Thứ năm, 25/04/2024 12:33 (GMT+7)

Sáng nay, không khí Hà Nội vào top thành phố ô nhiễm nhất thế giới

MTĐT -  Thứ bảy, 23/11/2019 09:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

AirVisual xếp thủ đô Hà Nội vào thành phố ô nhiễm thứ hai thế giới với chỉ số AQI "tím ngắt". Chất lượng không khí tại TP.HCM cũng không khả quan điều ở ngưỡng xấu.

Sáng 23/11, Hà Nội duy trì thời tiết nắng hanh khiến cho chất lượng không khí tại đây tiếp tục ở ngưỡng nguy hại.

Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến 8h30, 9/11 điểm quan trắc cho thấy chỉ số AQI ở ngưỡng xấu. Ngoài Tân Mai và Kim Liên có chỉ số AQI dưới ngưỡng 150 - kém, nhóm nhạy cảm nên hạn chế ra ngoài, các điểm quan trắc còn lại đều có chỉ số dao động từ 151 đến 200, mọi người nên hạn chế ra ngoài.

Trong khi đó, trang quan trắc chất lượng không khí theo thời gian thực AirVisual cho thấy chỉ số AQI tại tất cả các điểm đều ở mức xấu tới rất xấu (từ 151 đến 300). Trang này thậm chí còn xếp Hà Nội vào TP ô nhiễm thứ hai thế giới sáng nay với chỉ số AQI tím ngắt - 212 (số liệu tính đến 8h40). Theo đó, hai điểm quan trắc có chỉ số ô nhiễm cao nhất là Tây Hồ và Tô Ngọc Vân, với số liệu lần lượt là 221 và 212.

Trang quan trắc chất lượng không khí theo thời gian thực AirVisual xếp thủ đô Hà Nội là TP ô nhiễm thứ 2 trong các TP được đánh giá sáng 23/11. Ảnh chụp màn hình lúc 8h30 ngày 23/11. 

Tại ứng dụng PamAir, chỉ số AQI cũng đỏ rực tại gần như toàn bộ các điểm quan trắc trên địa bàn Hà Nội. Các số liệu đều nằm trong khoảng từ 151 tới 200.

Còn tại TP.HCM, tình hình cũng không khả quan hơn. Cả ứng dụng AirVisual và PamAir đều cho thấy chất lượng không khí tại đây ở ngưỡng xấu.

Theo AirVisual, một điểm đo mới tại đoạn vòng xoay Phú Hữu - đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9) còn cho thấy chỉ số AQI ở mức nguy hại 322. Đây là khoảng giá trị AQI cao nhất, cho thấy mức độ cảnh báo y tế ở ngưỡng báo động, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mọi người. Đây cũng là điểm quan trắc có chỉ số AQI cao nhất Việt Nam vào thời điểm 8h40 ngày 23/11.

Ứng dụng PamAir cho thấy tình hình "sáng sủa" hơn khi các chỉ số AQI rải đều từ ngưỡng kém tới xấu (101 đến 200). Trong đó, điểm quan trắc có chỉ số ô nhiễm cao nhất nằm ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh với chỉ số 199. Xếp thứ 2 là phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức với chỉ số 157.

Ứng dụng PamAir cho thấy chất lượng không khí ở đa số các điểm quan trắc đều ở ngưỡng xấu. Ảnh chụp màn hình lúc 8h30 ngày 23/11.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở mức nguy hại kéo dài suốt thời gian qua khiến nhiều người rơi vào trạng thái lo lắng, hoang mang. Nhiều người chọn cách hạn chế ra khỏi nhà, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Để tránh bụi mịn, người phải di chuyển nhiều trên đường chọn cách nai nịt rất kỹ lưỡng và sử dụng tới 2-3 khẩu trang để hạn chế hít phải bụi mịn.

Cũng theo Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 92% dân số thế giới đang hít bầu không khí không trong lành. Việt Nam nằm trong các quốc gia có chất lượng không khí kém trên thế giới, trong đó ô nhiễm bụi là vấn đề nổi cộm.

Ở Hà Nội, theo thống kê năm 2018, dân số khoảng 8 triệu người, 6 triệu xe gắn máy, 600 ngàn ôtô, và sự bùng phát các công trình xây dựng do quá trình đô thị hóa nhanh, cùng với việc tiêu thụ 40 triệu Kwh điện và hàng triệu lít xăng dầu mỗi ngày đã gây ra nguồn phát thải khí nhà kính, gây biến đổi khí hậu và làm suy giảm chất lượng không khí của thành phố.

Để giải quyết tình này, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp quản lý, cải thiện môi trường không khí trên địa bàn. Đặc biệt, thành phố xác định lộ trình hỗ trợ người dân loại bỏ bếp than tổ ong đến hết năm 2020 và từ năm 2021 sẽ áp dụng hình thức xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng than tổ ong.

Cùng với đó, thành phố triển khai chiến dịch "Cánh đồng không đốt rơm rạ" nhằm hạn chế, tiến tới đẩy lùi tình trạng này vào năm 2020. Theo đó, nhiều địa phương đã tích cực tuyên truyền để người dân ký cam kết không đốt rơm rạ, sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Tuy nhiên, tình trạng đốt rơm rạ vẫn xảy ra, gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Bạn đang đọc bài viết Sáng nay, không khí Hà Nội vào top thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới