Thứ năm, 28/03/2024 21:30 (GMT+7)

Sau 3 năm làm sạch bằng công nghệ Đức, hồ Ba Mẫu trong xanh trở lại

MTĐT -  Thứ bảy, 25/05/2019 15:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau gần 3 năm TP Hà Nội đưa chế phẩm Redoxy-3C xử lý, tình trạng ô nhiễm tại hồ Ba Mẫu có giảm, nước sạch, xanh, trong hơn. Nhiều loại cá lớn nhỏ sinh sôi nảy nở, bơi lội trên mặt nước.

Sáng 22/5, công ty thoát nước Hà Nội đã lấy mẫu nước hồ Ba Mẫu để đánh giá phân tích sau gần 3 năm làm sạch bằng công nghệ Đức.

Trao đổi với báo Tiền Phong, bà Trần Minh Hiền, phụ trách Trung tâm thử nghiệm môi trường nước, Cty Thoát Nước Hà Nội cho biết, sau gần 3 năm triển khai theo chủ trương của thành phố đến nay đã có 87 trên tổng số 120 hồ khu vực nội thành được xử lý ô nhiễm nước bằng công nghệ phun, rải chế phẩm Redoxy-3C của CHLB Đức.

“Kết quả, tất cả các hồ sau khi được xử lý đều không còn ô nhiễm, không còn cá chết như thời gian trước thời điểm xử lý. Qua kiểm tra chất lượng nước tại các hồ được xử lý ô nhiễm, tất cả các mẫu nước được xét nghiệm đều đạt tiêu chuẩn cột B1 của Bộ TN-MT”, bà Hiền thông tin.

Hồ Ba Mẫu đã trong xanh và bớt mùi sau khi được làm sạch bằng công nghệ của Đức. Ảnh: Internet.

Theo bà Hiền, hồ Ba Mẫu là 1 trong 3 hồ được thành phố cho chủ trương xử lý thử nghiệm ô nhiễm bằng chế phẩm Redoxy-3C đầu tiên. Cụ thể, tháng 8/2016 Cty Thoát nước đã tiến hành thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước tại hồ Ba Mẫu, Giáp Bát, Hố Mẻ, quá trình thực hiện có sự giám sát của Tổ công tác được thành lập theo quyết định của thành phố.

Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thì sau vài năm sử dụng chế phẩm độc quyền Redoxy-3C của Đức, từ các hồ ngoại thành đến trung tâm thành phố đều đã giảm ô nhiễm rõ rệt, được người dân đánh giá cao.

Trước đó, do tình trạng ô nhiễm tại nhiều ao hồ, dẫn đến cá chết hàng loạt, tháng 5/2016, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng đã cùng tổ công tác sang CHLB Đức thực tế, nắm bắt công nghệ xử lý ô nhiễm tại đây.

Hồ Ba Mẫu đang dần hồi sinh. 

Nhận thấy chế phẩm Redoxy-3C xử lý ô nhiễm đơn giản, lại cho hiệu quả cao khi được xử lý tại một số ao hồ tại Đức và một số nước phát triển, lãnh đạo thành phố đã đề nghị đơn vị cung cấp chế phẩm Redoxy-3C tại Đức sang Việt Nam để nắm bắt thực trạng ô nhiễm ao hồ tại đây.

Sau khi đối tác Đức chấp nhận việc trên, công tác thử nghiệm xử lý ao hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C được triển khai tại 3 hồ đầu tiên là Ba Mẫu, Giáp Bát, Hố Mẻ. “Xử lý ô nhiễm ao hồ bằng công nghệ phun, rải chế phẩm Redoxy-3C thì 6 tháng mới phải xử lý lần tiếp theo, với công nghệ xử lý khác chỉ 2 đến 3 tuần lại phải xử lý tiếp”, bà Hiền so sánh.

Từ thực tế hiệu quả của việc xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm Redoxy-3C tại hồ Ba Mẫu, Giáp Bát, Hố Mẻ, bà Hiền cho biết, thành phố đã có chủ trương nhận rộng việc này ra nhiều ao hồ khác. Để tiện cho công tác liên hệ, cung cấp chế phẩm Redoxy-3C, đối tác Đức đã ủy quyền dưới dạng độc quyền cho một doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội được cung cấp cho Cty Thoát nước Hà Nội xử lý ô nhiễm trong hơn 2 năm qua.

Với kết quả này, nhiều người dân trong khu vực, nhất là những người dân thường hay tập thể dục buổi sáng, buổi chiều bên hồ đã tỏ rõ sự vui mừng.

Chị Lê Thị Thu, công nhân vệ sinh môi trường trao đổi với báo Đầu tư cho biết: “từ khi nước hồ được xử lý ô nhiễm chúng tôi cũng làm việc đỡ mệt mỏi hơn do không khí sạch hơn, không còn mùi khó chịu như trước nữa. Việc lấy nước hồ lên tưới cây cũng đỡ bị các nhà ven hồ phàn nàn do nước không bẩn như trước”.

Còn ông Bùi Công Nam (Đống Đa, Hà Nội) thì chia sẻ: “Sau khi nước hồ được xử lý ô nhiễm bằng phế phẩm Redoxy 3C, nước hồ đã trong xanh trở lại, không còn mùi hôi thối, cảnh quan hồ ngày càng trong xanh đẹp hơn”.

Bác Nguyễn Thị Minh (Ngõ 207 Khâm Thiên, Hà Nội) chia sẻ “Ngày nào tôi cũng ra hồ ngồi hóng gió, tâm sự, trò truyện với bạn bè tuổi già. Trước đây hồ bốc mùi không ngồi được, nhưng thời gian gần đây tình trạng trên đỡ hơn nhiều. Màu nước bây giờ trong hơn chứ không vàng như trước”.

Theo TTXVN, sau 3 năm sử dụng, đánh giá về hiệu quả của chế phẩm này, Giáo sư Mai Đình Yên, chuyên gia về môi trường nước, Phó Chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam, cho biết đây là loại chế phẩm tốt dùng để xử lý ô nhiễm hồ.

Theo ông Mai Đình Yên thì về cơ bản nguyên lý hóa học hoạt động của loại chế phẩm này không khác nhiều so với các loại ở Việt Nam, nhưng họ đã tìm ra một loại chất dẫn kích thích oxy tăng nhanh khi hòa tan trong nước.

Chế phẩm này khi áp dụng làm sạch các hồ đã phát huy hiệu quả, khiến môi trường nước trong sạch hơn, các chỉ số oxy hòa tan đạt ngưỡng cho phép, giúp cho hệ sinh thái, thủy sinh phát triển tốt.

Trước đây, nước hồ Ba Mẫu từng bốc mùi rất nồng nặc, rác thải nổi khắp mặt hồ khiến người dân rất bức xúc. Theo phản ánh của người dân, có hiện tượng một số người dân xả rác thải và đổ trộm phế thải xây dựng nên nước hồ Ba Mẫu đã bị ô nhiễm.

Mặc dù chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, tuy nhiên, vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý nguồn nước bị ô nhiễm này. Nhưng sau khi nước hồ được làm sạch thì môi trường hồ đã được cải thiện.

Bày tỏ tin tưởng vào các phương án cải thiện nguồn nước, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng, phương pháp cải thiện hiệu quả nhất vẫn là ý thức của người dân và sự sát sao của các cơ quan chức năng. Cần tránh tình trạng nước thải từ các cơ sở sản xuất không được xử lý đúng quy trình trước khi xả xuống hồ Ba Mẫu nói riêng, các ao hồ của Hà Nội nói chung.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Sau 3 năm làm sạch bằng công nghệ Đức, hồ Ba Mẫu trong xanh trở lại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.