn nhân dân cả nước an tâm, chúng em luôn vững tay súng, ngày đêm bảo vệ tổ quốc. Rồi nhắn mọi người đừng xả rác thải bừa bãi, cùng bảo vệ môi trường biển…”.

“Mỗi người dân chúng ta cùng chung tay bảo vệ môi trường để biển đảo mãi xanh tươi”, Các chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa nhắn nhủ đến đất liền.

Đúng như lời Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa hay những người lính trẻ như Cao Văn Đạt, Nguyễn Văn Tâm, màu xanh của đảo không chỉ làm giảm đi sự khắc nghiệt của thời tiết mà còn giúp cán bộ, chiến sĩ có cảm giác gần gũi như ở nơi quê nhà. Trong điều kiện khắc nghiệt nơi đầu sóng, ngọn gió, nhờ tình yêu, ý chí cùng lòng quyết tâm của quân, dân Trường Sa mà cây vẫn tươi, rau vẫn xanh và hoa vẫn nở trên đá giữa biển khơi. Màu xanh ấy là kết tinh từ công sức, tấm lòng của bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ đã dành một phần cuộc đời mình cống hiến, bảo vệ biển đảo quê hương…

Tại Hội thảo khoa học quốc tế: “Ô nhiễm rác thải nhựa trên biển Việt Nam” do Viện Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Viện Kỹ thuật Nhiệt đới - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức cuối năm 2019, các nhà khoa học cho rằng, chất thải nhựa tồn dư trong môi trường rất lâu dài, hàng trăm năm và đang đầu độc, hủy diện các loài sinh vật biển, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người. Con đường đi của rác thải nhựa từ đất liền ra biển qua các con sông đã khiến môi trường ngày càng ô nhiễm vì thế rất cần những giải pháp đồng bộ. Để làm được điều đó trước hết cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng cùng chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường xanh – sạch cho hôm nay và các thế hệ mai sau…

Tác giả: Cao Tuân

Gmail: [email protected]

Báo: Gia đình và Xã hội 

Bạn đang đọc bài viết RTN 25:Trường Sa 'không rác thải nhựa' và thông điệp gửi về đất liền. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cao Tuân

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới